Thứ 6, 29/03/2024 08:13:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 08:21, 31/08/2016 GMT+7

Đổi mới phương pháp tuyên truyền về biển, đảo

Thứ 4, 31/08/2016 | 08:21:00 179 lượt xem
BP - Nước ta có đường bờ biển dài 3.260km, vùng biển rộng lớn với hàng ngàn đảo lớn nhỏ, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng. Từ hàng ngàn năm nay, biển đảo đã gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong những năm vừa qua, tình hình trên biển Đông, nhất là tại vùng biển đảo Trường Sa và Hoàng Sa ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM

Sự phức tạp của tình hình biển Đông xuất phát từ việc một số nước nêu yêu sách chủ quyền đối với một phần hoặc toàn bộ 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Cụ thể là Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền và đã dùng vũ lực chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa và 7 bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa. Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình. Philippines đóng ở 9 đảo, bãi thuộc quần đảo Trường Sa. Malaysia đóng ở 5 đảo, bãi thuộc quần đảo Trường Sa. Còn Brunei nêu yêu sách đối với một phần vùng biển phía nam của quần đảo Trường Sa. Đặc biệt, yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc với âm mưu độc chiếm biển Đông là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình phức tạp. Cùng với đó, Trung Quốc đẩy mạnh tôn tạo các đá chiếm đóng trái phép, tăng cường hoạt động quân sự... làm cho các nước trên thế giới hết sức lo ngại.

Các nhà báo tham quan tàu buồm Lê Quý Đôn đang  neo đậu tại biển Nha Trang

Trước tình hình phức tạp trên biển Đông, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách kịp thời và kiên quyết, kiên trì giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải quốc gia. Liên quan đến vấn đề biển, đảo, Nhà nước Việt Nam đã ban hành một loạt các văn bản pháp quy liên quan đến quy chế các vùng biển và chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đó là Tuyên bố năm 1977 về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; Tuyên bố năm 1982 về đường cơ sở của Việt Nam; Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật Biển Việt Nam năm 2012 và một số luật, pháp lệnh, nghị định khác. Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, một số công ước đa phương liên quan về giao thông hàng hải, an toàn trên biển và Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN - Trung Quốc về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Trong những năm qua, việc tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo đã được các cơ quan báo chí vào cuộc thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, nhất là từ ngày 2-5-2014 Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vị trí nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam. Tuyên truyền của báo chí đã trở thành một trong những mặt trận hết sức quan trọng về chủ quyền biển, đảo.

ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Ngày 12-7-2016, Tòa Trọng tài quốc tế đã ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Philippines và Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không chấp nhận và phủ quyết các phán quyết của tòa, đồng thời họ vẫn tiếp tục ngang nhiên tăng cường các hoạt động quân sự trên biển Đông và tại hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, làm tình hình biển Đông càng thêm phức tạp. Tại hội nghị tập huấn cho lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo đảng địa phương về công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và hội nhập quốc tế vừa diễn ra tại Nha Trang, lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông, Cục Báo chí cho biết: Tình hình biển Đông diễn biến hết sức phức tạp, nóng bỏng và khó lường; tham vọng bá quyền của nước lớn thể hiện rất rõ bằng việc bồi đắp bãi đá, gia tăng các hoạt động quân sự. Từ tình hình đó, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm vạch trần những âm mưu độc chiếm biển Đông, đồng thời để nhân loại yêu chuộng hòa bình hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Vấn đề biển, đảo đặt ra cho các cơ quan truyền thông nhiệm vụ rất nặng nề. Bởi lẽ, thông tin về biển, đảo trong thời kỳ hiện nay không thể là thông tin khép kín, nhân dân đòi hỏi quyền được tiếp cận thông tin nhanh và chính xác nhất.

Để tiếp tục công tác thông tin tuyên truyền về biển đảo đạt hiệu quả cao, Bộ Thông tin - Truyền thông lưu ý các cơ quan báo chí phải đổi mới phương pháp tuyên truyền; cần kết hợp giữa vấn đề hiện tại với lịch sử, củng cố niềm tin cho nhân dân về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Các cơ quan báo chí, nhất là trên báo điện tử cần mở chuyên mục tuyên truyền về biển, đảo bằng tiếng Anh. Các nhà báo phải có những bài viết sâu sắc, kịp thời, chính xác phản bác lại quan điểm sai trái của kẻ địch.

Hiện nay, Trung Quốc đã và đang huy động bộ máy truyền thông đồ sộ cả trong và ngoài nước để tuyên truyền những tham vọng của họ ở biển Đông. Vì vậy, công tác tuyên truyền về biển, đảo phải được coi như một mặt trận của các cơ quan báo chí. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, thường xuyên, liên tục để phản bác lại những luận điệu sai trái; đồng thời làm cho nhân dân hiểu rõ và củng cố niềm tin vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề biển, đảo.      

Đức Hồng

  • Từ khóa
111258

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu