Thứ 5, 18/04/2024 11:44:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:06, 17/01/2018 GMT+7

Đồng hành với nông dân phát triển kinh tế

Thứ 4, 17/01/2018 | 14:06:00 117 lượt xem
BP - Tân Lập (Đồng Phú) là một trong 11 xã của cả nước được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2009-2011. Năm 2014, Tân Lập hoàn thành 19/19 tiêu chí và là xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, người dân Tân Lập đang phát huy vai trò chủ thể trong phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống mới, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Hội Nông dân xã.

Điểm tựa của hội viên nông dân

Gia đình bà Đỗ Thị Rịu (1961) ở ấp 4, xã Tân Lập hoàn cảnh rất khó khăn bởi không có đất sản xuất, không có công việc ổn định và nuôi 2 con ăn học. Đầu năm 2017, gia đình bà Rịu được Hội Nông dân xã phối hợp Hội Chữ thập đỏ xã trao tặng 1 con bò sinh sản trị giá 16 triệu đồng. Hiện người con lớn của bà Rịu đi làm công nhân tại khu công nghiệp nên gia đình đã thoát nghèo. Bà Rịu cho biết: “Với gia đình tôi, con bò được hỗ trợ là tài sản lớn. Đây là “cần câu” để gia đình tôi phát triển kinh tế, từng bước ổn định và vươn lên trong cuộc sống”.

Bà Nguyễn Thị Gái, ấp 5, xã Tân Lập trồng rau an toàn phát triển kinh tế gia đình

Gia đình bà Nguyễn Thị Gái, ấp 5, xã Tân Lập gắn bó với việc trồng các loại rau, củ, quả nhiều năm. Tuy nhiên, do tập quán làm ăn nhỏ lẻ, không được tập huấn, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất vườn rau thấp. Năm 2013, Hội Nông dân xã thành lập Tổ hợp tác trồng rau an toàn gồm 10 hội viên với diện tích 4,2 ha do bà Gái làm Tổ trưởng. Bà Gái cho biết: “Từ ngày vào tổ hợp tác, hội viên được tham gia các lớp tập huấn nên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau sạch từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, năng suất, chất lượng cũng như uy tín sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao. Nhiều thương lái đã đến tận vườn thu mua nên đầu ra của sản phẩm được đảm bảo”. Hiện trên 5 sào đất của gia đình, bà Gái trồng 1 năm 3 vụ với các loại rau, củ, quả như: rau cải, khổ qua, mướp, bầu, bí, dưa leo... Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà Gái thu về trên 100 triệu đồng.

Thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp, nông sản mất mùa, giá bấp bênh nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, Hội Nông dân xã đã tham mưu cấp trên giải ngân 2 tỷ đồng xây dựng tổ hợp tác nuôi bò sinh sản với 30 hội viên. Ngày đầu thành lập tổ hợp tác có 52 con bò sinh sản, sau gần 1 năm số bò đã tăng lên 74 con. Anh Nguyễn Chiến Thắng (ấp 5), Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: “Nguồn vốn của tổ hợp tác được vay bằng tín chấp, việc giải ngân vốn nhanh, thủ tục vay đơn giản, thời gian vay trong vòng 3 năm với phí 0,84%/năm nên các hội viên dễ tiếp cận. Điều kiện để được tham gia tổ hợp tác là nông dân ít nhất phải có bò sinh sản, có chuồng trại đảm bảo hay ít nhất phải có đất trồng cỏ nhằm phát huy hiệu quả vốn vay cũng như gắn kết trách nhiệm của người dân trong chăm sóc đàn bò”.

Chị Đào Thị Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho hay: “Hiện nay, Hội Nông dân xã Tân Lập có 698 hội viên đang sinh hoạt tại 9 chi hội. Thời gian qua, hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây cao su, tiêu, điều, gà thả vườn, trồng rau an toàn... cho hội viên. Hằng năm, hội phối hợp Ngân hàng chính sách xã hội giải ngân 5,857 tỷ đồng cho 7 tổ vay vốn với 287 hộ. Phối hợp ban điều hành quỹ hỗ trợ nông dân các cấp lập đề án giải ngân 2,5 tỷ đồng cho 46 lượt hội viên nông dân vay đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình... Các nguồn vốn được quản lý, sử dụng đúng mục đích, nhờ đó đời sống hội viên ngày được nâng cao và không còn hội viên nghèo”.

Lan tỏa thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi

Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi là một trong những phong trào thi đua được Hội Nông dân xã triển khai thực hiện hiệu quả trong những năm qua. Phong trào đã thực sự tạo không khí thi đua sôi nổi, cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu của các hội viên. Để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, Hội Nông dân xã đã xây dựng kế hoạch, triển khai đến các cơ sở hội và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các hội viên. Việc triển khai phong trào được thực hiện với hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm kinh tế của địa bàn. Toàn xã hiện có 439 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Qua thực hiện phong trào ở Tân Lập đã xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả góp phần đưa kinh tế - xã hội của xã ngày càng phát triển. Điển hình như mô hình trồng cao su năng suất cao của hội viên Lê Khắc Từ ở ấp 2, Nguyễn Văn Lộc ở ấp 5; mô hình kinh tế tổng hợp của hội viên Nguyễn Chiến Thắng ở ấp 5; trồng ca cao xen điều của hội viên Nguyễn Văn Khánh ở ấp 4; mô hình kinh tế tổng hợp gồm cao su, hồ tiêu, sầu riêng của hội viên Lê Văn Duẩn ở ấp 8, Nguyễn Văn Hưng ở ấp 7...

Chị Đào Thị Nhàn cho biết thêm: “Tân Lập hiện có 1 câu lạc bộ IPM (phòng, trừ sâu bệnh hại tổng hợp), 2 câu lạc bộ PTD (phát triển kỹ thuật có sự tham gia) với 69 hội viên; 3 tổ hợp tác, 1 chi hội nghề nghiệp nuôi bò sinh sản gồm 30 hội viên đang hoạt động hiệu quả. Thời gian tới, hội sẽ phối hợp các ngành chức năng tích cực chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện đất đai, môi trường sinh thái và nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Khuyến khích hội viên phát triển mạnh kinh tế hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã... Chủ động phối hợp Ngân hàng chính sách xã hội, quỹ hỗ trợ nông dân các cấp hỗ trợ hội viên tiếp cận các vốn vay ưu đãi giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng”.

X.T

  • Từ khóa
42420

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu