Thứ 6, 29/03/2024 18:56:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:34, 13/03/2013 GMT+7

Hội đồng dân tộc Quốc hội giám sát tình hình KT-XH khu vực biên giới đặc biệt khó khăn ở Bình Phước

Thứ 4, 13/03/2013 | 16:34:00 1,872 lượt xem

Trong hai ngày 12 và 13-2013, Hội đồng dân tộc Quốc hội do ông Giàng A Chu, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tình hình kinh tế - xã hội khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Phước.  

          * Ngày 12-3, đoàn thực tế huyện biên giới Lộc Ninh

Sau khi thực tế Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và làm việc cùng lãnh đạo huyện Lộc Ninh, đoàn đã trao đổi các vấn đề về thu hút đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn huyện và trong quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu.

Đoàn làm việc tại huyện Lộc Ninh

Phó chủ tịch Giàng A Chu ghi nhận các kiến nghị của lãnh đạo Ban quản lý khu kinh tế, lãnh đạo huyện Lộc Ninh về khó khăn kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng thu hút DN, giải pháp giải quyết khó khăn với các DN kinh doanh nông sản từ Campuchia ở cửa khẩu Hoa Lư khi bị DN Trung Quốc cạnh tranh.

Ông Giàng A Chu cũng cho rằng so với các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc và miền Trung thì khu vực biên giới Lộc Ninh có nhiều thuận lợi về địa lý, khí hậu, đất đai. Ông đề nghị huyện linh động, quyết liệt và đề xuất tỉnh có chính sách, cơ chế thu hút đầu tư DN về nông thôn và khu kinh tế cửa khẩu giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách. Có cơ chế ràng buộc DN nhận lao động tại chỗ cùng địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng và các vấn đề xã hội khác. Ông thống nhất với đề xuất, kiến nghị đưa xã Lộc Hòa ra khỏi quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Huyện Lộc Ninh và Ban quản lý kinh tế cửa khẩu phối hợp kiến nghị Trung ương sớm thực hiện đề xuất của xã Lộc Hòa.    

Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư hiện có 12/76 doanh nghiệp được cấp đất đã đi vào hoạt động. Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là thu mua nông sản từ Campuchia.

Huyện Lộc Ninh có 15 xã, 1 thị trấn, trong đó 3 xã đặc biệt khó khăn đang hưởng chương trình 135; có 13 dân tộc ít người, chiếm 19% tổng dân số, chủ yếu sinh sống khu vực biên giới khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo 8,4%, trong đó 50% dân tộc thiểu số.

Huyện có 33 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 2 ngàn tỷ đồng. Doanh nghiệp chủ yếu trồng cao su từ chuyển đổi đất nông nghiệp và vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, hiện chỉ có công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh đóng góp ngân sách, giải quyết việc làm và đầu tư cơ sở hạ tầng, còn lại đang trong thời kỳ xây dựng kiến thiết cơ bản. Tổng số lao động doanh nghiệp (trừ cao su Lộc Ninh) là 1.350 người, lương bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng.

* Ngày 13-3, đoàn làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và một số ngành chức năng

Phó chủ tịch UBND Nguyễn Huy Phong tiếp và làm việc với đoàn.

Toàn cảnh làm việc cùng UBND tỉnh 

Tại buổi làm việc, ông Giàng A Chu cho rằng, Bình Phước đã triển khai tốt, có hiệu quả đề án đầu tư tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới là đầu tư vào địa phương chủ yếu doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng lao động phổ thông. Một bộ phận doanh nghiệp ngày càng bao chiếm đất ảnh hưởng tới đất sản xuất của đồng bào. Ông đề nghị lãnh đạo Bình Phước quan tâm đào tạo nghề cho lao động địa phương; kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc…

Từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh (gồm 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Đăng) có trên 100 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký 6.782 tỷ đồng và 14.546 ha, trong đó doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ 88 dự án, còn lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh.

PT-CL

  • Từ khóa
4807

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu