Thứ 7, 20/04/2024 17:14:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:13, 13/03/2015 GMT+7

Dự thảo Luật phí và lệ phí - những bất cập

Thứ 6, 13/03/2015 | 14:13:00 150 lượt xem
BP - Dự thảo Luật phí và lệ phí vừa được Bộ Tài chính công bố để lấy ý kiến. Theo đó, sẽ có 26 khoản phí, lệ phí được loại bỏ. Vì đây là những khoản phí, lệ phí trùng với một số khoản thu khác như phí an ninh trật tự; phí phòng, chống thiên tai... Và mặc dù dự thảo luật này đã bổ sung nhiều nội dung mới, trong đó có việc khuyến khích các tổ chức ngoài nhà nước đầu tư phát triển dịch vụ sự nghiệp công để hướng tới việc cung cấp tốt hơn dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong dự thảo vẫn còn nhiều bất cập cần được giải quyết.

Cụ thể là dự thảo đã bỏ 26 loại phí, lệ phí, nhưng lại bổ sung thêm 17 khoản phí, lệ phí vào danh mục và bổ sung tên 9 loại phí, trong đó 4 loại lệ phí đang có tên trong các văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhưng chưa có trong danh mục phí, lệ phí. Và với cách loại bỏ như vậy thì thực chất chẳng có loại phí nào được bỏ. Vì đây chỉ là loại bỏ cái tên trong danh mục, bởi vì nó trùng với các khoản thu khác, chứ người dân và doanh nghiệp không được bớt đồng phí nào. Ví dụ như phí an ninh trật tự thực chất là trùng với khoản thu quỹ an ninh -  quốc phòng mà người dân vẫn đóng lâu nay. Dự thảo luật bỏ phí an ninh trật tự nhưng người dân vẫn phải đóng dưới cái tên Quỹ an ninh - quốc phòng. Thậm chí có địa phương còn thu các khoản đóng góp tự nguyện như một loại phí bắt buộc...

Một bất cập tiếp theo là dự thảo luật đã bổ sung thêm nguyên tắc trong xác định mức thu đối với phí là “có lợi nhuận hợp lý”, nhằm khuyến khích thu hút doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ của đối tượng chịu tác động là các cá nhân, tổ chức thuộc diện phải đóng phí thì việc bổ sung nguyên tắc này trong xác định mức phí sẽ làm gia tăng đáng kể các mức phí hiện tại. Mục tiêu khuyến khích thu hút chủ thể cung cấp dịch vụ là hợp lý, song phải hài hòa với mục tiêu là đảm bảo quyền lợi hợp pháp và chính đáng của các đối tượng chịu tác động. Do đó, tôi đề xuất cần quy định cụ thể thế nào là đảm bảo lợi nhuận hợp lý.

Cũng liên quan đến nguyên tắc “có lợi nhuận hợp lý”, theo ý kiến của cá nhân tôi thì các dịch vụ công mà Nhà nước hoặc các tổ chức do Nhà nước ủy quyền theo sự kiểm soát của Nhà nước thực hiện, thì không nên có “yếu tố lợi nhuận hợp lý” trong xác định mức phí. Bởi vì Nhà nước không phải là chủ thể kinh doanh, không thể đặt vấn đề lợi nhuận trong hoạt động phục vụ người dân. Dự thảo cũng cần làm rõ hơn các khoản thu, nhất là các khoản thu tại địa phương như hiện nay. Thực tế, có địa phương huy động các khoản đóng góp mang tính tự nguyện, không nằm trong danh mục phí, lệ phí như quỹ khuyến học, quỹ ủng hộ người nghèo, xây dựng cơ sở ha tầng, xây dựng nông thôn mới… nhưng cách thức huy động lại giống như khoản phí bắt buộc với người dân.

Bất cập nữa là việc phân biệt giữa phí và lệ phí trong dự thảo chưa rõ ràng. Cụ thể là quy định về phí thẩm định đối với kinh doanh thương mại có điều kiện. Hoạt động thẩm định này là nhằm phục vụ cho quy trình cấp phép kinh doanh do các cơ quan nhà nước thực hiện. Thực chất đây là một loại thủ tục hành chính, được thực hiện theo quy trình cấp phép kinh doanh, do đó là hoạt động thuộc diện phải nộp lệ phí chứ không phải phí như dự thảo đưa ra.

Hải An

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu