Thứ 5, 25/04/2024 15:48:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:23, 18/04/2014 GMT+7

Tìm hiểu Nghị quyết Trung ương 8:

Đổi mới giáo dục phổ thông và các trường sư phạm

Thứ 6, 18/04/2014 | 14:23:00 1,540 lượt xem

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới giáo dục là phải thực hiện bằng được việc đổi mới về kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục; đồng thời phải đổi mới giáo dục phổ thông và đổi mới ở các trường sư phạm. Và nghị quyết cũng đã khẳng định, việc đổi mới kiểm tra, thi, đánh giá chất lượng giáo dục được coi là giải pháp đột phá đổi mới giáo dục.

* Đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục:

Theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8, việc thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục sẽ được đổi mới theo hướng: Đổi mới cả nội dung, phương pháp đánh giá (kiểm tra, thi hết môn, thi lên lớp, thi tốt nghiệp). Chuyển từ đánh giá kiến thức mà người học nắm được sang đánh giá việc hình thành năng lực, phẩm chất của người học. Kết hợp chặt chẽ kết quả đánh giá định kỳ của người dạy với kết quả thi, đánh giá của người dạy và tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường và đánh giá của xã hội. Tách bạch đánh giá kết quả học tập của từng học sinh với đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường, địa phương và cả nước.

Bên cạnh đó, giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng trong tuyển sinh theo hướng: Các trường lập phương án tuyển sinh của mình theo hướng dẫn, quy định, trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, để các trường tăng thêm quyền chủ động và đảm bảo công tác tuyển sinh được thực hiện nghiêm túc. Và đổi mới kiểm tra, thi, đánh giá được coi là giải pháp đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam là vì:

Vì sao phải đổi mới đanh giá chất lượng giáo dục? Vì, trong bối cảnh của Việt Nam, khi giáo dục nặng về ứng thí và tâm lí sính bằng cấp khá phổ biến trong xã hội thì công tác kiểm tra, thi, đánh giá có tác động hết sức mạnh mẽ đến việc dạy và học. "Thi gì học nấy" nên đổi mới kiểm tra, thi, đánh giá sẽ có tác động trở lại đến toàn bộ các yếu tố của quá trình dạy và học trong các nhà trường. Đổi mới kiểm tra, thi, đánh giá không đòi hỏi tốn kém nhiều kinh phí.

Bên cạnh đó, hiện trạng công tác kiểm tra, thi, đánh giá của cả hệ thống nước ta còn có nhiều hạn chế, lạc hậu từ mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện đến quy trình, cách thức xử lý, sử dụng kết quả; coi việc đánh giá kết quả học tập chỉ là việc cho điểm các bài thi, bài kiểm tra…; cách tổ chức còn nặng nề, tốn kém… Do đó, để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nhất thiết phải thực hiện ngay việc đổi mới kiểm tra, đánh giá và thi cử.

* Đổi mới giáo dục phổ thông và các trường sư phạm: 

Theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8, việc đổi mới sư phạm lấy đổi mới giáo dục phổ thông làm mục đích, mục tiêu. Đổi mới ở trường sư phạm gắn bó chặt chẽ, hài hòa và đi trước một bước đổi mới giáo dục phổ thông. Đổi mới sư phạm là điều kiện thành công cho đổi mới phổ thông. Ngược lại, đổi mới phổ thông cũng đặt ra yêu cầu, "bài toán" cho đổi mới sư phạm. Mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo trong trường sư phạm sẽ phải thay đổi để việc đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhà giáo thực hiện được tốt chương trình giáo dục phổ thông mới.

Giáo dục phổ thông và đào tạo sư phạm đều đã bắt đầu đổi mới. Ví dụ, việc đổi mới quá trình đào tạo sư phạm theo định hướng phát triển năng lực của giáo sinh, nhất là năng lực giáo dục và nghiệp vụ sư phạm thì không phải chờ đến khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới; hơn nữa, dù chưa có chương trình mới thì phổ thông đã đang đổi mới từng phần, đang đặt ra những yêu cầu cấp bách đổi mới sư phạm. Như vậy, sư phạm và phổ thông phải cùng đổi mới, cùng tạo ra và nhân lên sức mạnh tổng hợp.

* Lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông: 

Nghị quyết đã chỉ rõ, sau khi Trung ương ban hành nghị quyết, tất cả các bộ, ngành, địa phương đều phải xây dựng chương trình hành động để thực hiện. Mốc thời gian sau 2015 là mốc yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Đúng là thời gian còn không nhiều, nhưng từ sau Đại hội Đảng lần thứ XI, ngành giáo dục đã tổ chức triển khai nghiên cứu nhiều vấn đề xung quanh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông từ kinh nghiệm của Việt Nam đến xu thế quốc tế; không những thế còn tiến hành thực hiện vận dụng những tư tưởng, định hướng đổi mới vào thực tiễn dạy học, áp dụng một số mô hình và phương pháp dạy học được coi là tiên tiến, đúng hướng, có hiệu quả vào nhà trường như: Dạy tiếng Việt lớp 1 theo Công nghệ giáo dục. Vận dụng mô hình trường học mới ở tiểu học và đang chuẩn bị mở rộng lên trung học cơ sở. Áp dụng phương pháp dạy học dựa trên sự tìm tòi, trải nghiệm khoa học của học sinh (phương pháp “Bàn tay nặn bột”). Triển khai hướng dẫn và tổ chức thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của học sinh phổ thông...

Thực hiện nội dung của Nghị quyết, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương hoàn thành Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 để trình Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở những việc đã và đang triển khai, sẽ triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các mặt công tác và các điều kiện đảm bảo để thực hiện đề án.

ĐT

  • Từ khóa
11063

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu