Thứ 3, 23/04/2024 21:12:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:54, 21/06/2019 GMT+7

Đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ 6, 21/06/2019 | 10:54:00 946 lượt xem
BP - Huyện biên giới Lộc Ninh có 119.765 người/29.767 hộ, với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) 24.461 người (dân tộc S’tiêng và Khơme khoảng 80%). Những năm qua, huyện đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

5 năm qua (2014-2019), từ các nguồn đầu tư của Trung ương, tỉnh, Lộc Ninh đã triển khai thực hiện các hạng mục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, cũng như các chính sách định canh, định cư, xây dựng nhà ở, vay vốn hỗ trợ sản xuất, trợ cước trợ giá đảm bảo công khai, dân chủ. Cụ thể: Huyện đã thực hiện quy hoạch 208,8 ha đất sản xuất cho 282 hộ DTTS nghèo; hỗ trợ chuyển đổi nghề và mua sắm nông cụ cho 275 hộ DTTS nghèo; xây tặng 254 căn nhà cho hộ DTTS nghèo; giải ngân cho 1.147 lượt hộ DTTS nghèo vay vốn phát triển sản xuất, với hơn 11 tỷ đồng; hỗ trợ 154 con bò giống lai sind, 15.400kg phân bón, 74 bình xịt thuốc, 31 máy phát cỏ... Đặc biệt, dự án định canh, định cư tại 3 xã Lộc Thịnh, Lộc Thành, Lộc Hòa đã tạo điều kiện giúp 188 hộ DTTS nghèo ổn định, phát triển kinh tế.

Các hộ dân tộc thiểu số xã Lộc Thịnh (Lộc Ninh) nhận quyết định bàn giao nhà theo dự án định canh, định cư vào năm 2018

Để giảm nghèo bền vững, từ năm 2014 đến nay, huyện đã mở 8 lớp dạy nghề ngắn hạn như: cạo mủ cao su, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, may, thêu... cho 115 lao động DTTS. Ngoài ra, UBND huyện còn chỉ đạo các ngành chức năng mở 5 mô hình trình diễn trồng lúa, 5 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho hơn 150 hộ DTTS; cấp gạo hỗ trợ đói giáp hạt cho 8.282 người DTTS với hơn 14.255kg gạo (quy ra tiền 1.767 triệu đồng). Nhờ vậy, đời sống đồng bào được cải thiện, năng suất lao động, hiệu quả kinh tế tăng lên.

Những năm qua, huyện luôn chú trọng khôi phục lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS, như: Lễ hội phá bàu, mừng lúa mới, cồng chiêng... Hằng năm, 33 khu dân cư có đồng bào DTTS đều đạt văn hóa hoặc tiên tiến, trên 50% gia đình DTTS đạt danh hiệu văn hóa. Hiện nay, đa số hộ DTTS trong huyện đều có ít nhất một loại phương tiện nghe, nhìn như: tivi, radio, điện thoại phục vụ nhu cầu thông tin hằng ngày.

Lĩnh vực y tế, giáo dục trong vùng đồng bào DTTS cũng được huyện quan tâm. Hiện nay, huyện có 1 trung tâm y tế với 170 giường bệnh; 1 bệnh viện của Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh; 16 trạm y tế ở các xã, thị trấn (trong đó 12/16 trạm có bác sĩ). Hằng năm, các ngành, đoàn thể trong huyện phối hợp tổ chức nhiều đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào DTTS, góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tốt hơn. Mỗi năm, toàn huyện có 95% trẻ em DTTS được tiêm chủng theo quy định; trẻ em DTTS suy dinh dưỡng còn 15%. 100% khu dân cư có nhân viên y tế thôn và nữ hộ sinh dân tộc. 5 năm qua, huyện đã cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn, xã biên giới, với tổng 49.925 lượt thẻ, kinh phí 37 tỷ 443 triệu đồng. 16/16 xã, thị trấn đã có trường mẫu giáo, tiểu học, THCS, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong huyện. Từ năm học 2015-2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ chi phí học tập cho 4.238 lượt học sinh DTTS, với tổng kinh phí 1 tỷ 354,666 triệu đồng; cử tuyển 5 học sinh DTTS đi học tại các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp.

Cùng với đó, các chính sách đối với già làng, người uy tín trong vùng đồng bào DTTS luôn được Huyện ủy, UBND huyện đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt. Lộc Ninh có 62 già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS được công nhận. Hằng năm, huyện đều tổ chức gặp gỡ các già làng, người có uy tín và được cấp ủy, chính quyền tổ chức đi thăm, tặng quà vào dịp lễ, tết. Già làng Lâm Gia, xã Lộc Thịnh vui mừng bày tỏ: Trước đây, đồng bào các DTTS rất khó khăn, chưa biết đến khoa học, kỹ thuật để phát triển sản xuất, nhiều hộ không có đất ở. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng bào DTTS được hỗ trợ đất sản xuất, cấp nhà ở, trẻ em được đi học, khám bệnh, bà con chăm lo phát triển kinh tế. Giờ cuộc sống của đồng bào đã khá lên rất nhiều.

Bà Trần Thị Bích Lệ, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết: Từ thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án giảm nghèo lồng ghép, kết hợp thực hiện nhiều chính sách, biện pháp của các cấp, ngành, công tác giảm nghèo ở huyện đã đạt kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS của huyện giảm liên tục qua các năm, năm 2014-2015 giảm 185 hộ/năm, giai đoạn 2016-2019 giảm 68 hộ/năm. Đến tháng 6-2019, huyện chỉ còn 972 hộ nghèo, 685 hộ cận nghèo DTTS, không còn hộ đói. Diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS đang dần khởi sắc.

Hoàng Mỹ - Đức Chuẩn

  • Từ khóa
1540

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu