Thứ 5, 25/04/2024 17:42:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:15, 01/11/2017 GMT+7

Đổi thay ở làng Chăm

Thứ 4, 01/11/2017 | 07:15:00 390 lượt xem
BP - Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, 2 năm trở lại đây, cuộc sống đồng bào Chăm ở ấp Tân Phú, xã Thuận Phú (Đồng Phú) có nhiều thay đổi tích cực. Từ một ốc đảo không đường, không điện đến nay trẻ em được đến trường, người dân lưu thông trên con đường cấp phối bằng phẳng, thanh niên có việc làm ổn định, nhà nhà có đài, tivi để nghe và xem tin tức thời sự, học tập kinh nghiệm làm ăn, ổn định cuộc sống.

Cách đây 2 năm, cứ đến mùa mưa là 51 hộ đồng bào Chăm ở ấp Tân Phú gần như bị biệt lập với bên ngoài vì không có cầu bắc qua suối để đi lại. Ở đây lại chưa có điện nên đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn, việc học hành của con trẻ cũng vì thế mà bị hạn chế. Ngoài giờ đến lớp nhiều em phải lao động phụ giúp gia đình nên thời gian học chủ yếu vào buổi tối. Tuy nhiên, do không có điện đã ảnh hưởng đến học tập của các em. Cuộc sống của người dân nơi đây tự cung, tự cấp là chính.

Cháu Ha Run (con chị Ma To) đang chăn đàn dê của gia đình

Trước tình hình đó, cuối năm 2015, huyện Đồng Phú đầu tư xây dựng đường cấp phối vào ấp; xây dựng cầu bắc qua suối dài 120m với kinh phí 1,1 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và thông thương hàng hóa. Huyện đã đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng đưa lưới điện quốc gia về phục vụ người dân trong ấp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong ấp tiếp cận vốn vay để ổn định sản xuất, phát triển chăn nuôi... Nhờ có điện, có đường nên cuộc sống của đồng bào Chăm ở Tân Phú ngày một khởi sắc.

Gia đình chị Ma To đến ấp Tân Phú lập nghiệp từ năm 1994. Do không có đất sản xuất, công việc không ổn định nên hơn 20 năm qua cái nghèo đeo bám gia đình chị. Năm 2013, chị To được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 25 triệu đồng cùng với vốn vay 15 triệu từ Chương trình 735 để mua 6 con dê sinh sản. Năm 2015, gia đình chị được Công an huyện Đồng Phú phối hợp xây tặng nhà tình thương trị giá 40 triệu đồng. Có nhà kiên cố, vợ chồng chị chịu khó làm ăn và đã thoát nghèo vào năm 2016. Chị Ma To cho hay: “Nhờ chịu khó chăm sóc nên từ 6 con dê ban đầu, nay đàn dê của gia đình đã tăng lên 40 con. Vừa qua, tôi đã bán 7 con dê trưởng thành được 21 triệu đồng. Hiện vợ chồng tôi đã trả hết tiền vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và bước đầu có tích lũy”.

Hộ anh Sa Cốt có 3 người con, nhưng không có đất sản xuất. Vợ chồng anh đi cạo thuê mủ cao su thu nhập mỗi tháng gần 10 triệu đồng. Tuy nhiên, phải lo cho các con ăn học nên cuộc sống gặp không ít khó khăn. Cuối năm 2014, anh Cốt được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 30 triệu đồng mua 4 dê mẹ và 1 con bò sinh sản. Nhờ được tập huấn cách chăm sóc, vệ sinh chuồng trại nên đàn dê và bò của anh Cốt phát triển tốt. Đến nay, anh Cốt đã có đàn dê 21 con và chuẩn bị xuất bán 4 con với giá 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Ngoài ra, con bò mẹ của gia đình đã sinh được 1 con bê nên hộ anh Sa Cốt thoát nghèo.

Ông Chàm Sa, người có uy tín trong đồng bào Chăm ấp Tân Phú nói: “Trong 50 hộ đồng bào Chăm ở tổ 6, ấp Tân Phú hiện chỉ 16 hộ có đất sản xuất từ 6 sào đến 1 ha, trong đó 11 hộ được cấp đất theo các chương trình 33 và 134. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp nên nhận thức của đồng bào Chăm được nâng lên rõ rệt. Người dân đã mạnh dạn vay vốn chăn nuôi bò, dê, gà, vịt để tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống. Đến nay đã có 15 hộ chăn nuôi bò, dê sinh sản, thanh niên có việc làm ổn định, số hộ nghèo giảm chỉ còn 7 hộ”.

Xuân Túc

  • Từ khóa
42189

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu