Thứ 5, 28/03/2024 16:55:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:22, 19/07/2018 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1949 -27-7-2018)

Đồng Phú thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công

Thứ 5, 19/07/2018 | 15:22:00 1,071 lượt xem
BP - Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, huyện Đồng Phú luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành chức năng thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm huy động cộng đồng tham gia chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và gia đình người có công với cách mạng.

Huyện Đồng Phú đang thực hiện chế độ ưu đãi cho 2.851 đối tượng chính sách. Trong đó có 560 đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng, 838 người hoạt động kháng chiến hưởng trợ cấp 1 lần, 205 thanh niên xung phong hưởng trợ cấp 1 lần; 1.565 người tham gia kháng chiến, cựu chiến binh và thân nhân người có công hưởng bảo hiểm y tế; 217 thân nhân thờ cúng liệt sĩ.

Những ngày lễ, tết, mẹ Trương Thị Nên ở ấp Cây Điệp, xã Tân Phước đều được các cấp lãnh đạo và đơn vị phụng dưỡng đến thăm hỏi sức khỏe, tặng quà

Thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, từ năm 2013 đến nay, huyện đã đề nghị giải quyết chế độ chính sách cho 81 người có công. Trong đó, đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 22 mẹ; hoàn thành 19 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 40 hồ sơ người hoạt động kháng chiến và người có công giúp đỡ cách mạng; giải quyết trợ cấp thờ cúng liệt sĩ cho 198 thân nhân liệt sĩ; rà soát, theo dõi và đề nghị trợ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho 24 người có công và con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; giải quyết chế độ điều dưỡng cho 428 người; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 2.273 đối tượng chính sách. Hằng năm, huyện hướng dẫn và thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục - đào tạo cho 60 học sinh là con thương - bệnh binh; giải quyết chế độ cho 55 lượt thân nhân liệt sĩ khi đi thăm viếng mộ liệt sĩ. Các chế độ chính sách đều được giải quyết nhanh, kịp thời, đúng quy định.

Bà Nguyễn Thị Nhài, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Cùng các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn Đồng Phú phát triển đa dạng, như: Xây dựng nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà ở, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ kinh phí người có công già yếu... Qua đó đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Năm 2011, toàn huyện có 20 gia đình người có công thuộc hộ nghèo, đến nay 100% hộ người có công đã thoát nghèo.

Để đạt kết quả đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hỗ trợ người có công phát triển kinh tế. Từ năm 2013 đến nay, toàn huyện có 19 người có công được các tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng, với số tiền từ 200-300 ngàn đồng/người/tháng. Đặc biệt, 2 Mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời, trong đó Ban CHQS huyện phụng dưỡng 2 Mẹ, mỗi mẹ 500 ngàn đồng/tháng; Công an huyện và Phòng GD-ĐT huyện nhận phụng dưỡng 2 mẹ, mỗi mẹ 500 ngàn đồng/tháng. Vào dịp 27-7, tết Nguyên đán, huyện đều trích ngân sách để thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách và thân nhân thờ cúng liệt sĩ hơn 1 tỷ đồng. Cùng với nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, huyện đã huy động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” xây dựng được 9 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 2 nhà ở cho người có công hơn 425 triệu đồng, tặng 51 sổ tiết kiệm tình nghĩa với số tiền 181 triệu đồng.

Trên địa bàn huyện hiện có 6 công trình ghi công liệt sĩ. Tất cả di tích lịch sử, nhà bia ghi danh thường xuyên được tu bổ, chăm sóc, dọn vệ sinh. Năm 2017, xã Thuận Lợi đã vận động xã hội hóa xây dựng nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã, với kinh phí trên 600 triệu đồng. Năm 2018, xã Đồng Tâm vận động xã hội hóa xây dựng nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã, kinh phí hơn 900 triệu đồng.

Đến thăm gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Nên, 87 tuổi, ngụ ấp Cây Điệp, xã Tân Phước vào những ngày tháng 7, chúng tôi rất xúc động khi nghe mẹ kể về sự hy sinh quả cảm của chồng mẹ - liệt sĩ Phạm Kiện, bị giặc bắn chết ngay cửa hầm của đồng đội tại huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi ngày 28-2-1965. Chưa nguôi nỗi đau, khi đất nước cần, mẹ cùng 3 con trai đều ra trận, trong đó 1 người mãi mãi không về. Chiến tranh đã lùi xa, vết thương lòng cũng dần nguôi ngoai. Mỗi khi đến Ngày thương binh - liệt sĩ (27-7), nỗi nhớ chồng, con lại trỗi dậy trong lòng nhưng mẹ luôn tự hào về những đóng góp của gia đình vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mẹ rất vui khi được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm. Mẹ cho biết: Mẹ thường xuyên được các cấp lãnh đạo và đơn vị phụng dưỡng đến thăm hỏi sức khỏe, tặng quà, đặc biệt là dịp lễ, tết.

Với nhiều hoạt động thiết thực, đến nay huyện Đồng Phú cơ bản giải quyết xong các hồ sơ tồn đọng xác nhận thương binh, liệt sĩ và người có công. Chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công được đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình chính sách, người có công ngày càng được nâng cao. Với những nỗ lực đó, năm 2018, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đồng Phú được UBND tỉnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong triển khai và thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, giai đoạn 2013-2017.

Khắc Bảy

  • Từ khóa
21541

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu