Thứ 7, 20/04/2024 00:08:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:44, 31/07/2019 GMT+7

Đột phá trong thực hiện nghị quyết ở Đức Hạnh

Thứ 4, 31/07/2019 | 06:44:00 1,755 lượt xem
BP - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập) nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra 15 nhiệm vụ, chỉ tiêu phấn đấu nhưng đến giữa năm 2019 mọi kế hoạch đã hoàn thành đạt 100%. Đặc biệt, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã về đích trước 3 năm so với mục tiêu phấn đấu ban đầu. “Có được thành công đó là nhờ sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và sự đoàn kết, nhất trí cao trong toàn Đảng bộ xã” - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đức Hạnh Trần Quang Thức nói.

Điểm nhấn trong xây dựng Đảng

Đảng bộ xã Đức Hạnh có 96 đảng viên, sinh hoạt tại 12 chi bộ. So với đầu nhiệm kỳ tăng 21 đảng viên và tăng 2 chi bộ. Theo kế hoạch phấn đấu, mỗi năm Đảng bộ xã kết nạp 5-6 đảng viên nhưng đến nay cơ bản hoàn thành và đến cuối nhiệm kỳ có thể vượt chỉ tiêu.

Thôn Bù Kroai có 103 hộ, trong đó 100% là người S’tiêng với trình độ dân trí thấp, dẫn đến khó khăn trong công tác phát triển đảng viên. Thực hiện chủ trương “xóa trắng đảng viên”, từ năm 2009, Đảng ủy xã điều động 4 đảng viên về thôn sinh hoạt và thành lập Chi bộ thôn Bù Kroai. Đến năm 2018, sau 9 năm có chi bộ, thôn Bù Kroai mới phát triển được 1 đảng viên tại chỗ là anh Điểu Thiêng. Anh Điểu Thiêng là dân quân tự vệ của xã và tham gia hoạt động tích cực trong chi đoàn thôn nên được giới thiệu vào Đảng. Hiện Đảng ủy xã đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục trình Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định kết nạp cho 2 quần chúng tích cực ở thôn Bù Kroai là thôn phó và chi hội trưởng nông dân. Tương tự, thôn Sơn Trung có 80% số dân là đồng bào S’tiêng nên khó khăn trong công tác phát triển đảng viên. Từ năm 2009 đến nay, thôn chỉ kết nạp được 2 đảng viên, vì thế để thành lập  chi bộ, Đảng ủy xã phải điều động đảng viên nơi khác đến sinh hoạt.

Nhờ đột phá trong thực hiện nghị quyết, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập) đã về đích nông thôn mới trước kế hoạch 3 năm

Đức Hạnh có 1.536 hộ/6.446 người, trong đó gần 30% số dân là đồng bào S’tiêng nhưng đến nay xã chỉ mới phát triển được 3 đảng viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Trao đổi vấn đề này, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trần Quang Thức cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó phát triển đảng viên nông thôn nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Phần lớn thanh niên nông thôn đi làm xa, không đạt chuẩn về trình độ, không có động cơ phấn đấu vào Đảng, lấy vợ sớm, sinh con thứ ba. Một số thanh niên dù đạt chuẩn trình độ, có động cơ phấn đấu, tích cực tham gia các hoạt động nhưng do bỏ học từ lâu nên không viết được hồ sơ. Tuy nhiên, hiện công tác phát triển đảng viên nông thôn có chiều hướng tiến triển tốt nhờ vận động tuyên truyền, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số tích cực tham gia các hội, đoàn thể thôn. Đây là nguồn lực dồi dào để phát triển đảng trong thời gian tới.

Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ xã thành lập thêm 2 chi bộ là Chi bộ y tế và Trường mầm non Đức Hạnh. Theo đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, 100% cơ quan, đơn vị trong xã đều có chi bộ. Trong nhiều năm qua, Đảng bộ không có đảng viên bị kỷ luật; 12/12 chi bộ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt trong sạch vững mạnh, không có chi bộ yếu, kém. Trong đó, Chi bộ cơ quan và Chi bộ quân sự nhiều năm liền đạt vững mạnh tiêu biểu được Tỉnh ủy tặng bằng khen, góp phần đưa Đảng bộ xã 5 năm liền đạt trong sạch vững mạnh.

Về đích NTM trước 3 năm

Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Hạnh Nguyễn Minh Hóa cho biết: Nghị quyết Đảng bộ phấn đấu đưa xã về đích NTM vào năm 2020 nhưng theo yêu cầu của huyện và các cấp, ngành phải đẩy nhanh tiến độ để cán đích năm 2017. Để hoàn thành mục tiêu giao, ngoài huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tranh thủ các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thì lãnh đạo xã tăng cường vận động người dân hiểu rõ mục đích của việc xây dựng NTM trên địa bàn. Nhất là làm sao để người dân thấy được cái lợi của việc xây dựng NTM, khi đó họ mới mạnh dạn đầu tư tiền của, ngày công, hiến đất, cây trồng để làm đường, xây dựng các thiết chế văn hóa.

Xã Đức Hạnh đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017

Năm 2017, xã vận động được hơn 74 tỷ đồng để đầu tư xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện hỗ trợ trên 23 tỷ đồng; vay tín dụng 30 tỷ đồng; các doanh nghiệp, hợp tác xã đóng góp hơn 7 tỷ đồng; nhân dân đóng góp gần 14 tỷ đồng. Toàn xã có gần 59km đường liên xã, liên thôn, nội đồng, đến nay đường liên xã trải nhựa 30,6km, đạt 100%; đường liên thôn được cứng hóa 17,3km/20,395km, đạt 84,8%, tăng 4,9% so năm 2017. Trên 43km dọc tuyến đường nhựa, đường bê tông, nhân dân đóng góp làm 18km đường điện thắp sáng, đạt 41,8% và tăng 6,1% so năm 2017. Từ nhiều năm nay, 100% hộ dân trên địa bàn xã được sử dụng điện lưới quốc gia đảm bảo an toàn, hiệu quả. Xã có 6 nhà văn hóa/6 thôn thì tất cả đều đã được đầu tư tu sửa, mua sắm đầy đủ trang thiết bị phục vụ người dân. 3 trường học trên địa bàn xã cũng được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo nhu cầu dạy và học, trong đó Trường tiểu học Nguyễn Huệ phấn đấu đạt chuẩn quốc gia trong năm học 2019-2020.

Sau khi đạt chuẩn NTM, từ năm 2017 đến nay, xã duy trì giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Hiện các tiêu chí đều vượt 5-15% so với quy định của vùng, đặc biệt xã không nợ đọng trong xây dựng NTM. Giai đoạn 2015-2019, xã vận động xây dựng 5 căn nhà tình thương, 31 căn nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo. Đến nay xóa 100% nhà tạm, dột nát. Năm 2019, xã còn 119 hộ nghèo, giảm 51 hộ so với năm 2017. Đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên, an ninh trật tự luôn đảm bảo. Với thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, Đức Hạnh được UBND tỉnh tặng cờ “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” năm 2017.

Và những trăn trở

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Minh Hóa cho biết thêm: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã vui mừng, phấn khởi vì các chỉ tiêu, kế hoạch đã hoàn thành trước 1 năm so với nghị quyết đề ra nhưng một vấn đề đang khiến lãnh đạo xã băn khoăn, trăn trở là dân di cư tự do đến địa bàn ngày một nhiều, gây áp lực cho xã về mọi mặt. Đầu nhiệm kỳ chỉ có 16 hộ di cư từ Campuchia về sinh sống nhưng đến nay tăng lên 86 hộ, trung bình mỗi hộ có 6 người. Về nguyên nhân, ông Hóa cho rằng do tiềm thức của người dân thường gắn với sông nước. Ở Campuchia, Việt kiều sống ở Biển Hồ, khi về Việt Nam họ cũng chọn vùng có sông nước, trong đó xã Đức Hạnh là “nơi đất lành chim đậu”. Khi về Việt Nam họ không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, không nhà ở, không tư liệu, đất sản xuất, không có việc làm. Cư trú trên địa bàn, lãnh đạo xã không thể để họ ngoài cuộc mà phải quan tâm, hỗ trợ mọi mặt. Dân di cư đến xã gây áp lực về vệ sinh môi trường, dịch bệnh, công tác an sinh xã hội. Đặc biệt, phần lớn các hộ đều có con em trong độ tuổi đi học nhưng do không có bất kỳ loại giấy tờ nào nên không biết các cháu đã đi học hay chưa. Để giải quyết vấn đề này, xã làm việc với Trường tiểu học Đức Hạnh mở lớp xóa mù chữ cho 70 cháu.

“Thu nhập chính của người dân địa phương phụ thuộc vào nông nghiệp (điều, cao su) nhưng từ năm 2017 trở lại đây, giá nông sản xuống thấp, cộng thêm thời tiết bất lợi, sâu bệnh phá hoại cây trồng diễn ra thường xuyên ảnh hưởng đến việc tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Điều này gây khó khăn trong thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch ở nhiệm kỳ tiếp theo” - ông Nguyễn Minh Hóa trăn trở.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
1554

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu