Thứ 6, 29/03/2024 13:50:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 00:53, 09/06/2013 GMT+7

Đối tượng sử dụng đất là các cơ sở tôn giáo cần được quy định rõ

Chủ nhật, 09/06/2013 | 00:53:00 665 lượt xem

* Tại Điều 5 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có quy định về 8 đối tượng sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất..., trong đó, Khoản 4 có nội dung như sau: 4. Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và các cơ sở khác của tôn giáo. Theo ý kiến của cá nhân tôi, nếu trong dự thảo quy định như vậy là chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ. Vì, thứ nhất là trong dự thảo liệt kê chưa đầy đủ các cơ sở tôn giáo. Ví dụ, đối với Phật giáo còn có các cơ sở như: Tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường. Trong khi đó, ở Điều 3 (phần giải thích từ ngữ) không có phần giải thích về những cơ sở này. Còn nếu cho rằng những cơ sở trên là “các cơ sở khác của tôn giáo” như trong dự thảo thì lại càng không ổn.

Thứ hai là khái niệm về “nhà thờ” trong dự thảo cũng cần được làm rõ. Vì thực tế hiện nay cho thấy, đối với những người theo đạo Công giáo và đạo Tin lành thì ai cũng hiểu nhà thờ là gì. Thế nhưng hiện nay, nhất là ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung thì từ đường của dòng họ hoặc của các chi, phái trong dòng họ cũng được gọi là nhà thờ. Vậy, nhà thờ này có nằm trong khái niệm “nhà thờ” như trong dự luật hay không? Nếu gọi là từ đường thì trong dự luật cũng cần bổ sung đối tượng sử dụng đất được Nhà nước giao đất là nhà thờ họ hoặc từ đường của dòng họ.

Thứ ba là còn rất nhiều cơ sở khác tuy không phải là cơ sở của tôn giáo, nhưng nó là cơ sở được hình thành, xây dựng từ tín ngưỡng của nhân dân. Cụ thể, đó là các cơ sở: Đình, đền, miếu, am... Và theo quy định như trong dự thảo thì những cơ sở này có thuộc đối tượng sử dụng đất được Nhà nước giao đất. Nếu các cơ sở này thuộc đối tượng sử dụng đất được Nhà nước giao đất thì trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung thêm các cơ sở tín ngưỡng.

Xuất phát từ quan điểm trên, tôi đề xuất ý kiến là trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định rõ về cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng và các cơ sở khác của tôn giáo (có thể gọi là các công trình hoặc cơ sở phụ trợ) như trong Nghị định số 92/2012/NĐ-CP, ngày 8-11-2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Trong Điều 34 của nghị định này có quy định cụ thể về công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo như sau: 1. Công trình tín ngưỡng là những công trình như: Đình, đền, am, miếu, từ đường, nhà thờ họ và những công trình tương tự khác. 2. Công trình tôn giáo là những công trình như: Trụ sở của tổ chức tôn giáo, chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, thánh thất, niệm phật đường, trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, tượng đài, bia, tháp và những công trình tương tự của các tổ chức tôn giáo. 3. Công trình phụ trợ là những công trình không sử dụng cho việc thờ tự của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, như: Nhà ở, nhà khách, nhà ăn, nhà bếp, tường rào khuôn viên cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và các công trình tương tự khác.

* Tại Khoản 3 Điều 77 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có quy định như sau: 3. Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất, nếu không có chỗ ở nào khác thì được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét cho mua, thuê nhà ở hoặc giao đất ở và phải trả tiền mua nhà, thuê nhà, nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì khoản này có nội dung rất khó hiểu và đương nhiên là sẽ rất khó thực thi, nếu dự thảo luật này được thông qua. Vì, căn cứ vào nội dung trên thì ở đây có thể xảy ra 3 trường hợp. Thứ nhất là diện tích đất mà hộ gia đình, cá nhân bị Nhà nước thu hồi quá nhỏ và nhỏ đến mức Nhà nước không cần phải bồi thường. Thứ hai là giá trị của diện tích đất bị Nhà nước thu hồi quá thấp và thấp đến mức không cần phải bồi thường hoặc hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi không cần nhận tiền bồi thường. Thứ ba là diện tích đất của hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi là đất sử dụng bất hợp pháp hoặc đất lấn chiếm trái phép... nên không được bồi thường. Nếu diện tích đất trên rơi vào trường hợp thứ 3 như phân tích ở trên thì sẽ không có vấn đề gì phải bàn. Nhưng nếu diện tích đất bị thu hồi rơi vào hai trường hợp nên hiểu như thế nào đây? Vì diện tích đất ở bị thu hồi quá ít hay vì giá trị thửa đất ở bị thu hồi quá thấp so với giá trị thửa đất tại khu vực tái định cư hay vì thửa đất ở bị thu hồi không hợp pháp... nên không được bồi thường đất ở. Tôi thấy, nếu rơi vào trường hợp thứ 3 thì còn có thể chấp nhận được, còn nếu rơi vào trường hợp thứ nhất và thứ hai... thì không ổn.

Do đó, tôi đề xuất ở khoản này cần được viết lại cho rõ và theo hướng nếu là đất hợp pháp thì Nhà nước thu hồi phải có bồi thường. Nếu giá trị mảnh đất tái định cư lớn hơn giá trị của mảnh đất bị thu hồi thì người có đất thu hồi phải trả khoản chênh lệch cho Nhà nước. Nếu người có đất bị thu hồi không nhận đất tái định cư mà nhận tiền đúng với giá trị đất bị thu hồi thì Nhà nước chi trả. Còn với trường hợp đất sử dụng trái phép do lấn chiếm hoặc xâm canh trái pháp luật thì Nhà nước không phải thu hồi, mà là ra quyết định tịch thu.

Luật gia: Đ.T

  • Từ khóa
108219

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu