Thứ 7, 20/04/2024 16:49:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:46, 01/01/2017 GMT+7

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH (1-1-1997 - 1-1-2017)

Đổi thay ở một xã anh hùng

Chủ nhật, 01/01/2017 | 15:46:00 192 lượt xem
BP - “Nhà báo viết về đổi thay ở một xã anh hùng, tôi rất mừng. Khen ai chả thích nhưng tôi “rất ngại” vì Đảng bộ và chính quyền chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội địa bàn, nhất là tỷ lệ hộ nghèo còn cao” - ông Trần Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) phân trần.

Đây không chỉ là nỗi niềm của ông Trần Văn Linh mà những cán bộ lão thành cách mạng đã từng gắn bó với mảnh đất này từ ngày giải phóng, như các ông: Phan Thành Lan (Hai Thài), nguyên Chủ tịch UBND xã; Nguyễn Thành Láng, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN xã... cũng rất trăn trở vì đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn nhiều khó khăn. Nhưng có thể thấy một cách tổng thể Đắk Ơ ngày nay đã thay đổi vượt bậc về mọi mặt.

ĐẮK Ơ XƯA

Năm 1976, xã Đắk Ơ được thành lập trên cơ sở sáp nhập 8 xã thuộc huyện Bù Gia Mập (cũ), gồm Bù Xia, Bù Bưng, Bù Khơn, Bù Du Nga, Bù Nung, Bù Xa Rê, Bù Đắk Á, Bù Rên với diện tích tự nhiên 65.596 ha. Lúc đó, xã chỉ có 642 hộ với 3.826 người, trong đó đồng bào S’tiêng chiếm 90%; thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp và mang tính tự cung, tự cấp. Cơ sở hạ tầng chỉ có tuyến đường cấp phối đất đỏ từ Phước Long vào sân bay Bù Gia Mập, còn đường đến các thôn chỉ là đường mòn.

Một góc khu trung tâm xã Đắk Ơ hôm nay

Năm 1975, ông Phan Thành Lan được cấp trên điều về phụ trách các xã biên giới của huyện Bù Gia Mập. Thành lập xã Đắk Ơ, ông được bầu làm Chủ tịch UBND xã và giữ chức vụ này đến năm 1997 nghỉ hưu. Trong căn nhà ở cuối con hẻm của thôn 7, xã Đắk Ơ, ông Lan kể rành rọt quá trình phát triển của xã cho chúng tôi nghe dù đã ở tuổi ngoài 90. Ông nói: Đảng bộ khi mới thành lập chỉ có 8 chi bộ với 37 đảng viên. Cuối năm 1976, Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ I đã bầu Ban chấp hành khóa I và đề ra nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội đầu tiên. Từ đây, Đảng bộ và chính quyền xã đã vận động nhân dân khai hoang, mở đất lập thôn và trồng lúa rẫy, cây mì, bắp... để chống đói; xây trường học, mở lớp cho con em học tập.

Cuộc sống ổn định chưa được bao lâu thì xảy ra xung đột ở biên giới Tây Nam. Lo sợ chiến tranh xảy ra nên việc sản xuất của người dân bị đình trệ. Một lần nữa, Đảng bộ và chính quyền xã lại quyết tâm vận động nhân dân đứng lên phòng thủ tuyến biên giới, ngăn chặn sự xâm phạm của lực lượng phản động và tổ chức sản xuất, không để nhân dân rơi vào nạn đói. Giai đoạn 1980-1986, 10 hợp tác xã được thành lập với tổng diện tích đất sản xuất trên 800 ha, chủ yếu trồng lúa rẫy xen canh bắp, mè và các loại rau màu. Nhiều hợp tác xã sản xuất hiệu quả với năng suất lúa đạt trên 5 tấn/ha. Đời sống người dân bảo đảm, tình hình an ninh trật tự được giữ vững và ổn định. Từ kết quả đạt được, năm 1990 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã Đắk Ơ vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

SỰ CHUYỂN MÌNH

Về tham gia công tác chính quyền ở Đắk Ơ từ năm 1976, từng kinh qua nhiều nhiệm vụ, từ Chủ nhiệm Hợp tác xã Bù Xia, Trưởng ban tài chính xã đến Chủ tịch UBMTTQ xã và giờ nghỉ hưu tại thôn Đắk Lim, tuy rất trăn trở về tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao nhưng ông Nguyễn Thành Láng vẫn khẳng định: Đắk Ơ đã chuyển mình mạnh mẽ.

Năm 1998, Đắk Ơ được chia tách, chỉ còn lại 24.394,24 ha với 4.763 người. Từ đây, nhịp độ phát triển kinh tế được đẩy nhanh, tổng sản phẩm xã hội liên tục tăng, diện tích cây công nghiệp lâu năm tăng cao, sản xuất nông nghiệp từng bước được cơ giới hóa. Từ năm 2000 đến nay, Đảng bộ, chính quyền xã đã nỗ lực không ngừng để nâng cao đời sống người dân cả về vật chất và tinh thần. Năm 2000, xã có 1.801 hộ với 8.294 người, tổng sản phẩm xã hội đạt 16,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân 1,869 triệu đồng/người. Đến năm 2016, toàn xã có 4.142 hộ với 17.266 người, tổng sản phẩm xã hội đạt khoảng 500 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt gần 25 triệu đồng/người.

Nhờ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều nông dân xã Đắk Ơ đã vươn lên làm giàu từ phát triển vườn tiêu

Hiện xã có 6.736,3 ha đất nông nghiệp, trong đó điều 3.963 ha, cao su 990,8 ha, tiêu 1.600,5 ha và các loại cây trồng khác. Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển mạnh với 632 hộ tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải, kinh doanh thương mại và 26 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng trị giá ước đạt 100 tỷ đồng. Toàn xã đã có 32km đường nhựa, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đang được bê tông hay xâm nhập nhựa, điện lưới quốc gia đã phục vụ 86% số hộ. Hiện 2 tuyến đường từ ngã tư trung tâm thôn Bù Khơn đến hội trường thôn và từ Bù Khơn đi Bù Bưng được láng nhựa. Trường mẫu giáo Đắk Ơ đang gấp rút xây dựng cho con em học tập...

Năm học 2016-2017, toàn xã có 148 lớp với 4.427 học sinh, tỷ lệ trẻ đến trường đạt khoảng 99%; cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trường lớp được chuẩn bị chu đáo đã tạo không khí phấn khởi trong thi đua dạy và học. Trạm y tế xã đầu tư xây dựng khang trang, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh được trang bị đầy đủ... Các phong trào thi đua yêu nước được phát động sâu rộng đến toàn thể nhân dân, góp phần tạo nên diện mạo mới cho địa bàn.

LẠC QUAN HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI

Dẫn chúng tôi đi tìm hiểu thực tế, ông Đỗ Cao Trí, cán bộ Văn phòng UBND xã chia sẻ: Theo cha mẹ về Đắk Ơ sinh sống từ cuối năm 1974 và lớn lên trong thời điểm xã gặp muôn vàn khó khăn, tôi nhận thấy, để có được một Đắk Ơ phát triển như hôm nay là nhờ sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân địa bàn. Họ đã đoàn kết và không phân biệt thành phần, địa vị, tôn giáo, dân tộc.

Thời gian tới, Đắk Ơ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, xây dựng nông thôn mới chưa đạt yêu cầu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo còn cao... Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được và xây dựng xã phát triển toàn diện, bền vững, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra mục tiêu: Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7-8%/năm; đưa cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - thương mại - dịch vụ; nâng cao chất lượng và giá trị các mặt hàng nông sản. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đạt từ 32-35 triệu đồng/người. Hằng năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10% trở lên và phấn đấu đến năm 2020 hộ nghèo trên địa bàn giảm còn dưới 10%; nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân..., bảo đảm an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội. Với sự đoàn kết, đồng lòng, nhất định Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Đắk Ơ sẽ hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đã đề ra.

Lâm Phương

  • Từ khóa
95123

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu