Thứ 4, 24/04/2024 18:44:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:10, 13/06/2013 GMT+7

Đìu hiu bưu điện văn hóa xã

Thứ 5, 13/06/2013 | 10:10:00 549 lượt xem

Trong tổng số 59 điểm bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh hiện đã có hơn một nửa ngưng hoạt động. Trong khi đó Bộ Thông tin - Truyền thông tiếp tục khẳng định bưu điện văn hóa xã là thiết chế quan trọng; là nơi tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là tiêu chí thứ 8 trong 19 tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ thực trạng của bưu điện văn hóa xã hiện nay, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có sự đầu tư về công nghệ cũng như thay đổi về phương thức kinh doanh để phát huy tính năng của bưu điện văn hóa xã trong giai đoạn mới.

THỰC TRẠNG

8 giờ sáng nhưng các cửa phòng của Bưu điện văn hóa xã Tân Phước (Đồng Phú) đều im ỉm khóa. Nhìn qua ô cửa kính, những buồng gọi điện thoại đã không còn máy. Thay vào đó là mạng nhện bám đầy các ô cửa. Các hộ dân sống gần đó cho biết, từ lâu họ đã không còn thấy nhân viên bưu điện văn hóa đến. Theo Chủ tịch UBND xã Tân Phước, những năm trước, người dân còn đến bưu điện văn hóa để gọi điện thoại hoặc gửi, nhận thư, báo. Nhưng hiện nay không ai đến nữa. Tổng số thuê bao điện thoại bàn trên địa bàn xã cũng giảm từ 250 xuống dưới 100 máy. Phần lớn người dân sử dụng điện thoại di động nên bưu điện văn hóa xã không còn phát huy tác dụng. Chính vì thế, việc bưu điện văn hóa xã có đóng cửa hay không cũng không mấy ảnh hưởng đến thông tin liên lạc của người dân.

bưu điện văn hóa xã
Bưu điện văn hóa xã Tân Phước không biết đóng cửa từ bao giờ

Còn Bưu điện văn hóa xã Đồng Tâm (Đồng Phú) thì cỏ dại đã bao quanh căn nhà. Khách đến liên hệ công việc phải nhìn thật lâu mới đọc được hàng chữ “bưu điện văn hóa xã” đã ố màu. Chỉ cần nhìn vào bảng hiệu, ai cũng biết từ lâu bưu điện không được đầu tư sửa chữa. Theo anh Trần Hoàng Khải, nhân viên bưu điện cho biết, chuyện người dân đến bưu điện gọi điện thoại từ lâu đã không còn. Tủ sách pháp luật cũng không thấy ai đến đọc nên bưu điện phải cất dọn.

Trưởng bưu cục xã Đức Liễu -  Trần Thị Sương nói: Bưu cục xã Đức Liễu (Bù Đăng) mỗi ngày có khoảng 10 lượt người đến liên hệ gửi tiền hoặc bưu phẩm. Có khi cả tuần mới thấy một người đến. Lý do thật đơn giản, đó là sự lạc hậu trong đầu tư công nghệ trước sự phát triển của xã hội.

Theo ông Nguyễn Thế Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Đức Liễu, khái niệm bưu điện văn hóa xã mới dừng lại ở ngành dọc, chỉ có bưu điện mới biết, còn xã thì không thấy văn hóa đâu. Đại diện lãnh đạo UBND xã Minh Hưng (Bù Đăng), ông Bùi Văn Thuận cũng có chung nhận định này.

Bưu điện là một trong 19 tiêu chí của chương trình nông thôn mới cần phải đạt từ nay đến năm 2015. Thế nhưng hầu hết các điểm bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh hiện nay đều trong tình trạng đìu hiu. Toàn tỉnh hiện có 181 điểm phục vụ bưu chính, trong đó có 59 điểm bưu điện văn hóa xã, 28 bưu cục và 92 thùng thư công cộng. Trong số 59 bưu điện văn hóa xã hiện chỉ còn 24 điểm hoạt động, 35 điểm phải đóng cửa do không tìm được người thay thế. Còn những thùng thư công cộng hoặc capin gọi điện thoại ở trong tình trạng tê liệt hoàn toàn. Theo ông Lê Minh Quang, Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông, hệ thống hoạt động của bưu điện văn hóa xã hiện rất hạn chế. Thiết bị công nghệ đầu tư đã lạc hậu, doanh thu không đạt dẫn đến lương của nhân viên không đủ sống. Vì vậy, nhiều điểm bưu điện văn hóa xã phải ngưng hoạt động do không có người thay thế.

GIẢI PHÁP NÀO CHO BƯU ĐIỆN VĂN HÓA XÃ?

Anh Trần Khải Hoàng, nhân viên Bưu điện văn hóa xã Đồng Tâm đến nay đã có 10 năm gắn bó với nghề. Thế nhưng mức lương hiện tại của anh chỉ vỏn vẹn 600 ngàn đồng/tháng. Để đảm bảo cuộc sống, anh tự đầu tư máy photo để kiếm thêm thu nhập. Còn chị Trần Thị Sương, Trưởng bưu cục xã Đức Liễu gần 8 năm trong nghề nhưng mức lương hiện tại cũng chỉ 2,4 triệu đồng/tháng. Từ nhân viên bưu điện cấp xã cho đến bưu điện cấp huyện hiện đều phải kiêm thêm nhiều dịch vụ để kiếm sống như bán vé máy bay, bánh trung thu, cung cấp quà Noel cho trẻ, bán bảo hiểm xe máy...

Nguyên nhân làm cho khách hàng xa dần bưu điện chính là cung cách phục vụ đã quá lạc hậu. Thư không ai gửi. Tiền gửi qua bưu điện chậm, cước phí lại cao hơn ngân hàng. Hàng bưu phẩm, bưu kiện không thể cạnh tranh với các hãng lữ hành hoặc Công ty Bưu chính Viettel. Bán vé máy bay, bán bảo hiểm hay thu hộ doanh nghiệp cũng khó linh động và cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân. Do vậy nhân viên có làm nhiều nghề trong bưu điện thì mức thu nhập vẫn không tăng bao nhiêu.

Theo các nhân viên bưu điện văn hóa xã, để đảm bảo được mức thu nhập, lãnh đạo ngành bưu điện phải có nhiều phương cách đổi mới trong kinh doanh. Thay vì chờ khách đến gọi điện, chúng ta có thể đầu tư máy tính, nâng cấp đường truyền internet tốc độ cao để thu hút người dân đến bưu điện. Đặc biệt là việc trang bị các thư viện điện tử trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp để người dân tự tìm đến học hỏi. Trẻ em cũng nhờ đó mà có thêm kiến thức. Thầy cô giáo cũng dễ dàng cập nhật thông tin trước khi lên lớp.

Để đảm bảo hoàn thành tiến độ xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2015, xã Đức Liễu đã quy hoạch đầu tư 327 triệu đồng cho chương trình nâng cao hạ tầng bưu chính - viễn thông trên địa bàn xã. Đức Liễu có 10 thôn nhưng hiện còn 4 thôn chưa có đường truyền internet đến trung tâm, nhưng với kinh phí hiện tại thì chính quyền địa phương không thể làm được. “Muốn có đường truyền tốc độ cao, muốn đưa thông tin khoa học - kỹ thuật nông nghiệp đến với nông dân thì ngành bưu điện phải chủ động kết hợp với chính quyền địa phương để trả lại bưu điện văn hóa xã đúng theo nghĩa của nó”, Phó chủ tịch UBND xã Đức Liễu kiến nghị.    

 Đông Kiểm

  • Từ khóa
45449

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu