Thứ 6, 29/03/2024 14:04:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:28, 11/05/2017 GMT+7

Động lực mới cho nông nghiệp Bình Phước

Diệp Viên
Thứ 5, 11/05/2017 | 09:28:00 1,026 lượt xem
BP - Tỉnh ủy vừa ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi, phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Bình Phước giai đoạn 2017-2020. Nghị quyết đã tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên; đặc biệt là trong các doanh nghiệp nông nghiệp và đông đảo nông dân trong tỉnh. Bởi nghị quyết đã đánh giá đúng thực trạng, cũng như những hạn chế, tồn tại, yếu kém trong sản xuất nông nghiệp ở Bình Phước. Đồng thời, nghị quyết cũng đã đề ra các giải pháp sát thực, mang tính khả thi cao.

Đánh giá đúng thực trạng

Trong lĩnh vực trồng trọt, nghị quyết khẳng định đã có sự phát triển mạnh theo hướng chuyển dịch từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ sang hướng liên kết sản xuất quy mô lớn, các mô hình và hình thức liên kết sản xuất được phát triển nhân rộng. Đặc biệt, tỉnh đã từng bước đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: rau thủy canh, dưa lưới, cây ăn trái sản xuất theo hướng VietGAP,...

Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại tập trung, công nghiệp, bán công nghiệp, đặc biệt phát triển 2 loài vật nuôi chủ lực là heo, gà công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành chăn nuôi giai đoạn 2010-2015 đạt 10,5%/năm. Đến nay, toàn tỉnh có 278 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó 92 trang trại ứng dụng công nghệ cao (chiếm 33,09%). Ngành chăn nuôi đã góp phần giải quyết việc làm nông thôn, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

 

Hội viên nông dân các huyện, thị xã tham quan mô hình trồng rau theo phương pháp thủy canh tại Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh: NGÂN HÀHội viên nông dân các huyện, thị xã tham quan mô hình trồng rau theo phương pháp thủy canh tại Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh: NGÂN HÀ

Các doanh nghiệp và cơ sở chế biến ngày càng được đầu tư trang thiết bị nhằm nâng cao công suất, hạ giá thành chi phí chế biến sản phẩm. Sản phẩm chế biến của tỉnh chủ yếu là sản phẩm nhân hạt điều. Hiện nay, có 226 doanh nghiệp và 328 cơ sở chế biến điều, với công suất thiết kế khoảng 500.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu trên địa bàn thị xã Phước Long và các huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng và Phú Riềng. Phần lớn các doanh nghiệp chế biến điều đã đầu tư thiết bị hiện đại trong khâu cắt tách vỏ cứng và bóc vỏ lụa nên giảm công lao động thủ công.

Trong những năm qua, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, đang dần khẳng định vai trò, vị trí là một thành phần kinh tế không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung và của tỉnh Bình Phước nói riêng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 71 hợp tác xã nông nghiệp, khu vực kinh tế hợp tác xã trong tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực và có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, phù hợp chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các hợp tác xã hoạt động cơ bản đáp ứng được nhu cầu lợi ích của các thành viên trên cơ sở làm tốt khâu dịch vụ, hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.

Chỉ rõ những hạn chế,  yếu kém và nguyên nhân

Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, nghị quyết cũng đã chỉ rõ hạn chế, yếu kém và tồn tại của ngành nông nghiệp. Đó là tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt còn ở mức thấp, mới ứng dụng từng phần, chưa hoàn chỉnh chuỗi giá trị sản phẩm đối với từng loại cây trồng. Số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất trồng trọt còn rất hạn chế; việc tiếp cận nguồn tín dụng nông nghiệp còn hạn chế; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất; chính sách đặc thù cho một số cây trồng chủ lực chưa có; kết nối thương mại, nhất là các nhà đầu tư lớn về lĩnh vực nông nghiệp còn rất ít. Đặc biệt công tác quy hoạch vùng chăn nuôi chưa cụ thể; đầu tư sản xuất chăn nuôi chưa đồng bộ, trong tỉnh chưa có nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, chưa có lò giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp; việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi chủ yếu của các công ty, tập đoàn chăn nuôi nước ngoài; sự liên kết hình thành sản xuất chăn nuôi theo chuỗi còn ít, chưa bền vững.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nghị quyết đã chỉ ra những tồn tại từ nhiều năm nay trong khâu chế biến nông sản, nhưng vẫn chưa được khắc phục, đó là: Sản lượng điều của tỉnh chỉ đáp ứng gần 50% công suất của các doanh nghiệp chế biến, trong khi đó, sản lượng điều nhập khẩu chưa được quản lý chặt chẽ. Thậm chí có cơ sở chế biến rồi bán lại cho các doanh nghiệp trung gian nên lợi nhuận chưa thu về triệt để. Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến điều nhỏ lẻ nhiều, rải rác gây khó khăn trong công tác giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kinh tế tập thể còn ở quy mô nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu, thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường, thiếu cán bộ quản lý có năng lực. Hiện các hợp tác xã vẫn chưa phát huy đầy đủ tính ưu việt của hình thức kinh tế tập thể, chưa đủ sức hỗ trợ kinh tế hộ phát triển.

Nghị quyết đã chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến hạn chế nêu trên là do: Tư duy, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân về phát triển kinh tế nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường còn nhiều hạn chế. Trong những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường gây ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Một bộ phận cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ ngành nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo bài bản, chính quy, khả năng thích ứng với xu hướng phát triển còn nhiều hạn chế, chậm đổi mới. Công tác quy hoạch ngành nông nghiệp còn chậm so với yêu cầu phát triển.

Sự kỳ vọng lớn từ những mục tiêu cụ thể

Từ thực tế của tỉnh, nghị quyết đã đề ra nhiều mục tiêu cụ thể trong tất cả lĩnh vực. Về trồng trọt, chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất nền nông nghiệp an toàn, với 100% diện tích trồng trọt. Trong đó, nông nghiệp áp dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 15% diện tích. Hình thành 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: thị xã Đồng Xoài 1 khu diện tích 50 ha, huyện Đồng Phú 1 khu 50 ha, huyện Lộc Ninh 1 khu diện tích 500 ha và huyện Hớn Quản diện tích 500 ha.

Hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất chế biến và tiêu thụ điều theo hình thức hợp tác xã để sản xuất điều sạch và các tiêu chuẩn cao hơn như VietGAP, GlobalGAP... trên địa bàn huyện Bù Gia Mập với quy mô tối thiểu 5.000 ha và chuỗi giá trị điều hữu cơ khoảng 2.000 ha trên địa bàn các huyện Đồng Phú, Phú Riềng, Bù Đăng với Công ty Target Agriculture và các doanh nghiệp chế biến điều trên địa bàn tỉnh. Xây dựng chuỗi giá trị trồng ca cao xen điều khoảng 5.000 ha trên địa bàn các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phước Long, Phú Riềng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Và phấn đấu đến năm 2020 phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững trên 5.000 ha đạt tiêu chuẩn Rainforest Alliance (RA) và tiêu chuẩn hữu cơ (organic).

Sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao đạt diện tích khoảng 1.000 ha, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, sạch, VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn khác để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Có trên 4.500 ha hồ tiêu, trên 1.500 ha ca cao xen điều, trên 2.000 ha cà phê xen điều, cây ăn quả được tưới bằng phương pháp tưới tiết kiệm nước ứng dụng công nghệ cao.

Về chăn nuôi, đến năm 2020, hình thành ít nhất 2 vùng chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Lộc Ninh, Hớn Quản; 2 vùng chăn nuôi gà công nghệ cao tại huyện Đồng Phú và các xã Thanh Lương, Thanh Phú, thị xã Bình Long, với quy mô từ 50 trang trại trở lên; tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh sau khi được hình thành thì thu hút được ít nhất 1 doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao đầu tư phát triển. Đồng thời, chuyển đổi, sắp xếp chăn nuôi theo hướng chăn nuôi an toàn, chăn nuôi công nghệ cao. Tỷ lệ chăn nuôi tập trung an toàn đạt 98% tổng đàn; 75% trang trại chăn nuôi có ứng dụng công nghệ cao; 100% trang trại đảm bảo an toàn không phát sinh dịch bệnh, an toàn về môi trường. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 15% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp của tỉnh.

 

Đại diện tổ chức nông nghiệp Hà Lan thăm mô hình của Liên hiệp Hợp tác xã Điều Bình Phước ở xã Tiến Hưng (Đồng Xoài) - Ảnh: HỒNG CÚC​​​​​​​Đại diện tổ chức nông nghiệp Hà Lan thăm mô hình của Liên hiệp Hợp tác xã Điều Bình Phước ở xã Tiến Hưng (Đồng Xoài) - Ảnh: HỒNG CÚC

Về chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Phát triển thương hiệu sản phẩm, gắn với thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phấn đấu đạt 40% cơ sở chế biến hạt điều, cà phê áp dụng chương trình quản lý tiên tiến GMP, SSOP, ISO, HACC,... trong quy trình sản xuất. Liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp chế biến điều nhân thô với các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất bánh kẹo có uy tín, thương hiệu trong và ngoài nước để nâng cao chuỗi giá trị của hạt điều.

Giải pháp mang tính khả thi cao

Để nội dung của nghị quyết đi vào cuộc sống và tạo động lực mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, nghị quyết đã đề ra các giải pháp mang tính khả thi cao. Đó là rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đối với mỗi loại cây trồng, vật nuôi và trên cơ sở đó hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Điều đặc biệt là nội dung nghị quyết đã nhấn mạnh đến các chính sách ưu tiên cho phát triển nông nghiệp và nông thôn. Cụ thể, ngoài việc áp dụng trực tiếp các chính sách của Trung ương và địa phương hiện cần có thêm các chính sách như: Chính sách về đất đai, tín dụng ưu đãi thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; Chính sách về khoa học công nghệ; Chính sách về xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp sạch, có thương hiệu; Chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực công nghệ cao; Các chính sách hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ và xuất khẩu sản phẩm nông sản; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất chuỗi sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các khu nông nghiệp công nghệ cao, trước mắt là tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Tân Thành, thị xã Đồng Xoài; Chính sách khuyến khích, hỗ trợ sáng tạo khoa học - kỹ thuật được ứng dụng hiệu quả trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Về nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, tiến hành xây dựng và phổ biến các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ để có thể đưa vào phục vụ sản xuất. Tổ chức và hoàn thiện các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đã có và đang triển khai trên thực tế tại các địa bàn. Dành một khoản kinh phí hằng năm cho nghiên cứu trong chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, nghị quyết đã đề ra giải pháp được các doanh nghiệp đồng tình. Đó là việc tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân xúc tiến thị trường bằng nhiều hình thức; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Ngoài thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh đã được công nhận, cần tiếp tục xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa nhằm mục đích nâng giá trị sản phẩm như: thương hiệu điều, thương hiệu cây ăn trái...

Phát triển hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đối với thị trường trong nước theo hướng hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thông qua hoạt động của các doanh nghiệp, hiệp hội. Cụ thể là xây dựng chợ đầu mối nông sản; xây dựng mối liên kết giữa các hợp tác xã với các siêu thị và hệ thống bán lẻ để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với những giải pháp sát thực, mang tính khả thi cao và đặc biệt là tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và đông đảo nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chắc chắn Nghị quyết số 05-NQ/TU sẽ là động lực mới cho nông nghiệp và nông thôn trên quê hương Bình Phước.

  • Từ khóa
39697

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu