Thứ 4, 24/04/2024 13:07:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:29, 27/02/2015 GMT+7

Đo nồng độ cồn - giải pháp giảm TNGT

Thứ 6, 27/02/2015 | 08:29:00 182 lượt xem
BP - Năm 2014, Bình Phước giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên cả 3 mặt (số vụ, số người chết và bị thương). Trên cơ sở đó, năm 2015, Ban an toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm giảm TNGT từ 5-10% so với năm 2014. Để đạt được mục tiêu này, Ban ATGT đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc đo và xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Đây được xem là giải pháp quan trọng, then chốt nhằm giảm TNGT.

Chủ phương tiện được phép ngồi trên xe để kiểm tra nồng độ cồn

Đồng loạt ra quân

Theo thống kê của Ban ATGT, có khoảng 40% số vụ TNGT là do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia gây ra. Để hạn chế tình trạng này, Ban ATGT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn.

Trung tá Lâm Văn Long, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh cho biết: Năm nay, lực lượng CSGT áp dụng kinh nghiệm quốc tế trong xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới. Lực lượng làm nhiệm vụ được tập huấn kỹ lưỡng. Tại các chốt kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng CSGT phân làn đường và điều tiết giao thông. Những trường hợp có dấu hiệu sử dụng rượu bia được mời vào làn đường dành riêng để kiểm tra. Tất cả các trường hợp đo nồng độ cồn được phép ngồi trên xe, nếu bị vi phạm thì mời xuống xe để xử lý. Những trường hợp khác được hướng dẫn di chuyển khỏi chốt nhanh, tránh ùn tắc, gây mất an toàn giao thông.

Thượng úy Nguyễn Ngọc Bảo, Phó đội trưởng đội tuần tra kiểm soát giao thông tuyến ĐT741 Công an tỉnh cho biết: Những tháng gần đây, đội tăng cường lập các chốt kiểm tra nồng độ cồn tại các địa bàn trọng điểm, tập trung đông dân cư, nhiều quán ăn uống từ 19 đến 22 giờ. Bởi vào thời điểm này, một số người dân thường sử dụng rượu bia sau một ngày làm việc.

Chế tài đã đủ mạnh    

Theo quy định, người lái xe ôtô sử dụng bia rượu có 3 mức phạt: Có sử dụng rượu bia nhưng chưa đến mức quy định bị xử phạt từ 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1 tháng; nồng độ cồn từ 0,25mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở bị phạt từ 7-8 triệu đồng; nồng độ cồn từ 0,4 miligam/ lít khí thở phạt 10-15 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng. Riêng đối với người điều khiển xe máy có nồng độ cồn từ 0,25mg/1lít khí thở bị xử phạt 500 ngàn đến 1 triệu đồng; quá 0,4mg/1lít khí thở phạt 2-3 triệu đồng.

Sau hai đợt ra quân, lực lượng CSGT toàn tỉnh lập biên bản 457 trường hợp người điều khiển phương tiện cơ giới vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 29 người điều khiển ôtô, 428 điều khiển xe máy. Xử lý 278 trường hợp, phạt tiền hơn 435 triệu đồng, những trường hợp còn lại đang tiếp tục xử lý người điều khiển xe máy nếu vi phạm nồng độ cồn có khung phạt từ 500 ngàn đến 3 triệu đồng; người điều khiển xe ôtô bị phạt từ 2-15 triệu đồng.

Khó khăn mà lực lượng làm nhiệm vụ thường gặp là các đối tượng sử dụng rượu bia. Khi phát hiện chốt kiểm tra thì đi đường vòng để tránh, khi được yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn thì không hợp tác hoặc điện thoại nhờ người giúp đỡ. Một số đối tượng không làm chủ được bản thân có những hành động, lời nói xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ.

Trung tá Lâm Văn Long cho biết thêm: “Chế tài xử phạt nồng độ cồn như hiện nay đã đủ mạnh để răn đe người vi phạm. Những trường hợp sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện đều bị chúng tôi kiên quyết xử phạt nghiêm, giữ phương tiện đúng quy định. Để đối phó với những đối tượng né tránh các chốt kiểm tra nồng độ cồn, chúng tôi bố trí thêm lực lượng tuần tra hóa trang phối hợp tổ công khai để lập biên bản xử lý”.

Thuốc đắng giã tật

Sau cuộc nhậu, anh Đ.V.D trở về nhà trong tình trạng nửa tỉnh nửa say. Khi đi qua quảng trường tỉnh (QL14) thì bị lực lượng CSGT yêu cầu dừng xe để đo nồng độ cồn. Kết quả, anh D có nồng độ cồn 0,43mg/1 lít khí thở và bị phạt 2,5 triệu đồng. Anh D cho biết: Dù được tuyên truyền nhiều về sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông sẽ bị phạt nặng nhưng chưa thấy ai bị xử lý nên không để ý. Sau khi vi phạm và bị phạt tôi vào mạng đọc các quy định mới biết CSGT đã làm đúng. Theo tôi, việc xử lý nặng là liều thuốc đắng giã tật cho những ai còn sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.


Lực lượng cảnh sát giao thông đang đo nồng độ cồn trong hơi thở của người điều khiển ôtô

 Anh Lê Xuân Trung ở Đồng Xoài, làm nghề tự do, khi điều khiển xe máy mà có nồng độ cồn 0,774mg/1 lít khí thở lại không có giấy phép lái xe. Khi biết mình vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, có thể bị xử phạt đến 3 triệu đồng, anh Trung rất lo lắng bởi đây là khoản tiền không hề nhỏ so với thu nhập của gia đình.              

Nhất Sơn

 

  • Từ khóa
51022

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu