Thứ 4, 17/04/2024 06:22:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:10, 09/03/2017 GMT+7

Bù Đăng đẩy lùi uốn ván sơ sinh vùng DTTS

Thứ 5, 09/03/2017 | 08:10:00 523 lượt xem
BP - Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tiêm chủng nói chung và tiêm ngừa uốn ván rốn trong thai kỳ (VAT) nói riêng, từ năm 2012 đến nay, hằng năm huyện Bù Đăng tổ chức chiến dịch tiêm VAT cho phụ nữ có thai là người Mơnông và S’tiêng. Nhờ sự nỗ lực của đội ngũ y tế cơ sở, đến nay tỷ lệ tiêm VAT của phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đã tăng cao, góp phần hạn chế tỷ lệ tử vong do uốn ván sơ sinh.

Bà Lê Thị Thúy, nhân viên y tế thôn 4, xã Bình Minh (bìa phải) tuyên truyền, vận động phụ nữ DTTS mang thai tiêm ngừa VATBà Lê Thị Thúy, nhân viên y tế thôn 4, xã Bình Minh (bìa phải) tuyên truyền, vận động phụ nữ DTTS mang thai tiêm ngừa VAT

Giúp người dân thay đổi nhận thức

Tôi theo bà Lê Thị Thúy, nhân viên y tế thôn 4, xã Bình Minh cùng đi nắm tình hình chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ tại thôn. Bà Thúy hồ hởi khoe: Giờ vận động chị em dễ nhiều rồi. Năm 2000, khi tới nhà vận động chị em không tiếp, có người trốn. Kiên trì đến lần thứ 2, thứ 3 họ không trốn mà đuổi. Khi chị em đã bắt đầu biết đến khám thai thì chỉ “siêu âm cho biết trai hay gái” chứ không tiêm VAT vì sợ đau. Có đợt, bác sĩ về phải năn nỉ họ tiêm và tự bỏ tiền hỗ trợ chi phí bồi dưỡng họ mới chịu.

Nhờ thường xuyên thăm hỏi, hướng dẫn bà con sắp xếp công việc gia đình nên bà Thúy dần được chị em quý mến, tin tưởng. Mỗi đợt chiến dịch bà Thúy đều tự dùng xe cá nhân chở chị em đến trạm y tế, hay cùng nhân viên y tế đến tận nhà. Từ chỗ “phải có quyền lợi, sợ đau, có người chở” mới đi, đến nay phụ nữ S’tiêng, Mơnông đã hiểu về lợi ích của tiêm ngừa VAT nên đa số tự nguyện đến trạm y tế xã khám thai định kỳ, tiêm VAT, hạn chế sinh tại nhà. Chị Thị Lê (SN1998) cho biết: Năm ngoái tôi sinh con đầu nhưng không may bé mất. Nay tôi có thai được 7 tháng, đã chích một mũi VAT. Từ ngày có thai, tôi được cô Thúy thường xuyên đến nhắc nhở chăm sóc sức khỏe sinh sản nên đi khám thai đầy đủ. Ở gần nhà chị Lê, chị Thị Bách cũng đang mang thai tháng thứ 4, kể: Tôi có thai đứa đầu không đi tiêm VAT do chồng vắng nhà và sợ đau. Nhưng lần này tôi nghe cô Thúy vận động nên đi tiêm, vì thấy có mấy trường hợp “không may” nên rất sợ.

Từ năm 2014 đến nay, tỷ lệ phụ nữ DTTS ở xã Bình Minh tham gia tiêm chủng nói chung và VAT nói riêng tăng khá cao. Bà Thúy cho biết, chị em nhận thức tiến bộ, hợp tác nên bà rất vui, muốn gắn bó với công việc vì thấy việc làm của mình có ích cho xã hội.

Đẩy lùi bệnh uốn ván sơ sinh

Bác sĩ Bùi Công Quyền, Trưởng trạm y tế xã Bình Minh cho biết: “Những năm trước, uốn ván sơ sinh là một trong 5 tai biến sản khoa phổ biến trong phụ nữ DTTS. Trung bình cứ 10 phụ nữ DTTS mang thai thì có đến 8 người không tiêm VAT. Những trường hợp uốn ván sơ sinh đều do không tiêm ngừa, một số chị em sinh tại nhà, dùng lưỡi lam cũ, dao, tre nứa.. cắt rốn nên gây nhiễm trùng uốn ván”.  

Xã Bình Minh có khoảng hơn 20% số dân là đồng bào DTTS. Đa số kinh tế khó khăn, nhận thức về kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng còn nhiều hạn chế. Năm 2010, 1 ca uốn ván sơ sinh tử vong đã cảnh tỉnh bà con, đồng thời cũng thôi thúc những người làm công tác y tế cơ sở tìm cách giúp nhân dân loại bỏ hủ tục. Bác sĩ Quyền nói: Chúng tôi lên kế hoạch phối hợp với các ban, ngành, già làng, người uy tín cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tiêm ngừa đầy đủ, đặc biệt là tiêm VAT. Thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số, y tế thôn, bản nhiệt tình, tâm huyết đến từng nhà vận động chị em tham gia tiêm ngừa. Những trường hợp không hợp tác, chúng tôi đến tận nhà vận động, sót ca nào theo dõi sát ca đó và yêu cầu sinh tại trạm. Từ kết quả tích cực của các chiến dịch dân số - kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng VAT cho phụ nữ Mơnông, S’tiêng hằng năm đã góp phần đẩy lùi uốn ván sơ sinh trên địa bàn xã.

Bác sĩ Lê Hữu Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng chia sẻ: Trước đây, mỗi năm Bù Đăng có từ 1-2 ca uốn ván sơ sinh, riêng năm 2010 có đến 4 ca. Các trường hợp này đều là người Mơnông và S’tiêng, không tiêm VAT và sinh tại nhà. Nhận định ban đầu do nhận thức bà con hạn chế, việc quản lý thai còn bất cập nên từ năm 2010, hằng năm chúng tôi tổ chức chiến dịch tiêm chủng VAT cho phụ nữ mang thai là đồng bào Mơnông, S’tiêng. Chiến dịch được triển khai 3 vòng vào tháng các 3, 4, 10 hằng năm. Nhờ được tổ chức thực hiện tốt nên đến nay, huyện Bù Đăng cơ bản đã đẩy lùi được uốn ván sơ sinh.

Tuy nhiên để duy trì, nâng cao tỷ lệ và hiệu quả tiêm VAT, tiến tới loại trừ uốn ván sơ sinh, thời gian tới Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng đề nghị các trạm y tế xã tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của tiêm VAT trong phòng ngừa uốn ván sơ sinh để phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhận thức và hợp tác tốt. Nữ hộ sinh trạm y tế phối hợp chặt chẽ với nhân viên phụ trách tiêm chủng để tránh bỏ sót đối tượng. Trạm y tế tham mưu chính quyền cơ sở tăng cường sự phối hợp của các ngành, đoàn thể để đa dạng hóa các kênh thông tin giúp bà con nâng cao nhận thức về tiêm chủng mở rộng nói chung và tiêm VAT nói riêng.

P.Dung

  • Từ khóa
58244

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu