Thứ 4, 24/04/2024 05:14:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:38, 27/03/2015 GMT+7

Điểu Thị Huyền Tâm - Cô giáo Mơnông hết lòng vì học trò

Thứ 6, 27/03/2015 | 08:38:00 199 lượt xem
BP - Năng động, sáng tạo, luôn tâm huyết với công việc giảng dạy và phong trào đoàn là điều dễ thấy ở cô giáo trẻ người dân tộc Mơnông Điểu Thị Huyền Tâm, giáo viên dạy Văn, Trường THPT Đắk Ơ, xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập).


Cô giáo Huyền Tâm (áo sẫm) dạy kỹ năng công tác đoàn cho học sinh trong giờ ngoại khóa

Tốt nghiệp Đại học sư phạm Cần Thơ, năm 2012 cô Huyền Tâm được phân công về giảng dạy tại Trường THPT Đắk Ơ - một trường thuộc vùng sâu, xa của tỉnh. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Huyền Tâm đã nhận thấy sự thiệt thòi của học sinh vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, Tâm chọn học ngành sư phạm với mong muốn góp phần mang cái chữ về thôn ấp cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số.

Dành tấm lòng cho học sinh DTTS

Trường THPT Đắk Ơ có hơn 500 học sinh, khoảng 35% tỷ lệ con em dân tộc thiểu số. Những năm trước, việc học của các em ít được quan tâm. Hầu hết các gia đình còn khó khăn nên xem kiếm ăn, làm rẫy quan trọng hơn nhiều so với chuyện học, thêm vào đó hủ tục của đồng bào cũng khiến việc giảng dạy gặp không ít trở ngại. Với lợi thế là cô giáo người dân tộc, Huyền Tâm quyết thay đổi những suy nghĩ của mọi người về tầm quan trọng của việc học. Cô bám trường, bám lớp, cùng nhiều thầy cô có kinh nghiệm vận động phụ huynh cho con em đến lớp. Trên bục giảng, cô giáo trẻ Huyền Tâm không ngừng trau dồi kiến thức, nghiệp vụ sư phạm để mỗi giờ lên lớp luôn tạo hứng thú học tập cho học sinh. Huyền Tâm bộc bạch: “Tôi về trường này vì cũng là người dân tộc thiểu số, nghĩ mọi người sẽ cần đến mình. Tôi có lợi thế là dễ gần gũi các em hơn, giúp các em học tập tiến bộ, thêm gắn bó với trường, lớp”.

Trăn trở “Làm sao để học sinh nghèo không phải bỏ học?”, cô giáo Huyền Tâm đã xây dựng kế hoạch nuôi heo đất giúp bạn đến trường được Ban chấp hành Đoàn trường triển khai, Ban giám hiệu và học sinh đồng tình ủng hộ. Theo đó, mỗi lớp có một chú heo đất, tùy điều kiện khả năng của từng thành viên, từng lớp chứ không đề ra chỉ tiêu cao thấp. Với giáo viên trong trường, cô đề xuất mỗi thầy cô đóng góp 10 ngàn đồng/tháng để nuôi heo trợ giúp kịp thời cho những học sinh khó khăn. Bên cạnh đó, cô Tâm nhận thấy, vào đầu năm học phải nắm rõ hoàn cảnh gia đình, khả năng tiếp thu của từng học sinh để có hướng giúp đỡ những em nghèo, bồi dưỡng học sinh yếu, khuyến khích học sinh khá, giỏi và luôn tạo tâm lý vui vẻ, thoải mái khi các em học tập.

Cán bộ đoàn năng động

Ngoài vai trò giáo viên tận tụy, Huyền Tâm còn là một cán bộ đoàn năng động. Cô tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa bổ ích nhằm giúp học sinh - đoàn viên và thầy cô giáo trẻ trong trường hòa vào môi trường tập thể. Cô còn hướng dẫn cho học sinh những kỹ năng sống có ích, trò chơi tập thể để các em thêm đoàn kết, biết chia sẻ và sinh hoạt nhóm cùng nhau tiến bộ hơn. Từ đó thêm động lực, chăm chỉ học hành hơn. Vào mỗi giờ giải lao, bản tin phát thanh học đường do cô phụ trách luôn thu hút sự quan tâm của học sinh trong trường.

Tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nhưng cô giáo Điểu Thị Huyền Tâm luôn được Ban giám hiệu, giáo viên Trường THPT Đắk Ơ đánh giá cao. Hiệu trưởng Lê Văn Tự cho biết: “Huyền Tâm là giáo viên mẫu mực, có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với nghề, luôn trau dồi đạo đức, nhân cách nhà giáo. Không chỉ học sinh, phụ huynh tin yêu mà cô còn là tấm gương mẫu mực cho học sinh, đoàn viên trong trường”.

Là giáo viên dạy môn Ngữ văn, Huyền Tâm quan niệm: “Văn học là nhân học. Qua bài giảng, tôi cố gắng trau dồi đạo đức tư cách cho học sinh, giúp các em dần hoàn thiện nhân cách của con người trong thời đại mới. Giáo viên không chỉ đơn thuần là người giảng dạy kiến thức mà còn phải uốn nắn nhân cách cho học sinh. Giáo viên giỏi phải biết thông qua giáo dục mà đánh thức tiềm năng, khơi dậy và phát triển nội lực trong mỗi học sinh”.           

Hưng Cát – Tấn Thành

 

  • Từ khóa
84982

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu