Thứ 7, 20/04/2024 08:55:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:19, 25/09/2014 GMT+7

Đổi mới nhưng còn nhiều bất cập

Thứ 5, 25/09/2014 | 07:19:00 320 lượt xem

BP - Luật Xây dựng đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26-11-2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2004. Sau hơn 10 năm được áp dụng vào thực tế, Luật Xây dựng đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng soạn thảo Luật Xây dựng sửa đổi và Bộ này vừa công bố dự thảo để lấy ý kiến của các cấp, các ngành ở trung ương, địa phương và nhân dân. Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi gồm 10 chương, 150 điều; tăng thêm 1 chương, 27 điều so Luật Xây dựng 2003.

Một trong các nội dung mới trong dự thảo là đã đưa ra các quy định về quản lý dự án phù hợp với loại nguồn vốn sử dụng theo nguyên tắc: Dự án sử dụng các nguồn vốn khác nhau sẽ được quản lý theo các phương thức khác nhau. Và cùng với các quy định nhằm tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng, dự thảo luật đã dành một chương quy định về giấy phép xây dựng. Theo đó, tất cả các công trình đều phải xin cấp giấy phép xây dựng trước khi khởi công, kể cả các công trình thuộc dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà theo quy định hiện hành là đối tượng được miễn giấy phép xây dựng.

Dự thảo luật cũng đã bổ sung cụ thể hơn một số quy định về các trường hợp phải xin cấp giấy phép xây dựng, điều kiện cấp giấy phép xây dựng, giấy phép xây dựng tạm, trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép xây dựng, quyền và nghĩa vụ của người xin cấp giấy phép xây dựng...

Và việc đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về cấp giấy phép xây dựng so với hiện hành là cần thiết. Tuy nhiên, trong dự thảo lại chưa có quy định cụ thể những nguyên tắc riêng về điều kiện, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn, theo công trình, làm rõ quy định cấp giấy phép với từng loại công trình. Đồng thời, trong dự thảo cũng chưa quy định về hậu trách nhiệm của người phê duyệt các công trình cầu đường, thủy điện, nhà cao tầng, chợ... gây ra thảm họa hoặc thiệt hại cho Nhà nước, cho cộng đồng.

Một vấn đề nữa được dư luận đặc biệt quan tâm là việc quản lý quy hoạch, quản lý dự án đầu tư xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và bảo hành chất lượng công trình cần được quy định rõ trong luật. Vì không được quy định trong luật nên thời gian qua, việc điều chỉnh quy hoạch quá dễ dàng ở không ít bộ, ngành và địa phương, cứ mỗi khi thay đổi cán bộ chủ chốt là lại thay đổi quy hoạch và điều này gây lãng phí rất lớn.

Điều bất cập thứ ba là trong dự thảo luật không có quy định cụ thể, rõ ràng về thưởng phạt. Bởi với quy định như dự thảo thì nhà thầu sẽ chỉ có thưởng chứ không có phạt. Ví dụ như dự án A nhà thầu vượt tiến độ về thời gian rồi đề nghị được thưởng và cơ quan có thẩm quyền đã đồng ý. Nhưng sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, công trình có vấn đề về chất lượng thì lại không quy định cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt nhà thầu thi công.

Bên cạnh đó, luật hiện hành quy định mức thưởng không quá 12% phần mà nhà thầu làm lợi cho Nhà nước. Nhưng trong dự thảo luật mới lại quy định mức thưởng 5% trên giá trị hợp đồng. Đây là một con số quá lớn và lớn hơn gấp nhiều lần so quy định hiện hành. Ví dụ công trình có trị giá 10 ngàn tỷ thì mức thưởng 5% sẽ là 500 tỷ đồng. Quy định như vậy không những khó khả thi mà còn có nguy cơ tạo điều kiện cho nhà thầu làm ẩu để được nhận tiền thưởng.

N.V

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu