Thứ 6, 29/03/2024 18:25:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:44, 20/03/2019 GMT+7

Đó là một tội ác!

Thứ 4, 20/03/2019 | 08:44:00 167 lượt xem

BP - Trong những ngày qua, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận hàng ngàn phụ huynh đến đăng ký, đưa con đến xét nghiệm sán heo. Trong số 1.500 trẻ ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh làm xét nghiệm, dù chưa có toàn bộ kết quả nhưng hiện đã có đến hơn 130 trẻ dương tính với sán heo. Đây là sự kiện gây chấn động dư luận trong cả nước, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc sử dụng thực phẩm trong các trường học. Trên các diễn đàn dành cho phụ huynh có con học mầm non, tiểu học, chủ đề vệ sinh, an toàn thực phẩm trong bữa ăn bán trú mấy ngày qua đã trở thành đề tài được đặc biệt quan tâm.

Vụ việc được tóm tắt như sau: Từ cuối tháng 2-2019, clip ghi lại hình ảnh món thịt heo nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại Trường mầm non Thanh Khương khiến nhiều người hoảng hốt. Một phụ huynh thấy con bị sốt cao nên đưa đi khám, kết quả cháu bé dương tính với sán heo. Ngay sau đó, 2/3 học sinh của trường này được gia đình đưa đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với sán heo. Ngày 5-3-2019, phát hiện Trường mầm non Thanh Khương sử dụng thịt gà hôi thối nấu ăn cho trẻ, công an địa phương đã lập biên bản, niêm phong toàn bộ số thực phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm. Được biết, đơn vị cung cấp thực phẩm cho Trường mầm non Thanh Khương và nhiều trường khác từ năm 2018 đến nay là Công ty TNHH Hương Thành. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu Sở Y tế báo cáo kết quả xét nghiệm đến các cơ quan chức năng; hướng dẫn, tuyên truyền cho nhân dân về việc phòng chống sán heo; tổ chức xét nghiệm với các học sinh tại Trường mầm non Thanh Khương. Công an tỉnh Bắc Ninh cũng đã vào cuộc để điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Bác sĩ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương cho biết, đối với người trưởng thành, nếu bị nhiễm sán heo thì việc điều trị rất đơn giản, bệnh nhân được bác sĩ kê thuốc uống một lần để tiêu diệt sán. Tuy nhiên, nếu nhiễm ấu trùng sán, việc điều trị sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là sán ký sinh ở da, cơ và não. Chúng có thể tồn tại trong cơ thể người rất lâu. Khi đó, người bệnh sẽ phải điều trị làm nhiều đợt, mỗi đợt thường kéo dài 21 ngày. Trẻ có xét nghiệm dương tính với sán heo sẽ phải làm thêm các xét nghiệm khác để hỗ trợ và xác định bị nhiễm ấu trùng hay sán trưởng thành. Muốn biết ấu trùng sán có ký sinh ở não hay không, người bệnh phải chụp CT hoặc cộng hưởng từ; quá trình điều trị sẽ mất thời gian dài.

Hiện nay, ở hầu hết các trường học, phụ huynh phải đóng toàn bộ chi phí phục vụ bữa ăn bán trú cho con. Thế nhưng họ lại không có quyền quyết định việc lựa chọn hay giám sát đơn vị cung cấp thực phẩm. Rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thì phụ huynh mới biết đơn vị cung cấp thực phẩm chưa được cấp chứng nhận an toàn. Thậm chí có đơn vị không trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm mà nhập hàng trôi nổi từ chợ đầu mối rồi dán mác thực phẩm an toàn để bán cho nhà trường. Từ sự việc xảy ra ở Bắc Ninh, một lần nữa cảnh tỉnh đến các cơ sở giáo dục trên phạm vi cả nước về việc kiểm tra lại quy trình tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Nếu vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bữa ăn học đường không được quan tâm đúng mức thì đó là một tội ác, bởi nó liên quan đến sức khỏe, tính mạng của học sinh.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu