Thứ 6, 29/03/2024 03:06:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 10:36, 06/11/2016 GMT+7

Đối xử với con bằng cả tấm lòng!

Chủ nhật, 06/11/2016 | 10:36:00 344 lượt xem

Chị Ngọc Mai thân mến!

BP - Gia đình kịch liệt phản đối khi em dự định lấy một người đã qua “một lần đò”, nuôi  bé gái 7 tuổi, nhưng em vẫn kiên quyết không thay đổi ý định nên gia đình phải chấp nhận. Lúc đầu, em cứ nghĩ đơn giản: mình thương con anh thì cô bé cũng sẽ quý mến lại! Nhưng thực tế lại khiến em vô cùng “sốc”. Em cố gần gũi, chăm sóc nhưng bé vẫn coi em như kẻ thù. Mỗi lần em bắt chuyện là cháu lại nhìn em gườm gườm và không thèm trả lời. Em cố nén nhịn để khỏi mang tiếng “mẹ ghẻ - con chồng” nhưng trong lòng vô cùng ấm ức.

Như thế còn chưa khổ bằng việc bé luôn muốn giành tình cảm tuyệt đối của ba. Đêm nào bé cũng đòi ngủ cùng vợ chồng em và nhất định phải nằm giữa, ôm khư khư lấy ba. Biết em không dám mắng, lại được ba bênh vực nên con bé ngày càng quá đáng. Nó nói chuyện với em rất xấc xược, sai bảo em như người hầu vậy. Tới bữa cơm, có cá thì đòi thịt, có thịt thì đòi trứng... Em biết là con bé cố tình quậy phá, vậy mà khi phàn nàn với chồng, anh ấy còn chê trách em không khéo léo nên mới không được lòng con bé. Điều đó đã làm em rất khổ tâm và khiến vợ chồng thường xuyên cãi vã. Bây giờ em không biết phải cư xử thế nào cho đúng. Mong chị tư vấn giúp em.

Thanh Mai (Bù Đốp)

Thanh Mai thân mến!

Quan niệm “Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng” vẫn còn khá nặng trong đời sống; không những tồn tại trong nhận thức của người xung quanh mà còn cả ở suy nghĩ của trẻ khiến mối quan hệ giữa mẹ kế và con chồng luôn có khoảng cách.

Em đã được gia đình cảnh báo và bản thân ít nhiều đã hình dung trước những khó khăn đó. Chính em đã hạ quyết tâm cố gắng để vượt qua thử thách này thì tại sao lại nản lòng sớm như thế?

Theo lẽ thường, ban đầu đa phần “con riêng” đều tỏ ra thờ ơ, xa lánh, thậm chí căm ghét mẹ kế ra mặt vì cho rằng, người đó đã cướp mất sự quan tâm của ba và vị trí của mẹ với bé. Tâm lý của bé sẽ xem mẹ kế như người ngoài, thậm chí là kẻ thù. Đây là những phản ứng tâm lý hết sức bình thường, vì thế em hãy thật nhẹ nhàng và khéo léo, gần gũi, nhất là phải kiên nhẫn tìm hiểu suy nghĩ, cá tính của bé để có cách cư xử phù hợp hơn.

Nếu bé tỏ ra không ưa, không tôn trọng ý kiến của em hoặc tìm cách bắt lỗi em trước mặt ba mà em thấy áp lực, quay sang ghét bỏ, thậm chí tìm cách trả đũa bé thì sẽ càng khiến mọi chuyện thêm phức tạp. Hơn hết, không biết đúng sai thì người đứng ngoài nhìn vào sẽ cho là em nhỏ mọn, chấp nhất cả đứa trẻ lên 7. Tình cảm vợ chồng cũng vì thế mà nảy sinh những mâu thuẫn không đáng có.

Khi em và con chồng xích mích, bé khiến em bực bội cũng không nên vội vàng kể tội con với chồng. Việc đó không giải quyết được mâu thuẫn mà còn khiến con ngầm cho rằng, em là kẻ hay “mách lẻo”, cố tình chia rẽ tình cảm của cha con họ. Từ đó, bé càng cố tìm cách trả thù, mục đích để ba bé ghét em. Chồng em là người đứng giữa sẽ cảm thấy vô cùng khó xử và mệt mỏi. Anh ấy luôn mong em bao dung và có thể yêu thương con riêng của chồng nhưng những gì em thể hiện lại khiến anh ấy mất niềm tin. Thay vì chấp nhặt bé thì em hãy tỏ ra bao dung và quan tâm, chứng tỏ cho bé thấy mình luôn yêu thương bé như con ruột.

Một điều tế nhị nữa là trước mặt con đừng bao giờ tỏ ra âu yếm quá với chồng càng khiến bé có suy nghĩ em “cướp hết” sự quan tâm của ba dành cho bé. Từng bước lấy niềm tin của con để bé có thể cảm nhận thêm mẹ kế là thêm một người quan tâm và yêu thương mình. Đối xử với con bằng cả tấm lòng chính là cách tốt nhất để chung sống hòa hợp với nhau.

Ngọc Mai

  • Từ khóa
107789

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu