Thứ 5, 18/04/2024 12:02:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:02, 30/05/2013 GMT+7

Trông chờ vắc-xin thế hệ mới

Thứ 5, 30/05/2013 | 14:02:00 419 lượt xem

Thời gian qua, những biến chứng của vắc-xin Quinvaxem (5 trong 1) đã khiến nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ lo lắng. Việc tạm ngừng tiêm loại vắc-xin này càng khiến dư luận trông ngóng vào những phương án mới hiệu quả hơn của ngành y tế. Phóng viên Báo Bình Phước đã phỏng vấn bác sĩ Tô Đức Sinh, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh về vấn đề này.

BÌNH PHƯỚC ĐÃ CÓ TRƯỜNG HỢP TỬ VONG VÌ VẮC-XIN QUINVAXEM?

* Xin bác sĩ cho biết tình hình tiêm chủng vắc-xin Quinvaxem được thực hiện như thế nào trên địa bàn Bình Phước?

Hằng năm, công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh được triển khai thường xuyên, đều đặn ở 111 xã, phường. Vào các ngày nhất định trong tháng, trạm y tế xã tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng trên địa bàn quản lý. Hàng tháng, gần 5.000 trẻ trong toàn tỉnh được tiêm vắc-xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.


Tạm ngưng tiêm chủng mở rộng (miễn phí), số lượng trẻ tiêm vắc-xin dịch vụ nâng lên

* Cục quản lý dược đã có văn bản yêu cầu ngừng tiêm vắc-xin 5 trong 1 do những biến chứng của nó gây ra. Xin bác sĩ cho biết, Bình Phước đã có trường hợp bất thường nào xảy ra với vắc-xin Quinvaxem?

Từ tháng 6-2010, Bộ Y tế đưa vắc-xin Quinvaxem vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Tháng 8-2011, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 trường hợp tử vong có liên quan đến tiêm chủng vắc-xin Quinvaxem. Căn cứ vào kết quả điều tra, giám định pháp y, Sở Y tế đã họp với sự tham gia của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, Viện Pasteur (TP. Hồ Chí Minh). Kết luận cho thấy, đây là trường hợp tử vong do bệnh trùng hợp với đợt tiêm chủng của trẻ.

Còn những trẻ đã từng được tiêm ngừa vắc-xin Quinvaxem, cha mẹ có thể hoàn toàn yên tâm. Bởi vì, các phản ứng nặng của cơ thể đối với vắc-xin nói chung thường xảy ra trong 72 giờ sau khi tiêm.

CÓ THỂ THAY BẰNG VẮC-XIN TRUYỀN THỐNG

* Thưa bác sĩ, thời gian tới, ngành y tế đã có phương án gì thay thế loại vắc-xin 5 trong 1?

Theo tôi được biết, Hội đồng khoa học tư vấn về sử dụng vắc-xin và sinh phẩm y tế của Bộ Y tế đã họp và đề nghị bộ trong thời gian tạm ngưng sử dụng vắc-xin (khoảng 2 tháng), chưa nên sử dụng vắc-xin khác thay thế; đồng thời đề nghị Bộ Y tế khẩn trương hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới để sớm đưa ra kết luận cuối cùng về tính an toàn của vắc-xin Quinvaxem.

Nếu cuối tháng 6, không có bằng chứng về mối liên quan giữa các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng với chất lượng vắc-xin thì nên sử dụng lại vắc-xin Quinvaxem. Nếu có liên quan thì thay thế bằng vắc xin trong nước như đã sử dụng trước đây là vắc-xin 3 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván) và vắc-xin viêm gan B mà không có thành phần Hib.

* Dư luận cho rằng, khi chương trình tiêm chủng mở rộng vắc-xin 5 trong 1 (miễn phí) tạm ngưng, thì loại hình tiêm dịch vụ sẽ lợi dụng thời cơ để hoạt động mạnh hơn. Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh đã có biện pháp gì để bảo đảm quyền lợi cho người dân?

Hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã có công văn gửi các tỉnh, thành trong cả nước tạm ngưng tiêm vắc-xin 5 trong 1 cho các đối tượng trong diện tiêm chủng. Những đối tượng này sẽ được tiêm các mũi tiếp theo khi có vắc-xin thay thế. Thời gian tạm ngưng sử dụng vắc- xin 5 trong 1 khoảng 2 tháng nên các bậc cha mẹ có thể chờ đợi để tiêm chủng cho trẻ khi ngành y tế triển khai vắc-xin thay thế. Trong thời gian chờ đợi, nếu có điều kiện có thể tiêm vắc-xin thay thế theo loại hình dịch vụ cho trẻ. Nhưng không có việc lợi dụng sự khan hiếm vắc-xin các cơ sở dịch vụ, vì giá thành của mũi tiêm sẽ được tính theo quy định (giá vắc-xin mua, công vận chuyển, công tiêm và chi phí vật tư tiêm chủng...).

Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh sẽ tham mưu cho Sở Y tế chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thị tăng cường kiểm tra, giám sát trong tiêm chủng, đặc biệt là những điểm tiêm dịch vụ để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót nếu có.

* Bác sĩ có khuyến cáo gì đối với những gia đình có con trong độ tuổi phải tiêm phòng vắc-xin?

Các bà mẹ cần đưa con đi tiêm chủng theo đúng lịch do Bộ Y tế quy định. Khi đưa con đi tiêm chủng cần mang theo sổ tiêm chủng của trẻ và thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như tiền sử sinh đẻ, tiền sử bệnh tật, tiền sử tiêm chủng. Đặc biệt lưu ý thông báo với cán bộ y tế về các phản ứng mạnh với lần tiêm vắc-xin trước để có chỉ định tiêm vắc-xin phù hợp. Trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 48 giờ sau tiêm chủng. Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao (>390C), co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú, khó thở, tím tái... để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Cẩm Liên (thực hiện)

  • Từ khóa
45236

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu