Thứ 6, 19/04/2024 11:53:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:09, 26/01/2017 GMT+7

Dù đi ngược về xuôi, vẫn không thể quên ẩm thực đặc trưng của từng miền ngày Tết

Nguồn Báo Đất Việt
Thứ 5, 26/01/2017 | 14:09:00 623 lượt xem
BPO - Ngày Tết, mâm cơm ngày Tết mỗi miền lại có một đặc trưng riêng. Dù đi ngược về xuôi thì đến những ngày này, ai cũng mong ngồi quay quần bên gia đình, thưởng thức các món ngon và chuyện trò rôm rả.

Mâm cỗ miền Bắc: Đủ đầy, nhiều màu sắc

Mâm cỗ của người miền Bắc thường rất được chú trọng theo đúng nét cổ truyền của dân tộc. Cỗ lớn thì 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Linh hồn của ngày Tết Nguyên Đán miền Bắc đó là bánh chưng. Những chiếc bánh thơm dẻo, có nhân đỗ xanh, thịt, hạt tiêu mang đến hương vị đặc biệt.

Bên cạnh đó không thể thiếu món thịt đông được làm từ thịt lợn ba chỉ hoặc thịt gà cộng thêm mảng bì lợn. Nồi thịt đông ngon béo ngậy ăn cùng bánh chưng mang lại cảm giác ngon miệng. Mâm cỗ còn có món dưa hành vị cay nhẹ, chua chua giúp thực khách cảm thấy đỡ ngán và dễ tiêu hóa thức ăn hơn.

Ngoài ra thì còn có bát chân giò lợn hầm măng lưỡi, bát miến, bát mọc nấm thả, đĩa chả quế, giò thủ, đĩa nộm su hào… Ở nhiều địa phương còn có món chè kho vừa mát vừa mềm lại có mùi thơm của đỗ xanh, hương bưởi hiện diện trong mỗi mâm cơm cúng tổ tiên dịp Tết. 

Mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc 

Bánh chưng được gói ghém vuông vức, đẹp mắt

Món chè lam đặc trưng của nhiều vùng

Thịt kho đông cũng là món ăn không thể thiếu

Người Bắc còn ưa chuộng mứt hạt sen khi uống trà

Mâm cỗ miền Trung: Giản đơn, tinh tế

Cũng như con người ở vùng đất đầy nắng gió, giản dị, chân thành, mâm cỗ của người miền Trung cũng có đôi phần khác biệt, thường đơn giản hơn so với miền Bắc. Các món ăn thường được chia vào các bát nhỏ bày biện trên mâm tròn nhưng cũng rất đa dạng.

Người miền Trung có món bánh tét được gói thành hình trụ dài mềm dẻo, đậm đà với nguyên liệu cũng giống bánh chưng. Các món ăn Tết của người miền Trung hay xoay quanh các món cuốn với bánh tráng và rau nên bữa ăn ngày Tết thường có thịt luộc, các loại nem tré, nem lụi, món kho mặn và món hấp. Ngoài ra những món Tết của miền Trung có các món mặn như thịt kho Tàu, thịt phay, măng khô xào thịt, thịt ngâm nước mắm,…

Riêng Huế, mâm cỗ đặc sắc hơn mang hơi hướng cung đình xưa, có các món bánh mứt như món bánh đậu xanh nặn hình trái cây, bánh bò mứt, mứt quất, mứt gừng xăm, mứt sen, mứt bát bửu… 

Mâm cỗ đặc trưng ngày Tết của người miền Trung

Miền Bắc có bánh chưng thì miền Trung có bánh tét

Mâm cỗ miền Nam: Phong phú và phóng khoáng

Mỗi vùng miền đều có đặc trưng mâm cỗ Tết riêng, với miền Nam mâm cỗ ít nghi thức hơn so với các vùng khác. Vẫn là bánh tét nhưng được chế biến vô cùng phong phú, nhân của các loại bánh bao gồm: bánh tét chay, bánh tét mặn, bánh tét ngọt hay bánh tét nhân thập cẩm.

Người Nam bộ thường ăn bánh tét với món thịt kho cùng trứng vịt và nước cốt dừa, kèm củ kiệu muối. Sự khác biệt nhất trong mâm cỗ ngày Tết miền Nam là loại thịt dùng cho mâm cỗ thường là thịt kho tàu và món canh khổ qua với những mong muốn những khó khăn trong năm mới đều qua đi.

Ngoài ra còn có dưa giá, cải chua, củ kiệu là món không thể thiếu trong mâm cỗ mọi gia đình. Mâm ngũ quả cúng Tết cũng được người miền Nam chú trọng với bài trí rất đẹp mắt.

Dù đi ngược về xuôi, cứ đến ngày Tết thì chỉ mong về nhà được ngồi bên mâm cỗ đầy, quay quần cùng mọi người và chuyện trò vui vẻ. 

Mâm cơm đặc trưng ngày Tết của người miền Nam.

Nếu như miền Bắc có dưa muối, hành muối thì miền Nam có củ kiệu muối

Canh khổ qua cũng là một trong những món ăn không thể thiếu 

  • Từ khóa
86654

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu