Thứ 7, 20/04/2024 05:34:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:07, 09/09/2014 GMT+7

Dự thảo Luật BHXH và những bất cập

Thứ 3, 09/09/2014 | 08:07:00 146 lượt xem
BP - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành và nhân dân. Theo đó, dự thảo gồm 10 chương, 122 điều, ít hơn 1 chương và 19 điều so Luật BHXH hiện hành. Cụ thể, trong dự thảo đã bỏ chương về bảo hiểm thất nghiệp vì đã được quy định trong Luật Việc làm.

Mặc dù trong dự thảo đã có nhiều sửa đổi, bổ sung, nhưng ngay sau khi được công bố, vấn đề nóng nhất được dư luận quan tâm nhiều và thảo luận sôi nổi là quy định về kéo dài tuổi nghỉ hưu. Theo các phương án trong dự thảo, từ năm 2016 trở đi, tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức (cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đủ 62 tuổi đối với cả nam và nữ hoặc đủ 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ); từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại với lộ trình như trên. Như vậy, nam giới sẽ phải làm việc thêm 2 năm và nữ sẽ phải làm thêm từ 5 đến 7 năm so quy định hiện hành.

Chính những quy định trên đây đã làm phát sinh nhiều bất cập, thậm chí là không đúng với quan điểm của Đảng và Nhà nước. Vì theo quan điểm của Đảng và Nhà nước thì chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước trong thời kỳ mới, chứ không thay đổi chính sách. Việc tăng tuổi nghỉ hưu là thay đổi chính sách và đi ngược với quan điểm chăm lo ngày càng tốt hơn cho người lao động.

Bất cập thứ hai là với quy định về độ tuổi nghỉ hưu như trong dự thảo là trái với quy định trong Bộ luật Lao động hiện hành vừa được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18-6-2012 và mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013. Cụ thể, tại Điều 187 Bộ luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55. Nhưng nay Luật BHXH lại quy định kéo dài thêm tuổi nghỉ hưu, như vậy Quốc hội vừa ban hành lại phải sửa đổi Bộ luật Lao động nữa hay sao?

Thứ ba là nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu thì hàng vạn lao động mới ra trường hằng năm sẽ biết tìm việc ở đâu khi những người cũ chưa nghỉ? Hơn nữa, quy định này cũng sẽ bất lợi cho hàng vạn lao động đang làm việc trong ngành cao su và những ngành nặng nhọc, độc hại khác. Và do là đặc thù nên từ nhiều năm qua, ngành cao su đã kiến nghị tuổi nghỉ hưu với nữ là 45, nam là 50. Nếu nay kéo dài ra thì chắc chắn sẽ có không ít người lao động ở ngành này “sẽ không kịp nghỉ hưu” mà xin nghỉ việc trước tuổi để hưởng trợ cấp một lần. 

Bất cập thứ tư là quy định trong dự thảo là người lao động phải tham gia đóng BHXH từ 16 đến 20 năm mới được tính tương đương 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu (quy định hiện nay là 15 năm). Chưa hết, nếu người lao động nghỉ trước tuổi thì cứ mỗi năm nghỉ sớm bị trừ tiền lương hưu 2%/năm (hiện là 1%). Như vậy, những người càng nghỉ hưu sau này sẽ càng bất lợi.

Một bất hợp lý nữa là trong dự thảo đã bỏ chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (điều 27, 37, 48). Dư luận cho rằng, trong dự thảo cần phải giữ quy định này nhưng quy định cụ thể, rõ ràng hơn về điều kiện, đối tượng được hưởng, không được cắt bỏ quyền lợi của người lao động. Vì Luật BHXH là bộ luật có tác động đến hàng chục triệu người lao động nên cần tạo ra sự bình đẳng trong việc thực hiện.                  

N.N

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu