Thứ 5, 25/04/2024 09:30:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:35, 24/08/2018 GMT+7

Đồng Phú gắn phát triển kinh tế với xây dựng khu vực phòng thủ

Thứ 6, 24/08/2018 | 15:35:00 1,996 lượt xem

BP - Đồng Phú là huyện ở phía nam của tỉnh, gồm 11 xã, thị trấn với 73 ấp, khu phố. Huyện có diện tích tự nhiên 93.542,53 ha, dân số 21.753 hộ, trong đó 24,2% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Trên địa bàn huyện có quốc lộ 14, đường ĐT741 là tuyến huyết mạch từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương qua Bình Phước và đi các tỉnh Tây Nguyên. Vì vậy, Đồng Phú có vị trí quan trọng cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong chiến lược phòng thủ và là lá chắn bảo vệ phía nam của tỉnh.

Phát triển kinh tế - xã hội gắn với khu vực phòng thủ

Xuất phát từ những đặc điểm địa bàn, Huyện ủy, UBND huyện Đồng Phú đã lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh. Trong quy hoạch, huyện thuận chủ trương xây dựng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Đồng Phú và đường Đồng Phú - Bình Dương; tập trung mọi nguồn lực phát huy thế mạnh phát triển cây công nghiệp; các dự án khai thác, quản lý, bảo vệ rừng, gắn với xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ và củng cố quốc phòng - an ninh. Huyện quy hoạch và xây dựng, phát triển công nghiệp - dịch vụ dọc tuyến ĐT741 như các khu công nghiệp Bắc Đồng Phú; Nam Đồng Phú. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, hình thành khu đô thị tại thị trấn Tân Phú. Phát huy tối đa lợi thế phát triển kinh tế công - nông nghiệp..., hình thành mô hình xã nông thôn mới thống nhất, đồng bộ với quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Đến nay, huyện đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Tân Lập, Tân Tiến, Thuận Phú, Tân Phước, Tân Lợi. Năm 2018, Đồng Phú tập trung mọi nguồn lực để xã Tân Hòa đạt chuẩn, phấn đấu đến năm 2020 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Khởi công xây dựng đường Đồng Phú - Bình Dương tạo điều kiện phát triển kinh tế và xây dựng khu vực phòng thủ - Ảnh: T.Mảng

Trong phát triển nông nghiệp, huyện chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm dần diện tích trồng cây ngắn ngày; tăng diện tích trồng cây công nghiệp dài ngày như: cao su, tiêu, điều,...; tăng tỷ trọng chăn nuôi, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao giá trị kinh tế... Đến nay, diện tích gieo trồng cây hằng năm của huyện 9.282 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 7.581 tấn; diện tích cây nông nghiệp lâu năm 61.317 ha,... Hệ thống bưu chính - viễn thông phát triển, toàn huyện có 1 trung tâm viễn thông, 3 bưu cục, 11/11 xã, thị trấn có bưu điện; 11 xã, thị trấn có 35.476 máy điện thoại, đạt 43 máy/100 người dân. Mạng lưới thông tin liên lạc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo thông tin liên lạc cho tác chiến phòng thủ. Từ năm 2008 đến nay, huyện đã tu sửa, nâng cấp 117,877km đường giao thông với tổng kinh phí 21 tỷ 897 triệu đồng. Huyện triển khai và thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia; 11/11 trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ, ngành y tế luôn đảm bảo tốt chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Xây dựng lực lượng  vũ trang vững mạnh

Những năm qua, lực lượng vũ trang huyện Đồng Phú không ngừng nâng cao chất lượng và phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Với phương châm huấn luyện “Cơ bản - thiết thực - vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu cho lực lượng vũ trang sát với nhiệm vụ và địa bàn tác chiến, lấy tác chiến trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao để huấn luyện. Qua huấn luyện, 100% đạt yêu cầu, trong đó có trên 75% khá, giỏi. Đồng thời, duy trì cơ sở vật chất hậu cần và lượng dự trữ sẵn sàng chiến đấu, đầu tư kinh phí mua sắm vật chất trang bị cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn như: ca nô, nhà bạt, công cụ hỗ trợ; xây dựng kế hoạch bảo đảm kỹ thuật tác chiến phòng thủ, công tác sẵn sàng chiến đấu. Quán triệt và thực hiện tốt Pháp lệnh Dự bị động viên, từ năm 2008-2018, toàn huyện đã đăng ký, quản lý 100% quân nhân dự bị động viên, đã tổ chức biên chế lực lượng dự bị động viên đạt 89,47%. Trong 10 năm, huyện cử 4.087 đối tượng tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh. Phòng GD-ĐT, Ban CHQS huyện hướng dẫn các trường THPT trên địa bàn tổ chức dậy môn quốc phòng - an ninh cho học sinh. Huyện đã đầu tư xây mới căn cứ hậu cần kỹ thuật; nhà ở Tiểu đội dân quân thường trực Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú 400 triệu đồng; xây dựng tiểu đội tự vệ trong các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài; đầu tư xây dựng các công trình cơ quan quân sự huyện gần 1,5 tỷ đồng... 

ĐT741 là tuyến đường huyết mạch nối TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước với các tỉnh Tây Nguyên, có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế và xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc

Từ Đề án “Đào tạo cán bộ ban CHQS xã, thị trấn có trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, huyện đã cử 2 người học đại học, 7 người học cao đẳng, 25 người học trung cấp tại các trường quân sự. Thực hiện Đề án Xây dựng ban CHQS xã, thị trấn vững mạnh toàn diện, 11/11 ban CHQS xã, thị trấn đã kiện toàn ban chỉ huy; 11/11 xã, thị trấn có chi bộ quân sự, trong đó 7 chi bộ quân sự có chi ủy; 11/11 trung đội dân quân có tổ đảng; 11/11 ban chỉ huy có trụ sở làm việc, 100% lực lượng dân quân thường trực có nhà ở, sinh hoạt và học tập, công tác. Lực lượng dân quân đạt 1,6% so với dân số, trong đó có 251 đảng viên và 808 đoàn viên.

Thượng tá Lê Hồng Minh, Huyện ủy viên, Chính trị viên Ban CHQS huyện cho biết: Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp củng cố, tăng cường tiềm lực, thế trận đã góp phần xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Qua đó giữ vững ổn định chính trị, môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng - an ninh tại địa bàn.

Thái Thanh

  • Từ khóa
1447

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu