Thứ 5, 28/03/2024 17:51:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 13:58, 25/01/2015 GMT+7

Đồng Khởi ở Bến Tre - in đậm trang sử vàng dân tộc

Chủ nhật, 25/01/2015 | 13:58:00 1,838 lượt xem
BP - “Ai đứng như bóng dừa/Tóc dài bay trong gió…”, những ca từ trong bài “Dáng đứng Bến Tre” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý vừa cất lên, ai cũng hiểu đó là bài hát ca ngợi đội quân tóc dài Bến Tre, với phong trào Đồng Khởi trong những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 55 năm đã đi qua (1-1960 - 1-2015) nhưng hai tiếng “Đồng Khởi” vẫn còn mãi âm vang trong lòng người dân xứ dừa nói riêng và cả dân tộc nói chung.

VÀI NÉT LỊCH SỬ

Từ năm 1957-1959 là thời kỳ vô cùng đen tối của cách mạng miền Nam. Đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc và tàn ác nhằm tiêu diệt cách mạng miền Nam, phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Chúng ban hành Luật 10/59, lê máy chém đi khắp miền Nam giết hại những người kháng chiến cũ, gia đình có người đi tập kết và quần chúng yêu nước. Sự tàn ác của Mỹ - Diệm đã buộc nhân dân miền Nam không còn con đường nào khác là phải vùng lên dùng bạo lực chính trị, vũ trang để giải phóng cho mình. Ngày 1-1-1960, tại ấp Tân Huề, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày (Bến Tre), đồng chí Nguyễn Thị Định, Phó bí thư Tỉnh ủy, chủ trì hội nghị lãnh đạo tỉnh và huyện, truyền đạt tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Hội nghị quyết định tổ chức khởi nghĩa từ ngày 17 đến 25-1-1960. Ba xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh (huyện Mỏ Cày) được chọn làm điểm. Đúng theo kế hoạch, ngày 17-1, cuộc khởi nghĩa nổ ra và nhanh chóng giành thắng lợi tại 3 xã nói trên. Trung đội vũ trang đầu tiên của Bến Tre ra đời trong phong trào Đồng Khởi đã làm lễ ra mắt tại một vườn dừa xã Bình Khánh. Đồng Khởi nhanh chóng lan ra toàn huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Ba Tri, Châu Thành, Bình Đại. Hàng vạn nhân dân xuống đường, vũ trang giáo mác, nổi trống mõ, truy lùng tề điệp ác ôn... Chỉ trong tuần lễ đầu Đồng Khởi, nhân dân 47 xã đồng loạt nổi dậy đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, giải phóng 150 ấp, phá 47 đồn bốt, thu 150 khẩu súng và nhiều đạn dược các loại.

Phó tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Định thăm một đơn vị nữ du kích có nhiều thành tích đánh Mỹ - ngụy (1961)  - Ảnh internet

VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRONG ĐỒNG KHỞI

Đội quân tóc dài ra đời trong phong trào Đồng Khởi Bến Tre được coi là một lực lượng quan trọng của đấu tranh chính trị và binh vận. Tổng kết phong trào Đồng Khởi năm 1960, có khoảng 9 triệu lượt quần chúng nổi dậy, 1 triệu lượt phụ nữ đấu tranh trực diện kết hợp với đấu tranh vũ trang góp phần làm tan rã hơn 2 vạn binh lính ngụy. Đây cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật nói về phụ nữ, trong đó có ca khúc Dáng đứng Bến Tre.

Trong phong trào Đồng Khởi, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ đã rất dũng cảm, kiên cường đấu tranh công khai trực diện với kẻ thù. Đồng Khởi là sự phối hợp chặt chẽ giữa ba mũi tiến công: chính trị, vũ trang và binh vận; tạo thành một sức mạnh tổng hợp, từng bước giành thắng lợi. Vì vậy, Đồng Khởi là một hình thức đấu tranh độc đáo, đầy sáng tạo của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ. Thắng lợi của Đồng Khởi Bến Tre và các tỉnh khác trong toàn miền Nam bắt đầu từ mùa Xuân năm 1960 đã đưa đến việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vào ngày 20-12-1960. Sau đó là sự ra đời của Trung ương Cục miền Nam (1-1961) và Quân giải phóng miền Nam (2-1961) mà tướng Nguyễn Thị Định là Phó tư lệnh. (*)

55 năm đã đi qua, lật lại những trang sử vàng chói lọi, chúng ta khẳng định Đồng Khởi năm 1960 là một kỳ tích độc đáo của Bến Tre. Ngọn đuốc Đồng Khởi thời kỳ kháng chiến chống Mỹ sẽ mãi mãi chiếu sáng, vang vọng đến muôn đời sau và luôn là niềm tự hào của các thế hệ người dân Bến Tre. Tiếp bước truyền thống anh hùng, lớp lớp các thế hệ Bến Tre đã viết nên những trang sử vàng cho quê hương xứ dừa. Đó là sự ra đời của Tiểu đoàn 307 rồi Tiểu đoàn 516 anh hùng, với những chiến công oanh liệt làm rạng danh quê hương Đồng Khởi. Phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre đã đi vào lịch sử truyền thống cách mạng Việt Nam, được nhân dân cả nước và nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới biết đến. Đồng Khởi được xem là một sự kiện lịch sử trọng đại, một dấu son chói lọi trong những trang sử vàng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.                

Thế Nhàn

(*) Tham khảo tài liệu “Huyền thoại quê hương Đồng Khởi” - NXB QĐND 2008

  • Từ khóa
91045

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu