Thứ 4, 24/04/2024 11:56:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:06, 17/02/2014 GMT+7

Dòng người mến mộ tiễn biệt nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Thứ 2, 17/02/2014 | 07:06:00 118 lượt xem

Lễ truy điệu nhà văn Nguyễn Quang Sáng lúc 13g hôm nay 16-2 tại Nhà tang lễ TP.HCM, diễn ra trong niềm tiếc thương của người thân, đồng nghiệp, văn nghệ sĩ, đông đảo công chúng mến mộ...

Dòng người thắp những nén nhang cuối cùng trước lễ truy điệu nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Ban tổ chức lễ tang cho biết từ sáng 14-2 đến hôm nay, có hơn 300 đoàn đại biểu đại diện cho các tập thể, cá nhân trong TP.HCM và từ nhiều tỉnh thành khác đến viếng nhà văn và lưu lại nhiều dòng chữ bày tỏ niềm yêu mến, tiếc thương trong những cuốn sổ tang của gia đình.

Bà Thân Thị Thư, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, trưởng ban tổ chức lễ tang, xúc động khi ôn lại những cột mốc quan trọng trong cuộc đời và văn nghiệp của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Điếu văn có đoạn: "Cuộc đời, văn nghiệp và lòng yêu nhân dân, yêu Tổ quốc nồng nàn, mãnh liệt của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một thể thống nhất, trở thành một biểu tượng của sáng tạo nghệ thuật cách mạng chân chính, vừa mang tính rắn rỏi như bản chất của người lính, vừa lãng mạn trữ tình, chân chất như bản chất con người Nam bộ".

Không khí tiếc thương trong lễ truy điệu nhà văn Nguyễn Quang Sáng 

 

Linh cữu nhà văn Nguyễn Quang Sáng được đưa đến nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) để hỏa táng 

Nhiều tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã được nhắc đến trong điếu văn truy điệu và cả trong những câu chuyện rưng rưng của những người dự lễ như Đất lửa, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Thời thơ ấu, Giữa dòng...

Trong số đó, được nhắc đến nhiều nhất là kịch bản phim Cánh đồng hoang - được nghệ sĩ nhân dân Hồng Sến đạo diễn, đoạt Huy chương vàng Liên hoan phim toàn quốc năm 1980 và huy chương vàng tại Liên hoan phim quốc tế Matxcơva năm 1981.

Những trang viết thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, con người, nói lên tiếng lòng của bao quần chúng nhân dân là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên tình yêu mến mang tên Nguyễn Quang Sáng.

Hòa vào dòng người tham gia lễ truy điệu, có cả những bạn trẻ mến yêu nhà văn qua trang sách. Tiến Thành - sinh viên năm nhất Trường CĐ Giao thông vận tải TP.HCM - xúc động: "Tôi biết đến nhà văn Nguyễn Quang Sáng từ truyện ngắn trong sách giáo khoa. Thật may mắn khi tôi từng có hai lần được tham dự buổi nói chuyện của nhà văn. Dẫu không được đứng thật gần ông nhưng tôi vẫn cảm nhận được ông rất thân thiện và trái tim giàu cảm xúc. Tôi yêu mến những tác phẩm dạt dào cảm xúc yêu đất nước, yêu con người của ông nên rất buồn khi biết ông đã ra đi mãi mãi".

Trong cái nắng tháng giêng ấm áp của TP.HCM, cậu sinh viên ấy hòa vào dòng người tiễn biệt nhà văn Nguyễn Quang Sáng - tiễn biệt một nhân cách - một cây đại thụ trong làng văn học Nam bộ. 

Linh cữu nhà văn Nguyễn Quang Sáng được hỏa táng tại nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM).

"Anh Năm ơi,
Tổ quốc - tiếng gà trưa còn đó
Cánh đồng hoang loang nước ngậm ngùi
Mùa gió chướng bây giờ ai che chắn
Giữa dòng vương một nét mây trôi"
[...] Vẫn biết rằng cuộc đời là sống gởi - thác về, vẫn biết rằng sinh tử là quy luật của đời người, thế mà chúng ta không tránh khỏi bàng hoàng trước sự mất mát đột ngột và to lớn này. Nhớ về nhà văn Nguyễn Quang Sáng là nhớ về một tấm gương lao động nghệ thuật miệt mài, sức sáng tạo bền bỉ và tình yêu con người chân thành từ sâu thẳm trái tim và khối óc. Nhớ về nhà văn Nguyễn Quang Sáng là nhớ về một người bạn hào sảng, người anh lớn của các nhà văn, nhà thơ, của các văn nghệ sĩ TP.HCM”.
(Trích điếu văn truy điệu nhà văn Nguyễn Quang Sáng do bà Thân Thị Thư,  trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đọc vào chiều 16-2 tại Nhà tang lễ TP.HCM. )

Nguồn TTO

  • Từ khóa
48208

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu