Thứ 6, 19/04/2024 10:47:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:09, 31/03/2018 GMT+7

Đưa lịch sử địa phương vào trường học

Thứ 7, 31/03/2018 | 09:09:00 537 lượt xem

BP - Từ ngày 26 đến 30-3-2018, Ban quản lý di tích tỉnh tổ chức trưng bày hình ảnh về các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Phước tại các trường học. Đây là việc làm mang ý nghĩa thiết thực, nhằm giúp học sinh hiểu hơn về truyền thống, lịch sử của quê hương thông qua các hình ảnh trực quan sinh động. Biết lịch sử đất nước, dân tộc trước tiên phải biết lịch sử nơi mình sinh ra và đang sống. Vì vậy, cùng với việc học tập các tiết học về môn lịch sử địa phương trên lớp, các em nếu được trực tiếp xem những hình ảnh thực tế về lịch sử quê hương sẽ rất bổ ích.

Điều tra của ngành giáo dục cho thấy, học sinh các cấp lơ là với môn học Lịch sử đã trở nên phổ biến. Trong các kỳ thi tốt nghiệp, thi đại học, bài làm môn Lịch sử của học sinh đạt điểm cao rất hiếm. Nhiều em hiểu về lịch sử một cách rất mơ hồ, không chính xác. Trách nhiệm này không chỉ thuộc về các thầy cô giáo mà còn do sự bất cập của việc giảng dạy môn Sử, trong đó có tiết lịch sử địa phương. Hiện trong trường phổ thông, ngoài các tiết học chính khóa theo phân phối chương trình khung của Bộ GD-ĐT, mỗi môn học vào cuối kỳ đều có 2 tiết chương trình địa phương. Môn Lịch sử cũng trong quy định ấy. Mặc dù vậy thầy cô môn Sử thường rất ngại dạy các tiết lịch sử địa phương. Trong khi đó, chương trình sử địa phương chưa có một giáo trình bài dạy cụ thể nào, phần lớn đều do các thầy cô tự biên soạn và thực hiện. Vì không có giáo án thống nhất, lại bố trí ở cuối kỳ nên môn lịch sử địa phương thường bị bỏ qua hoặc cho học sinh tự tìm hiểu.

Đối với Bình Phước, ngày 26-10-2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 238/KH-UBND về biên soạn giáo trình dạy học “Lịch sử địa phương tỉnh Bình Phước” trong các trường phổ thông. Theo đó, giáo trình gồm 3 quyển theo 3 cấp học. Đối tượng sử dụng là học sinh từ lớp 5 đến lớp 12; giáo viên Lịch sử toàn tỉnh tại các trường tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, cao đẳng; các phòng, ban của sở, phòng GD-ĐT huyện, thị xã. Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành và cung cấp sách, tư liệu cho học sinh và giáo viên bộ môn Lịch sử trong tỉnh. Giáo trình là nguồn tài liệu chính thống về lịch sử tỉnh Bình Phước, góp phần nâng cao chất lượng dạy học lịch sử địa phương, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước và khơi dậy tinh thần trách nhiệm đối với quê hương của học sinh, sinh viên trong tỉnh. Việc Ban quản lý di tích tỉnh đưa hình ảnh của các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh Bình Phước đến với các trường học có ý nghĩa rất thiết thực, nhằm hỗ trợ tích cực học sinh trong việc học tập, tìm hiểu về truyền thống lịch sử của quê hương mình.

Dạy Lịch sử không chỉ đơn thuần là truyền đạt những kiến thức định sẵn trong khung chương trình ban hành của Bộ GD-ĐT. Dạy Sử để giúp học sinh hiểu được lịch sử, từ đó có lòng tự hào dân tộc. Vì vậy, không chỉ dạy các em những điều có sẵn trong sách giáo khoa, mà phải làm cho các em hiểu truyền thống tốt đẹp của cha ông, nhất là của địa phương thông qua hình ảnh, những chuyến đi thực tế tại các di tích. Từ đó các em hiểu rõ hơn về những điều trong sách mà thầy cô đã dạy. Làm sao để các thế hệ trẻ hiểu được lịch sử truyền thống quê hương của mình, từ đó thêm yêu đất nước là điều mong mỏi của mọi người. Chúng ta mất nhiều tiền bạc để đưa học sinh đi tham quan những nơi xa xôi, nhưng tại địa phương mình có những thần tích hoặc di tích lịch sử gì thì các em lại không hiểu, không biết là có tội với lịch sử.

Thanh Hà

  • Từ khóa
108844

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu