Thứ 6, 29/03/2024 00:47:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:10, 02/04/2019 GMT+7

Động lực nâng cao chỉ số PCI

Thứ 3, 02/04/2019 | 14:10:00 208 lượt xem
BP - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 của 63 tỉnh, thành trong cả nước đã được công bố ngày 28-3 vừa qua, trong đó Bình Phước xếp thứ 61/63, tăng 1 bậc so với năm 2017 và đạt 60,02 điểm trung vị - điểm bình quân chung của 10 điểm thành phần. Sau khi kết quả được công bố, đã có không ít ý kiến trái chiều nhau. Vấn đề này cần được nhìn nhận như thế nào cho chính xác, toàn diện?

Số liệu tổng hợp cho thấy, xu hướng PCI kể từ khi bắt đầu xếp hạng năm 2005 đến nay, điểm trung vị bình quân cả nước dần tăng, song khoảng cách điểm trung vị giữa các địa phương giảm dần. Điều này dễ hiểu bởi mục tiêu lớn nhất của nghiên cứu, khảo sát đưa ra chỉ số PCI, nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu là nhằm tạo ra động lực cho các địa phương trong cả nước cải cách hành chính, cải thiện môi trường cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển hơn. Vì thế, tất cả địa phương trong cả nước đều không ngừng nỗ lực để cải thiện mình, nên khoảng cách điểm trung vị PCI giữa địa phương dẫn đầu với địa phương xếp cuối cũng ngày một nhỏ hơn.

Năm 2017, Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu PCI cả nước với 70,36 điểm trung vị. Năm nay, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu với điểm trung vị 70,69, tăng 0,33 điểm so với năm 2017. PCI năm 2017, Bình Phước xếp thứ 62/63 tỉnh thành, đạt 56,70 điểm, năm 2018 mặc dù chỉ tăng 1 bậc lên 61/63 tỉnh thành, nhưng điểm trung vị đã tăng đáng kể, tăng 3,32 điểm, lên 60,02 điểm. Điểm số này cũng cách ngưỡng điểm trung vị cả nước 61,76 điểm không xa.

Như thế có thể thấy, về mặt điểm trung vị, Bình Phước đã có cải thiện rất đáng kể - tức là đã được cộng đồng doanh nghiệp chấm điểm cao hơn, có nhiều chính sách tích cực hơn. Điển hình như chỉ số “chi phí không chính thức” năm 2017 của Bình Phước chỉ được 4,95 điểm, năm 2018 tăng lên 6,24 điểm; tương tự, chỉ số “cạnh tranh bình đẳng” 4,15 điểm lên 5,18 điểm, chỉ số “dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” 5,51 điểm lên 6,87 điểm... Đây cũng là những chỉ số cần cải thiện nhất trong những năm qua. Đặc biệt, chỉ số “chi phí không chính thức” được xem là một điểm trừ trong PCI của Bình Phước, song năm 2018 đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận rất tích cực, có bước đột phá khi cao hơn điểm bình quân của 10 điểm thành phần và cao nhất trong 5 năm qua từ 2014-2018.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc khẳng định trong ngày công bố kết quả PCI năm 2018: “PCI không phải là đích đến mà là động lực thúc đẩy cải cách được lan tỏa”. Những địa phương “đi sau” - chỉ số PCI thấp hơn, có lợi thế khi có thể tham khảo và áp dụng cách làm hay, thực tiễn tốt từ những địa phương nhóm trên, song cũng chịu áp lực rất lớn từ chính những địa phương cùng nhóm thấp và cả trong nhóm trên. Đây là sự cạnh tranh xếp hạng lành mạnh nhằm hướng tới cải thiện môi trường kinh doanh trong cả nước.

PCI mang lại kết quả hệ thống đánh giá nhằm giúp lãnh đạo các tỉnh, thành xem xét đâu là lĩnh vực có chính sách tốt và ngược lại để tiếp tục tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn, thuận lợi hơn. PCI là tiếng nói, là đánh giá của khu vực doanh nghiệp tư nhân đối với môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền. Để cải thiện được điều đó không phải trong chớp mắt, mà cần trải qua thời gian nhất định, đặc biệt là cần được cải thiện, cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi công chức khi làm việc với doanh nghiệp, mỗi người dân khi có vấn đề liên quan, chứ không thể một cơ quan hoặc một vài cơ quan chức năng hay một người đứng đầu là đủ.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu