Thứ 6, 19/04/2024 09:22:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:41, 13/07/2017 GMT+7

 “Đôi chân” của ngân hàng

Thứ 5, 13/07/2017 | 08:41:00 134 lượt xem
BP - Từ ngày 10-7-2017, lãi suất cho vay ngân hàng được điều chỉnh giảm 0,25%/năm (7,5, 6,5, 4,5% xuống còn 7,25, 6,25, 4,25%) đối với nhóm lãi suất điều hành, giảm 0,5%/năm (8 và 7% xuống còn 7,5 và 6,5%) đối với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ. Đây là nội dung chính trong thông báo của Ngân hàng Nhà nước phát đi chiều 7-7-2017. Đáng chú ý hơn, không chỉ giảm lãi suất cho vay, mà trần lãi suất tiền gửi lại không thay đổi.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc điều chỉnh giảm lãi suất trong hệ thống ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Không khó để hiểu được lý giải của đại diện Ngân hàng Nhà nước. Bởi không doanh nghiệp nào đi vay tiền ngân hàng lại không muốn được giảm lãi suất. Lãi suất giảm sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất - kinh doanh. Hạ giá thành thì thị trường, xã hội, người tiêu dùng và cả nhà nước cũng được lợi vì giá sản phẩm rẻ hơn, sức cạnh tranh cao hơn, nhà nước thu được thuế nhiều hơn... Tóm lại, dường như tất cả mọi phía đều được lợi từ việc giảm lãi suất cho vay. Chỉ có hai đối tượng không được lợi từ việc này, đó là người gửi tiền và các ngân hàng. Tuy nhiên, giảm lãi suất cho vay nhưng không giảm trần lãi suất huy động, đồng nghĩa ngân hàng phải cạnh tranh mạnh hơn để huy động vốn, còn người gửi tiền vẫn có quyền lựa chọn ngân hàng có mức lãi tốt nhất. Bài toán kinh tế này nghe có vẻ lòng vòng, nhưng nếu xem xét chầm chậm thì lại rất đơn giản, dễ hiểu. Nhưng điều khó hiểu trong chuyện này lại không ở bài toán đó.

Còn nhớ cách đây khoảng 5-6 năm, ai đi vay ngân hàng đều phải “le lưỡi” với lãi suất cho vay lúc đó, khi thường dao động quanh mức 20%/năm, có thời điểm ngắn hạn lên tới trên 23%/năm, trung hạn và dài hạn lên tới trên 23,5%/năm. Từ doanh nghiệp đến tiểu thương, công chức, người nghèo đều “chóng mặt” với mức lãi suất ấy. Doanh nghiệp mà vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh thì è cổ làm có khi vẫn không đủ nuôi ngân hàng. Tiểu thương có khi vỡ nợ, công chức và người nghèo thì nghèo thêm nếu vướng vào vay ngân hàng...

Ngân hàng đơn giản là doanh nghiệp kinh doanh tiền. Kinh doanh tiền thì khó đòi hỏi “nhân văn”, “nhân nghĩa” trong đó (trừ ngân hàng đặc thù kiểu ngân hàng chính sách chỉ cho người nghèo vay vốn và hoạt động không vì lợi nhuận), nhưng không phải không có mục tiêu ấy. Bởi ở góc độ nào đó, ngân hàng là trung gian bảo đảm để người dư tiền cho người thiếu tiền vay. Mối quan hệ tay ba này thường phải bảo đảm cho cả ba cùng có lợi mới tồn tại được. Nhưng với mức lãi suất vay “cắt cổ” như 5-6 năm trước, chỉ có ngân hàng và người có tiền gửi là “hốt bạc”. Hệ quả là tạo nên nghịch cảnh người giàu càng giàu thêm, người nghèo càng nghèo đi. Một chút mục tiêu nhân văn của ngân hàng khi đó đã bị “ai đó” lấy mất rồi.

Trở lại quy định mới áp dụng từ ngày 10-7, để đưa ra một mức lãi suất, các chuyên gia tài chính - ngân hàng phải nghiên cứu, tính toán kỹ, từ hàng loạt các chỉ số trong nước đến trên toàn thế giới, rất phức tạp. Chỉ biết rằng, kết quả đơn giản là: Các ngân hàng thương mại không thể “ngồi mát ăn bát vàng” như thời gian vừa qua được nữa, mà phải lao tâm khổ trí giải “bài toán tổng hợp” đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động... thậm chí giảm lợi nhuận để chia sẻ với đất nước, với xã hội. Đó cũng là cách để các ngân hàng của Việt Nam học cách đứng vững hơn trên đôi chân của mình, nâng cao năng lực cạnh tranh với thị trường khác như bất động sản, chứng khoán... hay các ngân hàng, tập đoàn tài chính hàng đầu trên thế giới đã và đang “đổ bộ” vào nước ta!

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu