Thứ 6, 29/03/2024 11:45:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:51, 03/11/2014 GMT+7

Nhà trẻ cho con em công nhân

Xã hội hóa vì thế hệ mầm non (Bài cuối)

Thứ 2, 03/11/2014 | 06:51:00 262 lượt xem

>> Nhà trẻ cho con em công nhân (Bài 1)

BP - Nhu cầu về trường mầm non dành cho con em công nhân lao động tại các khu công nghiệp (KCN) trong tỉnh hiện trở thành một vấn đề xã hội rất bức thiết.

Chia sẻ gánh nặng cho người lao động tại các KCN, UBND tỉnh đã chỉ đạo Tỉnh đoàn chủ trì thực hiện đề án xây dựng trường mầm non cho con em công nhân tại KCN Bắc Đồng Phú với sự ủng hộ của Trung ương Đoàn và các sở, ban, ngành trong tỉnh.

KHÓ CŨNG PHẢI LÀM

“Dự kiến tháng 12-2014 sẽ thi công nhà trẻ mầm non dành cho con em công nhân ở KCN Bắc Đồng Phú tại ấp Bàu Ké, thị trấn Tân Phú (Đồng Phú). Đây là dự án lớn, phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là kinh phí phải có 50% từ nguồn xã hội hóa. Dù khó cũng phải làm. Dự kiến nhà trẻ đưa vào hoạt động từ năm học 2015-2016” - Bí thư Tỉnh đoàn Tôn Ngọc Hạnh cho biết.

Công nhân sẽ yên tâm sản xuất nếu con em được gửi ở môi trường an toàn

KCN Bắc Đồng Phú nằm trên địa bàn huyện Đồng Phú, tổng diện tích 183,4 ha (diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 126 ha, còn lại được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cây xanh, xử lý nước thải...). Hiện KCN có 9 nhà đầu tư thứ cấp với tổng diện tích cho thuê 31 ha. Trong đó, 4 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động với trên 11.000 công nhân lao động, khoảng 60% công nhân là người ngoài tỉnh. Khu vực này có trên 1.000 trẻ là con em công nhân lao động, trong đó hơn 500 trẻ đến tuổi đi học mầm non. Dự báo khi lấp đầy diện tích đất công nghiệp cho thuê, số công nhân sẽ tăng lên 30-40 ngàn người. Theo đó, con em công nhân cũng tăng 2.000-3.000 trẻ nên nhu cầu về nhà trẻ là bức thiết.

Chị Tôn Ngọc Hạnh nói: Trên địa bàn thị trấn Tân Phú và xã Tiến Hưng (tiếp giáp với KCN) có 3 trường mầm non (2 trường công lập và 1 trường tư thục) nhưng chỉ có thể thu nhận con em địa phương và một số ít con em công nhân KCN Bắc Đồng Phú. Áp lực đè nặng lên vai công nhân cả về kinh tế lẫn tâm lý, vì gửi ở các cơ sở giữ trẻ tư nhân học phí từ 900 ngàn đến 1 triệu đồng/tháng. Xây dựng trường mầm non nhằm tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện, giúp người lao động giảm bớt khó khăn, an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Chị Phạm Thị Minh ở xã Tiến Hưng (TX. Đồng Xoài), công nhân Công ty TNHH Freewell cho biết: Tôi đang mang thai con thứ hai nhưng rất lo sau khi sinh không biết gửi con ở đâu. Hiện tôi đang gửi con đầu tại cơ sở tư, mỗi tháng học phí và tiền ăn 1 triệu đồng. Tôi cũng như nhiều gia đình công nhân khác mong có một nhà trẻ dành cho con em công nhân để tiện đưa đón các cháu khi đi làm.

CẦN “ĐỒNG SỨC ĐỒNG LÒNG”

Với tổng diện tích 5.000m2, dự án chia làm 2 giai đoạn với tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng phòng học và công trình phụ trợ khoảng 2,5 tỷ đồng; mua thiết bị, đồ dùng, đồ chơi và tài liệu phục vụ chương trình giáo dục mầm non khoảng 0,5 tỷ đồng. Giai đoạn 1, dự án có quy mô 5 lớp học, đáp ứng nhu cầu 200 trẻ, diện tích sử dụng bình quân tối thiểu 8m2/trẻ, bếp ăn đảm bảo 0,3-0,35m2/trẻ. Dự án cũng xây dựng 2 phòng phụ trợ, 1 bếp ăn, 1 nhà vệ sinh, cổng rào, nhà để xe giáo viên, sân chơi, cây xanh, hệ thống điện, nước, phòng cháy chữa cháy... với tổng kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng, trong đó vốn vận động xã hội hóa 50% và 15 tấn xi măng, còn lại từ vốn ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn 2, căn cứ tình hình thực tế hàng năm, Tỉnh đoàn tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí để mở rộng trường và vận động doanh nghiệp.

Bí thư Tỉnh đoàn Tôn Ngọc Hạnh cho biết thêm: Thực hiện giai đoạn 1, Trung ương Đoàn hỗ trợ 200 triệu đồng, ngân sách tỉnh 700 triệu đồng. Qua vận động, Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh đã hứa ủng hộ 400 triệu đồng và 15 tấn xi măng do Công ty xi măng Hà Tiên ủng hộ. Về tư vấn thiết kế, giám sát thi công, Tỉnh đoàn vận động đoàn cơ sở Sở Xây dựng thực hiện. Tỉnh đoàn cũng sẽ vận động các sở, ban, ngành trong và ngoài tỉnh ủng hộ thêm để cơ sở giáo dục này sớm đi vào hoạt động, giảm bớt khó khăn cho công nhân.          

Ngọc Bích

  • Từ khóa
84669

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu