Thứ 4, 24/04/2024 05:08:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:57, 01/01/2017 GMT+7

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH (1-1-1997 - 1-1-2017)

Đổi thay vượt bậc của giáo dục Bình Phước

Chủ nhật, 01/01/2017 | 06:57:00 263 lượt xem

BP - Những năm đầu tái lập tỉnh, Bình Phước được xem là “vùng trũng” về giáo dục - đào tạo (GD-ĐT). Cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ cán bộ, giáo viên thiếu và yếu. 20 năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội và sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, sự nghiệp GD-ĐT Bình Phước đã có bước tiến vượt bậc. Mạng lưới trường lớp được xây dựng khang trang, phủ kín toàn tỉnh, chất lượng GD-ĐT vươn lên trong top đầu cả nước.

QUAN TÂM ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT

Nhà giáo ưu tú Huỳnh Công Khanh, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh cho biết: Khi tách tỉnh, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của Bình Phước rất thiếu. Toàn tỉnh có đến 60% trường, lớp là nhà tranh tre tạm bợ, giáo viên bậc mầm non phần lớn lấy từ công nhân các nông trường cao su ra đứng lớp, giáo viên bậc tiểu học thiếu hơn 1.000 người, còn giáo viên bậc THCS và THPT phải huy động từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Mặc dù năm 1998, Bình Phước được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học nhưng thực tế chất lượng đạt thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học cao, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi ra lớp 1 chưa nhiều. Vì thế, sau này công tác phổ cập giáo dục THCS gặp nhiều khó khăn, mãi đến năm 2009 mới được công nhận. Chính vì lẽ đó mà ngành GD-ĐT được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Đến nay, bức tranh giáo dục của tỉnh đã có nhiều đổi thay vượt bậc.

Trường THPT chuyên Quang Trung là niềm tự hào của tỉnh và cả nước

Thầy Lê Bá Nam, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT cho biết: Thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên của Thủ tướng Chính phủ cùng sự đầu tư, hỗ trợ từ nhiều nguồn, từ năm 2010 đến nay, riêng các đơn vị trực thuộc sở đã được đầu tư từ 80-150 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất. Các huyện, thị xã cũng được lãnh đạo quan tâm đầu tư xây dựng cơ bản, trung bình mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng. Hiện phần lớn các trường THPT, cấp 2-3 đều được xây dựng kiên cố; hệ thống trường mầm non, tiểu học, THCS được đầu tư xây dựng đồng bộ. Nhà giáo ưu tú Mạc Thanh Bình, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chơn Thành cho biết: Những năm gần đây, ngành GD-ĐT được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm, mỗi năm trích ngân sách đầu tư cho GD-ĐT từ 10-13 tỷ đồng. Đồng thời khuyến khích thành lập các trường tư thục, cơ sở tư thục. Đến nay, trên địa bàn có 4 trường tư thục và 18 cơ sở tư thục, góp phần giảm tải cho các trường công. Công tác xã hội hóa giáo dục cũng được người dân đồng tình ủng hộ, mỗi năm đóng góp từ 2-3 tỷ đồng.

NHỮNG ĐỔI THAY VƯỢT BẬC

Hiện phần lớn hệ thống trường lớp, kể cả vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều là nhà cấp 4 trở lên, các phòng học tạm, mượn chiếm tỷ lệ rất ít. Có thể kể đến một số trường được đầu tư quy mô, kinh phí hàng chục tỷ đồng như: THPT Đồng Xoài, THPT Hùng Vương (Đồng Xoài), THPT chuyên Bình Long (Bình Long); về vùng sâu, vùng xa là Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, THPT Thống Nhất (Bù Đăng); tiểu học Thanh An, tiểu học Trà Thanh, THPT Trần Phú (Hớn Quản); THPT Đắk Ơ (Bù Gia Mập)... Ở những địa bàn tập trung học sinh ngoài tỉnh cao như thị xã Đồng Xoài, huyện Chơn Thành đã đẩy nhanh tốc độ xây dựng trường lớp và cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập cho các em.

Trường THPT chuyên Bình Long được đầu tư xây dựng khang trang

Năm học 1997-1998, toàn tỉnh có 193 trường học các cấp/4.654 lớp, nhóm/150.466 học sinh với 4.303 cán bộ, giáo viên. Đến nay, tăng lên 481 trường (kể cả các trung tâm giáo dục thường xuyên)/7.542 phòng học các loại/7.975 lớp, nhóm/245.178 học sinh; có 19.151 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn và khoảng 50% trên chuẩn. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng được lãnh đạo các cấp đặc biệt quan tâm và đẩy nhanh tiến độ. Đến tháng 7-2016, toàn tỉnh có 103/461 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó 24 trường mầm non, 48 trường tiểu học, 21 trường THCS và 10 trường THPT.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

Nhiều năm trở lại đây, Bình Phước nổi tiếng bởi chất lượng GD-ĐT, nhất là giáo dục mũi nhọn luôn đứng top đầu cả nước, trở thành niềm tự hào của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. Trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp quốc gia, Bình Phước luôn đạt trên dưới 50 giải, trong đó có 4 giải nhất. Trong kỳ thi Olympic truyền thống 30-4, nhiều năm liền Trường THPT chuyên Quang Trung và năm học 2015-2016, Trường THPT chuyên Bình Long giành giải nhì toàn đoàn, chỉ đứng sau Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh. 2 năm vừa qua, do tổ chức kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” nên không xếp hạng, còn lại tại các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm trước Trường THPT chuyên Quang Trung luôn đứng top đầu các trường THPT cả nước, với điểm bình quân khối thi luôn đạt trên 22,5. Trong đó, 1 năm trường đứng nhất và 3 năm đứng nhì toàn quốc về điểm bình quân thi đại học. Ngoài ra, hằng năm trường đều có từ 3-5 em đậu thủ khoa các trường đại học. Trường THPT chuyên Quang Trung trở thành điểm đến tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều trường trong cả nước. Năm học 2015-2016, lần đầu tiên 197 học sinh khối 12 Trường THPT chuyên Bình Long dự thi THPT quốc gia nhưng đã có thành tích đáng tự hào với điểm bình quân các khối thi đạt 22,78.

Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đạt được những kết quả đó là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, sát sao, xuyên suốt của Bộ GD-ĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo tỉnh. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ các năm học, Sở GD-ĐT luôn xác định “Nói và làm đi vào thực chất, không chạy theo thành tích”. Sở GD-ĐT đã kiên quyết chỉ đạo phòng GD-ĐT các huyện, thị, đơn vị trực thuộc đánh giá thực chất chất lượng giáo dục. Mặt khác, đội ngũ cán bộ, giáo viên các cấp ổn định, chủ động, sáng tạo, có tâm huyết, tận tụy với nghề, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững. Nhờ đó, chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững và ngày càng cải thiện, tỷ lệ học sinh khá, giỏi, học sinh giỏi quốc gia, tỷ lệ tốt nghiệp THPT ngày càng được cải thiện và nâng cao.

V. Thuyên

  • Từ khóa
86484

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu