Thứ 7, 20/04/2024 03:47:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:54, 26/03/2014 GMT+7

Điều tra qua thư bạn đọc

Vì sao người dân ấp Sóc Quả phải làm đơn tố cáo?

Thứ 4, 26/03/2014 | 07:54:00 366 lượt xem

Đường điện hơn 1 tỷ đồng được xây dựng từ 100% tiền do nhân dân đóng góp, mỗi hộ 11 hoặc 12 triệu đồng, trong đó có hàng chục hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, niềm vui có điện chưa được bao lâu, người dân nghèo ấp Sóc Quả đã “đau như cắt” khi phải ôm đơn đi tố cáo vì có sự khuất tất về tài chính đến hàng trăm triệu đồng và công trình xây dựng không đúng thiết kế. Đặc biệt, “đứa con” từ mồ hôi và nước mắt của dân Sóc Quả đã được hoàn tất các bước để đem “bán” - đấu nối để kéo điện với một đường dây mới, mà không có ý kiến của họ.

Ngoài số tiền đóng theo quy định, để kéo dây từ trụ chính về nhà, mỗi gia đình phải bỏ thêm vài triệu đồng, có gia đình phải bỏ thêm 59 triệu đồng. Nhiều hộ không có tiền đã phải đi vay lãi và đến nay vẫn chưa trả hết nợ.
 

NIỀM VUI NGẮN CHẲNG TÀY GANG

Đầu tháng 3, chúng tôi trở lại ấp Sóc Quả, xã Tân Hưng (Hớn Quản). Khác với trước, giờ đây người dân Sóc Quả đang sống “hiện đại” hơn. Trời xế chiều, ánh điện từ những ngôi nhà hai bên đường bắt đầu tỏa sáng làm cho không gian sống động hơn. Chị Ngụy Thị Thu Thảo ở tổ 1 cho biết: Từ khi có điện, chúng tôi không xài bình ắc-quy nữa, tivi màu thay cho tivi trắng đen. Nhiều nhà còn sắm thêm máy giặt, tủ lạnh, máy bơm nước và một số máy móc phục vụ sản xuất... Cuộc sống của chúng tôi thay đổi hẳn từ khi có điện hơn một năm qua!

​Anh Đinh Văn Thân cho biết: Những trụ điện của ấp Vườn Ươm chờ dựng lên rồi kéo dây và đấu nối vào đường điện ấp Sóc Quả

Tuy nhiên, khi biết có nhà báo về tìm hiểu bức xúc của người dân liên quan đến đường điện, vợ chồng chị Thảo cũng như hàng chục người dân Sóc Quả đã kéo đến rất đông “có ý kiến”. Trong số đó, nhiều người đã viết đơn tố cáo thu chi tài chính không minh bạch, có dấu hiệu khuất tất hàng trăm triệu đồng.

Ông Bùi Đình Tư, ở tổ 7 cùng một số người dân Sóc Quả đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng với 9 nội dung cần làm rõ, như: Tài chính công khai không rõ ràng. Tiền thu của hơn 50 hộ tham gia sau không có trong báo cáo. Nội dung quyết toán công trình không công khai. Công trình không đảm bảo đúng kỹ thuật... Và bức xúc nhất là tổ điện đã đi vận động thu 20 triệu đồng/hộ ở khu Vườn Ươm để kéo đường dây chuẩn bị đấu nối qua đường dây điện của ấp Sóc Quả, mà không họp dân, không có ý kiến của nhân dân ấp Sóc Quả.

Anh Đinh Văn Thân - một trong những người sát sao trong suốt quá trình làm đường điện cho biết: Đường điện là sự mỏi mòn chờ đợi và phải bỏ ra số tiền rất lớn đối với chúng tôi. Vì thế chúng tôi theo sát từng cây cột. Khi nghi ngờ “có vấn đề về tài chính”, tìm hiểu kỹ chúng tôi cũng phát hiện hầu hết các cây cột đều làm không đúng thiết kế. Theo hợp đồng, các cột điện đều được đổ móng trụ, nhưng thực tế chỉ có một vài trụ ở ngã ba, đường rẽ... mới đổ móng trụ, còn lại không có móng trụ. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, có kết luận chính xác về vấn đề này.

Đường dây điện ở Sóc Quả đã đưa vào sử dụng.  Song song là những trụ điện ở Vườn Ươm đã hoàn thành và… chờ đấu nối vào đường dây của Sóc Quả

Ông Đào Đức Kế, ở tổ 7, cho biết: Gia đình tôi ngoài 11 triệu đồng đóng cho tổ điện, còn bỏ thêm 59 triệu đồng kéo điện từ trụ chính về nhà. Chúng tôi rất mong tổ điện công khai tài chính, nếu còn dư thì trả lại cho dân. Nếu đấu nối đường dây cho khu Vườn Ươm vào đường dây của Sóc Quả, phải có ý kiến của cơ quan chuyên môn xem đường dây có bảo đảm hay không. Đặc biệt, phải có ý kiến của nhân dân ấp Sóc Quả - vì đây là đường điện được làm từ 100% vốn của chúng tôi đóng góp!

Bên cạnh lý do bảo đảm chất lượng điện theo đúng thiết kế, bức xúc trước việc tài sản của mình “bị tổ điện đem đi bán cho người khác”, tất cả các hộ dân được hỏi đều khẳng định không chấp nhận cho đấu nối đường điện Sóc Quả với bất kỳ đường dây nào khác.


HÀNG TRĂM TRIỆU ĐỒNG CỦA DÂN ĐANG Ở ĐÂU?

Bản công khai quyết toán tài chính của tổ điện nêu: Tổng số tiền thu được 1,5238 tỷ đồng. Trong đó, thu 1,298 tỷ đồng từ 118 hộ x 11 triệu đồng, 60 triệu đồng từ 5 hộ x 12 triệu đồng, 131,5 triệu đồng từ 22 hộ mới đóng được ½ số tiền, tiền lãi 2 tháng là 14,5 triệu đồng, 19,8 triệu đồng của 132 hộ ủng hộ 150 ngàn đồng/hộ hỗ trợ chi phí đi lại cho thành viên tổ điện. Như vậy, tổng cộng có 145 hộ đóng tiền kéo đường điện với số tiền 1,298 tỷ đồng + 60 triệu đồng + 131,5 triệu đồng + 119,5 triệu đồng = 1,609 tỷ đồng.

Số tiền đã chi là 1,4963 tỷ đồng. Trong đó, chi đường điện 1,154 tỷ đồng, chi tiền trả lại cho dân 2 đợt tổng cộng 250 triệu đồng, chi phí giao dịch ăn uống 81,41 triệu đồng, sửa đường điện + ăn uống + phát hành lang 10,4 triệu đồng.

Số tiền còn lại là 27,475 triệu đồng. Ngoài ra, còn 119,5 triệu đồng tiền thiếu của 22 hộ chưa thu được.

Tuy nhiên, hợp đồng giữa Công ty TNHH MTV TM-DV-SX tổng hợp Đông Dương cũng như kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công - dự toán của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hớn Quản cho thấy, tiền thi công chỉ là 1,062 tỷ đồng (ít hơn so báo cáo công khai chi 92 triệu đồng).

Đặc biệt, khi làm đơn tố cáo, ông Tư và một số hộ dân đã đi kiểm đếm toàn bộ số hộ và số tiền phải đóng kéo điện từ đường dây của Sóc Quả. Trong thống kê gửi cho Báo Bình Phước, cho thấy có tổng cộng 157 hộ tham gia đường điện. Trong đó có 139 hộ đóng 11 triệu đồng, 18 hộ đóng 12 triệu đồng, tổng cộng tương đương 1,745 tỷ đồng và hiện chỉ còn 5 hộ nợ ½ số tiền phải đóng 12 triệu đồng.

Nếu đúng theo con số kiểm đếm này, chỉ riêng khoản thu chính theo khung quy định (chưa tính tiền lãi ngân hàng và tiền hỗ trợ đi lại cho thành viên tổ điện) tổng số tiền tổ điện đã thu của dân lên tới hơn 1,7 tỷ đồng.

Ông Tư cũng như nhiều hộ dân ở Sóc Quả đặt vấn đề: Như vậy, chưa tính một số khoản chi thấy cao hơn so ước tính, đến nay vẫn còn hơn 200 triệu đồng tổ điện đang “ém đi” chưa công khai (và cho dù trừ đi khoản 22 hộ dân còn thiếu 119,5 triệu đồng, vẫn còn hơn 100 triệu đồng chưa biết đã “đi đâu”).
 

CƠ QUAN CHỨC NĂNG NÓI GÌ?

Ông Nguyễn Hữu Sơn, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết: Đường điện ở Sóc Quả do dân đóng góp 100%. Dân lập tổ điện do ông Phạm Quang Sáu, Trưởng ấp Sóc Quả làm tổ trưởng. Sau khi hoàn thành thì một số hộ dân ở khu vực Vườn Ươm (cùng ấp) cũng có nhu cầu kéo điện. Ông Sáu tiếp tục được bầu làm tổ trưởng tổ điện Vườn Ươm. Khi nhân dân Vườn Ươm đóng được 600 triệu đồng thì xã có tờ trình xin UBND huyện hỗ trợ 300 triệu đồng và giao cho UBND xã làm chủ đầu tư. Sự việc bắt đầu rắc rối khi đường dây điện của Vườn Ươm đã làm xong, chuẩn bị đấu nối vào đường dây của Sóc Quả, nhưng không xin ý kiến của nhân dân Sóc Quả. Sau sự việc đó, nhân dân Sóc Quả không tin tưởng vào cách làm của tổ điện.

Trao đổi về vấn đề không minh bạch trong thu - chi xây dựng đường điện ở Sóc Quả, ông Sơn cho biết: “Sự việc đến nay vẫn chưa rõ ràng, đoàn xác minh của xã đã đi xác minh nội dung tố cáo. Trong thời gian sớm nhất UBND xã sẽ có báo cáo kết quả cho nhân dân biết. Nếu có chuyện bớt xén tiền của dân thì trong thẩm quyền xã sẽ xử lý nghiêm cá nhân liên quan, còn không thì xác minh trả lại danh dự cho người bị tố cáo”.

Dư luận đang rất mong sớm có trả lời chính thức của cơ quan chức năng về những khuất tất ở đường điện Sóc Quả.                    

 Trần Phương

  • Từ khóa
94868

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu