Thứ 6, 29/03/2024 00:16:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 10:39, 17/07/2013 GMT+7

Điều kiện hưởng chế độ nhiễm chất độc hóa học

Thứ 4, 17/07/2013 | 10:39:00 6,947 lượt xem

Hỏi: Điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người được hưởng chế độ chính sách nhiễm chất độc hóa học trong kháng chiến như thế nào?

Trả lời: Căn cứ Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 54/2006/NÐ-CP ngày 26-5-2006 của Chính phủ, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là "người được cơ quan có thẩm quyền công nhận đã tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học, bị mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động, sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh do hậu quả của chất độc hóa học". Vùng được xác định nhiễm chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là các địa phương từ Nam vĩ tuyến 17 trở vào, địa bàn chiến trường C (Lào), chiến trường K (Campuchia). Những bệnh được xem xét lập hồ sơ là một trong 17 loại bệnh nằm trong danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/diôxin do Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 09/2008/QÐ-BYT ngày 20-2-2008.

Về trình tự lập hồ sơ hưởng chế độ chính sách: Theo quy định tại Thông tư số 08/2009/TT-BLÐTBXH ngày 7-4-2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), người hoạt động kháng chiến lập bản khai cá nhân (theo mẫu) và cung cấp giấy tờ chứng minh là người có thời gian tham gia hoạt động kháng chiến ở vùng bị nhiễm chất độc hóa học như: lý lịch, quyết định phục viên, xuất ngũ, giấy xác nhận hoạt động ở chiến trường; giấy chuyển thương, chuyển viện; giấy điều trị; Huân chương, Huy chương chiến sĩ giải phóng hoặc giấy tờ khác liên quan đến hoạt động ở chiến trường. Về giấy tờ chứng nhận tình trạng bệnh, tật (có trong danh mục quy định), tùy trường hợp, người hoạt động kháng chiến cần cung cấp giấy xác nhận của cơ sở y tế có bệnh nằm trong danh mục quy định, hoặc sổ điều trị bệnh để làm căn cứ giới thiệu đến Hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố hoặc xác nhận về tình trạng vô sinh, xác nhận tình trạng con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị dị dạng, dị tật của UBND cấp xã. Ngoài ra, hồ sơ hoàn chỉnh còn có các loại giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền lập như: Biên bản họp và đề nghị của Hội đồng xác nhận người có công cấp xã; Giấy xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do chủ tịch UBND quận, huyện cấp.

Sau khi nhận được hồ sơ từ phòng LÐ-TB&XH quận, huyện, sở LÐ-TB&XH kiểm tra và giới thiệu người hoạt động kháng chiến đến giám định tại Hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố. Căn cứ kết quả giám định có bệnh trong danh mục quy định, sở LÐ-TB&XH chuyển hồ sơ này cùng kết quả giám định về lại phòng LÐ-TB&XH đề nghị chủ tịch UBND quận, huyện cấp giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học để ra quyết định giải quyết trợ cấp.

LG

  • Từ khóa
21569

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu