Thứ 6, 29/03/2024 18:32:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:33, 17/11/2018 GMT+7

Dự án cấp điện nông thôn giai đoạn 2013-2020: ​​​​​​​Chậm vì sao?

Thứ 7, 17/11/2018 | 08:33:00 3,503 lượt xem
BP - Mặc dù được Nhà nước đầu tư nhưng sau nhiều năm Bình Phước vẫn còn không ít thôn, ấp vùng sâu, vùng xa, biên giới chưa có điện lưới quốc gia. Trong khi Dự án “Cấp điện nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013-2020” được Bộ Công Thương thỏa thuận cho tỉnh đầu tư sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương và vốn vay ODA đang triển khai rất chậm. Từ đó làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tác động tích cực của dự án

Bình Phước là một trong 17 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam được hưởng chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg, ngày 8-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của dự án là tạo động lực cho các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần thực hiện công bằng xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh. Đồng thời tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn, miền núi. Kết thúc dự án (sau năm 2020), dự kiến 100% thôn, ấp trong tỉnh có điện lưới quốc gia, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện ở nông thôn lên trên 98%.

Kéo điện về ấp 9, xã Thanh Hòa (Bù Đốp)

Ngày 12-12-2013, Bộ Công Thương có Văn bản số 11453/BCT-TCNL về việc thỏa thuận cho đầu tư Dự án “Cấp điện nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013-2020” và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1153/QĐ-UBND, ngày 4-6-2014. Theo đó, toàn tỉnh có 588 thôn, ấp thuộc 85 xã của 7 huyện được đầu tư với quy mô 609,98km đường dây trung thế, hơn 1.192km đường dây hạ thế, tổng dung lượng biến áp 16.355kVA, dự kiến có gần 16 ngàn hộ được hưởng lợi. Dự án có tổng vốn đầu tư 676,725 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương và vốn vay ODA chiếm 85%, tương đương 575 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng từ địa phương. Dự án được UBND tỉnh giao Sở Công Thương làm chủ đầu tư từ năm 2013, được phân kỳ thành 2 giai đoạn: Từ 2013-2015 đầu tư trên 199 tỷ đồng và 2016-2020 đầu tư trên 477 tỷ đồng.

“Những năm qua, việc đầu tư các dự án điện ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn rộng, người dân sống không tập trung nên bán kính cấp điện xa, phụ tải thấp, dẫn đến tổn thất điện năng cao và suất đầu tư lớn, trung bình từ 20-30 triệu đồng/hộ, thậm chí có khu vực lên tới 60 triệu đồng/hộ. Mặc dù đã có chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhưng nguồn vốn của ngành điện có hạn, do đó việc đầu tư xây dựng lưới điện nông thôn trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Dự án “Cấp điện nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013-2020” được triển khai sẽ giảm gánh nặng cho ngành điện. Nếu được triển khai đồng bộ sẽ tác động tích cực đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo giữa nông thôn với thành thị” - Giám đốc Công ty Điện lực Bình Phước Đỗ Văn Hờn cho biết.

NGUỒN VỐN rót nhỏ giọt

Theo dự án, giai đoạn 2013-2015, Bình Phước đầu tư 163,6km đường dây trung thế và 359,53km đường dây hạ thế, 195 trạm biến áp; dự kiến cấp điện cho 3.519 hộ dân với vốn đầu tư ước khoảng 199,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ phân bổ cho Bình Phước 15 tỷ đồng trên tổng 169,32 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn đối ứng 2,8 tỷ đồng của tỉnh, ngành đã đầu tư 27.286m đường dây trung thế, 33.401m hạ thế và các trạm biến áp với tổng dung lượng 718kVA, cấp điện cho 522 hộ dân ở 6 xã của 3 huyện Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Bù Đốp.

Theo kế hoạch phân bổ vốn hằng năm, Sở Công Thương đã nhiều lần đề nghị bộ, ngành Trung ương tiếp tục phân bổ vốn cho dự án nhưng nguồn vốn rót về rất hạn chế. Năm 2016, tỉnh cần được phân bổ thêm 154,32 tỷ đồng trong tổng số tiền thuộc Dự án “Cấp điện nông thôn tỉnh giai đoạn 2016-2020” để đầu tư cho 15 xã thuộc 3 huyện biên giới là Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập. Tuy nhiên chỉ bố trí được 20 tỷ đồng, trong đó nguồn ghi vốn của địa phương 5 tỷ đồng, tỉnh đầu tư xây dựng được gần 3km đường dây trung thế và 3,2km đường dây hạ thế, cung cấp điện cho khoảng 980 hộ dân.

Khó cán đích

Từ đầu năm 2017, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (Ban QLDA tỉnh) được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư dự án này. Để thực hiện dự án phù hợp với tình hình thực tế theo phân bổ nguồn vốn của Trung ương, vốn vay..., Ban QLDA tỉnh đã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 2 tiểu dự án. Trong đó, tiểu dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Bình Phước sử dụng vốn ngân sách Trung ương, giai đoạn 2013-2020” theo Quyết định số 1992/QĐ-UBND, ngày 14-8-2017 của UBND tỉnh có tổng mức đầu tư 152 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 125 tỷ đồng và tỉnh đối ứng 27 tỷ đồng).

Năm 2017, nguồn vốn từ Trung ương bố trí 10 tỷ đồng, tỉnh đối ứng 5 tỷ đồng, Ban QLDA tỉnh cân đối kế hoạch và chỉ thực hiện được 3km trung thế, hơn 6,6km đường dây hạ thế và các biến áp với tổng dung lượng 1.460kVA, cung cấp điện cho khoảng 1.300 hộ dân. Năm 2018, tổng vốn được ghi 15,612 tỷ đồng (Trung ương 10 tỷ đồng), đơn vị đang thi công các công trình cấp điện cho 12 xã thuộc 5 huyện Chơn Thành, Bù Gia Mập, Bù Đăng, Hớn Quản và Lộc Ninh; dự kiến cung cấp điện lưới quốc gia cho 828 hộ. Ban QLDA tỉnh cũng đã tập hợp những công trình ở các huyện được thụ hưởng từ dự án, chỉ chờ vốn đầu tư... “Trong quá trình thi công lưới điện nông thôn, chính quyền các địa phương đã tích cực hỗ trợ và đông đảo người dân tự nguyện giải phóng mặt bằng để đường điện đi qua. Tuy nhiên, sau gần 2 năm tiếp quản dự án, nguồn kinh phí được Trung ương phân bổ quá thấp nên Ban QLDA tỉnh chỉ đầu tư ở những công trình có sự đồng thuận cao” - Giám đốc Ban QLDA tỉnh Dương Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Ông Dương Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm, đến nay tổng vốn đã đầu tư vào dự án mới được 82,8 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 12% tổng mức đầu tư đã phê duyệt. Chỉ còn 2 năm nữa là kết thúc dự án, liệu số vốn còn lại hơn 593 tỷ đồng đã được phê duyệt (nguồn đối ứng của địa phương còn 11,2 tỷ đồng/tổng vốn của toàn dự án) có được đầu tư cho hạ tầng lưới điện nông thôn ở Bình Phước? Được biết, trong số các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam được thụ hưởng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được Bộ Công Thương giao chủ đầu tư 12 dự án. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giao Tổng công ty Điện lực miền Nam thực hiện và đến nay, tiến độ triển khai các dự án đã cơ bản đạt trên 60% khối lượng. Với nguồn ngân sách được phân bổ nhỏ giọt như thời gian qua, Dự án “Cấp lưới điện nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013-2020” thực hiện quá chậm so với tiến độ đề ra.

Vì sao Bình Phước chưa được quan tâm ghi vốn đầu tư theo quyết định phê duyệt của dự án. Đó là câu hỏi đặt ra đối với chủ đầu tư dự án là Sở Công Thương. Có phải vì thực hiện dự án trên địa bàn rộng, dân cư phân tán cùng nhiều loại cây công nghiệp có giá trị phải đền bù giá cao, gây khó khăn cho quá trình thi công nên chủ đầu tư phải “cân nhắc”?... Riêng đối với tiểu dự án “Cấp điện từ lưới điện quốc gia tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2018-2020 từ nguồn vốn ODA do EU tài trợ” cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 70 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn đang chờ phê duyệt kế hoạch vốn năm 2018 từ Trung ương. Từ thực tế thực hiện dự án ở Bình Phước, rất mong các bộ, ngành liên quan và chủ đầu tư sớm có cách giải bài toán khó này, kịp thời phân bổ vốn đầu tư cho dự án để Bình Phước thi công đạt tiến độ theo đúng kế hoạch. 

T. Mảng

  • Từ khóa
94486

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu