Thứ 6, 19/04/2024 16:43:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:35, 23/03/2016 GMT+7

Đổi mới trong xây dựng nghị quyết

Thứ 4, 23/03/2016 | 09:35:00 736 lượt xem

BP - Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) bế mạc ngày 12-3-2016. Sau 3 ngày làm việc, Trung ương đã kết luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của Đảng và đất nước. Theo dõi thông báo kết luận hội nghị cũng như bài phát biểu bế mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đảng viên và nhân dân cả nước rất phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Trung ương đã thống nhất: “... không nhất thiết phải ban hành nhiều nghị quyết; nghị quyết phải bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, nội dung thiết thực, có giải pháp khả thi và xác định thời gian thực hiện” (*), là sự đổi mới quan trọng trong việc định hướng xây dựng nghị quyết của các tổ chức cơ sở đảng.

Học tập và đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của toàn xã hội. Triển khai, thực hiện nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ chính trị thường xuyên trong hoạt động của các cấp ủy để nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân, tạo sự đồng thuận, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương. Một nghị quyết của Đảng có đi vào cuộc sống đạt hiệu quả cao hay không phụ thuộc rất lớn vào độ thấm nhuần nghị quyết, cùng việc vận động nhân dân và sự nêu gương thực hiện của cán bộ, đảng viên.

Những năm vừa qua, việc triển khai học tập, quán triệt nghị quyết của các tổ chức cơ sở đảng ở một số nơi chất lượng chưa cao, chưa thực sự cụ thể hóa nội dung các nghị quyết vào cuộc sống. Mặt khác, nhiều chi bộ chưa có phương pháp, giải pháp trong tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. Một trong nhiều nguyên nhân là nghị quyết còn quá dài, có phần khó hiểu và chưa xác định rõ thời gian thực hiện. Chính vì vậy, nghị quyết cần “phải bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, nội dung thiết thực, có giải pháp khả thi và xác định thời gian thực hiện” là yêu cầu mới của Trung ương.

Sự “ngắn gọn” của nghị quyết nghĩa là không viết dài dòng, nêu những cái chung chung không cần thiết. “Dễ hiểu” ở đây là khi đọc, nghiên cứu nghị quyết thì các tầng lớp nhân dân ai cũng hiểu, nắm được vấn đề vì nó sát với tình hình thực tế của Đảng, đất nước và địa phương. “Nội dung thiết thực” của nghị quyết thì ai cũng rõ, nghĩa là phải có nội dung cụ thể, liên quan đến tất cả lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân. Về “giải pháp khả thi” của nghị quyết, khi ban hành một nghị quyết mà không có giải pháp thực hiện hay khó khả thi thì hiệu quả không cao. Đặc biệt, lần này Trung ương nhấn mạnh việc “xác định thời gian thực hiện” nghị quyết. Nghĩa là hiệu lực thi hành của nghị quyết trong khoảng thời gian bao lâu, khi nào thì nghị quyết không còn hiệu lực. Đây là điểm mới và rất quan trọng, bởi mỗi năm, một nhiệm kỳ có thể có những sự thay đổi về tình hình trong nước và quốc tế. Vì vậy, cần xác định thời gian thực hiện nghị quyết để cấp ủy bổ sung những điểm mới vào các nghị quyết tiếp theo.

2016 là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; do đó, việc tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết rất quan trọng. Xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện các nội dung nghị quyết cũng phải bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, nội dung thiết thực, có giải pháp khả thi và xác định thời gian thực hiện. Kế hoạch đó phải được cụ thể theo từng tháng, từng quý, từng năm và là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; lấy kết quả làm thước đo đánh giá năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của từng tổ chức cơ sở đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.

(*) Trích nguyên văn thông báo kết luận của Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII)

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu