Thứ 4, 24/04/2024 09:07:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:30, 28/02/2016 GMT+7

Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt tiêu: Ngành nông nghiệp phải quyết liệt vào cuộc

Chủ nhật, 28/02/2016 | 07:30:00 939 lượt xem

BP - Tháng 6-2015, Hiệp hội Gia vị châu Âu đã có thư gửi Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cảnh báo dư lượng hóa chất trong hạt tiêu Việt Nam. Bước qua năm 2016, Tây Ban Nha đã cảnh báo khi phát hiện hàm lượng chất diệt nấm carbendazim vượt quá giới hạn cho phép trong lô hàng hạt tiêu đen của một doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt chất carbendazim trên hạt tiêu đen có ở khâu nào trong quy trình sản xuất và lưu thông mua bán, vẫn còn là “ẩn số” cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng để hồ tiêu Việt Nam mãi thống trị thị trường thế giới...

“CON SÂU LÀM RẦU NỒI CANH”

Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho biết, Bộ Y tế Tây Ban Nha vừa gửi công hàm thông báo về việc Ủy ban châu Âu ban hành lệnh cảnh báo đối với hạt tiêu Việt Nam. Cảnh báo này được đưa ra sau khi phát hiện hàm lượng chất diệt nấm carbendazim vượt quá giới hạn cho phép trong lô hàng hạt tiêu đen của một doanh nghiệp Việt Nam. Trước mắt, Tây Ban Nha sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát đặc biệt việc nhập khẩu hạt tiêu đen tại các cửa khẩu của nước này. Đối với lô hàng hạt tiêu đen của doanh nghiệp Việt Nam, sẽ áp dụng các biện pháp thu giữ mẫu hàng bị nghi ngờ, phân tích chi tiết tổng thể hàm lượng và lưu giữ toàn bộ lô hàng chờ kết quả chính thức. Năm 2015, hạt tiêu là mặt hàng đứng thứ 8 của Việt Nam trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Tây Ban Nha.

Chiều 17-2, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã có phản hồi về vấn đề này. Theo VPA, việc trả sản phẩm về là có thật nhưng với số lượng rất nhỏ. Tuy nhiên, điều lo lắng ở đây là việc các đối thủ sẽ lợi dụng tình hình này gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành hồ tiêu Việt Nam. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA cho rằng: Các nước khác sẽ lợi dụng để tẩy chay sản phẩm của Việt Nam và đây mới là điều nguy hiểm nhất. Bởi vì một sự việc chúng ta có thể ngăn chặn được trong trường hợp cá biệt, còn khi mà cung vượt cầu thì người ta coi đó là một hàng rào kỹ thuật và sẽ bất lợi cho ngành hồ tiêu Việt Nam.

Người trồng tiêu khẳng định không sử dụng chất carbendazim khi cất trữ

Châu Âu trong đó có Tây Ban Nha hiện nhập lượng hàng lớn của Việt Nam trên 40.000 tấn, là thị trường rất khó tính và sẽ càng khắt khe hơn khi các đối thủ của Việt Nam như Indonesia, Ấn Độ tăng diện tích trồng tiêu khiến việc kiểm soát càng đặt ra nghiêm ngặt. Năm 2015, Việt Nam tiếp tục chi phối thị trường tiêu thế giới với trên 50% sản lượng, giá trị đạt trên 2,4 tỷ USD.

CARBENDAZIM CÓ Ở KHÂU NÀO?

Xuất khẩu hồ tiêu đang là niềm tự hào của doanh nghiệp và nông dân, khi 15 năm liên tục Việt Nam giữ vững vị trí số 1 về sản lượng và thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng như nhiều nông sản khác, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang là rào cản trong quá trình hội nhập phát triển của hồ tiêu, đặc biệt khi Việt Nam vừa ký kết các hiệp định thương mại TPP, FTA và cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015...

Chủ tịch VPA Đỗ Hà Nam cho hay, việc hồ tiêu bị nhiễm chất diệt nấm hay dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) một phần do diện tích hồ tiêu những năm qua tăng ồ ạt khiến khó kiểm soát việc sử dụng thuốc BVTV của người trồng. Một phần do chính chúng ta chưa kiểm soát hồ tiêu ngay từ trong nước trước khi xuất khẩu, bị kiểm tra là phải trả về.

Cung chưa đáp ứng được cầu nên thị trường hồ tiêu luôn “khát” hàng và không phân biệt tiêu sản xuất theo quy trình ATVSTP, nông dân bán dễ với giá cao ngất ngưởng. Chênh lệch giữa tiêu sạch và tiêu không bảo đảm ATVSTP là không đáng kể. Đặc biệt, hoạt chất nghiêm cấm sử dụng trong hồ tiêu là carbendazim (chiếm 60% thị phần thuốc BVTV) có hiệu quả cao trong đặc trị các loại bệnh trên cây tiêu; nông dân thích sử dụng thuốc diệt cỏ cháy nhanh để giảm giá thành trong hoàn cảnh lao động phổ thông ở nông thôn ngày càng khan hiếm. Tuy nhiên, tại các hội nghị tổng kết quy trình sản xuất tiêu sạch, nhiều nông dân cho rằng hoạt chất carbendazim được phun vào đầu mùa mưa, hồ tiêu thu hoạch vào giữa mùa khô nên thời gian cách ly rất xa. Riêng phun trực tiếp vào sản phẩm, với hồ tiêu nông dân phơi 2-3 nắng (khô khén) cho vào kho không cần chất chống nấm carbendazim. Nông dân Nguyễn Văn Tiến ở xã Lộc Thiện (Lộc Ninh) khẳng định: “Hoạt chất Carbendazim tồn dư trong hạt tiêu đen chính ở khâu gian lận thương mại do tiểu thương mua tiêu trộn lẫn tiêu khô và tiêu đang ẩm nhằm tăng trọng lượng nên cần đến hoạt chất carbendazim để chống mốc”.

NGÀNH NÔNG NGHIỆP PHẢI QUYẾT LIỆT VÀO CUỘC

Trên thực tế, hiện chưa có cơ quan chức năng nào “bắt tay” vào để khẳng định chất carbendazim có ở khâu nào trong quy trình sản xuất và lưu thông hạt tiêu. Thị trường đang đòi hỏi nông sản ATVSTP và đó cũng chính là sự sống còn của cả nông dân và doanh nghiệp. Rõ ràng không chỉ với hồ tiêu mà nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp trong quản lý nhà nước để vượt qua rào cản ATVSTP, tạo uy tín với người mua để bán được hàng.

Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam, chỉ riêng việc loại bỏ 6 hoạt chất là carbendazim, permethrin, methalaxyl, promocarb, biphenil và anthraquinol trong thành phần thuốc BVTV thường dùng trừ sâu bệnh trên hồ tiêu đã giúp gần 80% lượng hồ tiêu Việt Nam đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. 

Trước mắt, ngành nông nghiệp nên rà soát quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản hồ tiêu đang phổ biến ở các vùng trồng tiêu để có kết luận rõ ràng, chính xác khâu nào trong quy trình đã gây tồn dư hóa chất trên hạt tiêu. Chỉ khi xác định rõ mới có cơ sở khuyến cáo và giải pháp kiểm soát hiệu quả. Rà soát danh mục thuốc BVTV dùng cho hồ tiêu để loại bỏ ngay khỏi danh mục một số thuốc chứa hoạt chất mà nhiều nước nhập khẩu hồ tiêu đã ngăn cấm. Song song đó, khảo nghiệm để đưa ngay vào danh mục những thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học có thể thay thế, vì tình hình dịch bệnh trên hồ tiêu vẫn đang có chiều hướng gia tăng.

Đồng thời gấp rút đẩy mạnh nghiên cứu sâu về hồ tiêu, đặc biệt là giống tiêu kháng sâu bệnh, nghiên cứu các tác nhân sinh học diệt trừ sâu bệnh (Bio-Control Agents) để thay thế thuốc hóa học, đảm bảo cho nông dân yên tâm canh tác. Tăng cường hoạt động khuyến nông, tập huấn, nâng cao trình độ cho nông dân trong canh tác và bảo quản sau thu hoạch để có tiêu sạch.

Người trồng tiêu rất mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm xây dựng các quy trình quản lý sản xuất từ hộ nông dân, quy hoạch vùng nguyên liệu để tiến tới cấp chứng nhận vùng sản xuất. Trên cơ sở đó mới có thể xây dựng được vùng nguyên liệu sản xuất, theo quy trình sạch, có chỉ dẫn xuất xứ truy xuất nguồn gốc và xây dựng được thương hiệu.

Phương Hà

(Bài viết có sử dụng thông tin từ VPA)

  • Từ khóa
40119

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu