Thứ 5, 28/03/2024 19:07:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:32, 28/05/2016 GMT+7

Phải xem đó là tội ác...

Thứ 7, 28/05/2016 | 08:32:00 173 lượt xem

BP - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 sẽ chính thức có hiệu lực (ngày 1-7-2016). Tuy nhiên, do việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và trong sản xuất nông nghiệp hết sức phức tạp, với mức độ ngày càng nghiêm trọng nên dư luận đang quan tâm đến chế tài của luật về xử lý vấn đề này. Dư luận cho rằng phải xem việc sử dụng chất cấm trong sản xuất - kinh doanh là tội ác cần nghiêm trị thích đáng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, qua thanh tra trong năm 2015 có đến 80% tổng số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi bị phát hiện có chất cấm hoặc đã từng sử dụng một loại chất cấm. Trong đó phổ biến là chất tạo nạc và chất vàng O. Đến cuối năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện trên 40 cơ sở sử dụng thức ăn chăn nuôi với trên 100 mã sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, xử lý 18/40 trường hợp sử dụng chất cấm, xử phạt hành chính trên 2,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện các văn bản và chế tài xử lý các sai phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đủ sức răn đe. Các vụ vi phạm về thực phẩm chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính, phạt tiền hay đình chỉ hoạt động sản xuất - kinh doanh từ 1 đến 6 tháng. Vì vậy, người dân mong chờ ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực để xử lý triệt để các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và trong sản xuất nông nghiệp.

Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định khung hình phạt tối đa về tội vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt tù tới 20 năm và bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng. Như vậy, so với Bộ luật Hình sự hiện hành thì tội sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn có thể xử lý hình sự nhưng với phải gây ra hậu quả cụ thể mới đủ căn cứ xử phạt. Nhưng việc xác định hậu quả là rất khó khăn vì chất cấm trong chăn nuôi đưa vào cơ thể người sau một thời gian mới phát bệnh và di truyền qua nhiều thế hệ. Còn theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, chỉ cần cấu thành hình thức, hành vi, dấu hiệu tàng trữ, sử dụng... là đủ căn cứ để xử phạt.

Vì vậy, để tránh thiệt hại cho người sản xuất, chăn nuôi và người tiêu dùng thì công tác tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần nói rõ việc sử dụng chất cấm là một hành vi, tội ác với đồng loại. Những ai đang lén lút sử dụng hay chưa thấu hiểu hết các quy định của pháp luật sẽ nhận thức được hành vi sai trái của mình khi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ngoài ra, người tiêu dùng cần có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng là tẩy chay sản phẩm nông nghiệp có sử dụng chất cấm. Song song với các chế tài xử lý phải đúng quy định pháp luật, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có quy chế khen thưởng người báo tin về các cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Việc khen thưởng này, chúng ta đã thực hiện nhiều năm qua trong công tác phòng chống buôn lậu qua biên giới và đạt được hiệu quả cao. Đây cũng là cách dựa vào tai mắt nhân dân để xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

 Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu