Thứ 6, 29/03/2024 22:24:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 15:54, 26/09/2019 GMT+7

Đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh trung học

Thứ 5, 26/09/2019 | 15:54:00 3,982 lượt xem
BPO - Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa ban hành Công văn số 3892/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2019-2020. Theo đó, việc thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh trung học được quy định như sau:

Tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả các khâu ra đề, coi, chấm và nhận xét, đánh giá học sinh; đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh. Chú trọng đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh: đánh giá qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video...) về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập, giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh trung học - Ảnh: N.Diệp

Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đề kiểm tra 1 tiết, cuối học kì, cuối năm học theo ma trận và viết câu hỏi phục vụ ma trận đề. Đề kiểm tra bao gồm các câu hỏi, bài tập (tự luận hoặc trắc nghiệm) theo 4 mức độ yêu cầu nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Căn cứ vào mức độ phát triển năng lực của học sinh, giáo viên và nhà trường xác định tỉ lệ các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu trong các bài kiểm tra trên nguyên tắc đảm bảo sự phù hợp với đối tượng học sinh và tăng dần tỉ lệ các câu hỏi, bài tập ở mức độ yêu cầu vận dụng, vận dụng cao.

Kết hợp một cách hợp lí giữa hình thức tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lí thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra; tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn; tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước đối với các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.

Tăng cường tổ chức hoạt động đề xuất và lựa chọn, hoàn thiện các câu hỏi, bài tập kiểm tra theo định hướng phát triển năng lực để bổ sung cho thư viện câu hỏi của nhà trường; xây dựng nguồn học liệu mở (thư viện học liệu) về câu hỏi, bài tập, kế hoạch bài học, tài liệu tham khảo có chất lượng trên trang thông tin điện tử của sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT và các nhà trường. Chỉ đạo cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn về đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Để thay đổi theo hướng tích cực, tiếp tục đổi mới phương thức dạy học và kiểm tra, đánh giá đạt hiệu quả cao ở các trường, cần tập trung cụ thể như sau: Lãnh đạo nhà trường phải gương mẫu đi đầu trong công tác đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Hiệu trưởng phải nâng cao nhận thức về đổi mới cho toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường. Xây dựng kế hoạch đổi mới phù hợp với điều kiện thực tế nhà trường; có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt để tổ chức thực hiện kế hoạch đổi mới, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, giáo viên. Tổ chức kiểm tra, đánh giá ghi nhận kết quả và biểu dương kịp thời những nhân tố tích cực trong quá trình thực hiện. Duy trì và nâng cao chất lượng trao đổi kinh nghiệm công tác giữa các trường trung học trong tỉnh. Tăng cường chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc và đổi mới công tác thi, kiểm tra; tổ chức kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, học kỳ và các kỳ thi một cách nghiêm túc; đánh giá khách quan, công bằng kết quả học tập của học sinh. Đổi mới việc kiểm tra, đánh giá môn học/hoạt động giáo dục theo hướng nêu vấn đề mở, đòi hỏi học sinh phải vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng và biểu đạt chính kiến của bản thân. Đổi mới hình thức kiểm tra theo hướng chấm các dự án nghiên cứu, bài viết, sản phẩm của học sinh....

Giáo viên phải thay đổi, đổi mới phong cách làm việc, nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết với nghề, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong thiết kế bài giảng và xây dựng các chủ đề, dự án dạy học; sử dụng linh hoạt và hiệu quả các phương pháp dạy học. Tập trung dạy cách học, cách tư duy, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng và phát triển năng lực. Đa dạng hóa các hình thức học tập. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa và sân chơi trí tuệ cho học sinh. Học sinh được tích cực, chủ động trong việc lĩnh hội và tiếp thu tri thức; tích cực làm việc với sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo, tự học theo hướng dẫn của giáo viên; tự đánh giá nhận thức của bản thân và bè bạn; trung thực trong học tập...

Sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; đổi mới nội dung sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu nội dung bài giảng, tập trung thảo luận các chuyên đề, nội dung khó của môn học hoặc những phương pháp dạy học, cách thức tổ chức lớp học hiệu quả cho các nội dung đó.

KT

  • Từ khóa
88961

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu