Thứ 7, 20/04/2024 22:39:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 11:43, 14/02/2016 GMT+7

Điệu chèo trên quê hương Bình Phước

Chủ nhật, 14/02/2016 | 11:43:00 676 lượt xem
BP - “Ăn no rồi lại nằm khoèo Nghe giục trống chèo vỗ bụng đi xem Chẳng thèm ăn chả ăn nem Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo”.

Dàn nhạc của Câu lạc bộ chèo Minh Lập

Những câu thơ này không biết có từ bao giờ nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Khi người ta không còn phải chạy ăn từng bữa - “đã no cơm tẻ” thì phần tinh thần “thèm xem hát chèo” được quan tâm hơn. Chính vì vậy trên quê hương thứ hai, khi đời sống vật chất ổn định, tâm hồn những người dân quê Thái Bình hướng về một loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo của quê hương là hát chèo. Sự góp mặt của chèo trên đất Bình Phước như một nốt nhạc hòa vào bản nhạc văn hóa dân gian truyền thống. Lời chèo đã đưa những con người cùng xứ sở gần nhau hơn, cùng bảo tồn nét văn hóa đa thanh, đa sắc của dân tộc Việt Nam.

Nơi hội tụ những người đam mê hát chèo

3 giờ chiều thứ sáu, tôi có mặt tại buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ chèo Hội Người cao tuổi xã Minh Lập, huyện Chơn Thành. Địa điểm là nhà của Phó chủ nhiệm Phạm Thị Muộn. Tại đây, thành viên câu lạc bộ có mặt gần như đông đủ. Cụ Muộn đang biểu diễn điệu chèo “Đường trường thu không”. Năm nay 67 tuổi nhưng sự nhanh nhẹn trong biểu diễn và chất giọng trong trẻo khiến người xem ngỡ cụ mới 60. Dứt bài, cụ đến bên tôi chuyện trò thân mật. Bất kỳ ai cũng có thể bước ra hát, không cần thứ tự, không cần giới thiệu. Người hát chỉ nói với dàn nhạc công làn điệu sắp thể hiện là... vào bài. Sự tự nhiên đó là đặc trưng của loại hình sân khấu dân gian này.

Không khí buổi sinh hoạt của câu lạc bộ là sự hòa quyện giữa lời ca và âm thanh của đạo cụ. Trong 10 cụ bà đang sinh hoạt tại đây có đến 6 cụ thể hiện tốt các làn điệu. Chèo là nghệ thuật tổng hợp nên cũng phong phú về làn điệu. Song trên đất Bình Phước, chỉ có một số làn điệu phổ biến được hát trong tổng số hơn 200 điệu. Cụ Muộn đã từng đi hát lúc còn ở quê nên thông thuộc khá nhiều điệu như: đào liễu, tò vò, lới lơ, vỉa, nhịp bưởi, con nhện giăng mùng, sắp qua cầu, sa lệch chênh, đường trường bán thước, chúc cẩm hội văn, đường trường thu không... và một số vai hề. Không chỉ hát tốt mà sự chuyển tải nội dung bản nhạc trên gương mặt, ánh mắt, bước đi của cụ làm người xem như đang thấy sông, thấy bạn tình, thấy quê hương thay đổi trước mắt. Sự cách điệu này khiến chèo luôn có sức sống bền bỉ cùng thời gian.

12 cụ ông trong dàn nhạc cũng có nhiều người hát hay, song vì thiếu người chơi nhạc nên các cụ đành nhường sự uyển chuyển, lới lơ trong lời ca, điệu diễn cho các cụ bà. Các cụ sinh hoạt trong Câu lạc bộ chèo Minh Lập chủ yếu là người Thái Bình - cái nôi truyền thống của hát chèo. Chính vì cùng suy nghĩ muốn duy trì bản sắc văn hóa quê hương nên câu lạc bộ chèo mới ra đời. 10 năm trước khi đời sống ổn định, con cái khôn lớn, những người con của quê chèo đã nghĩ đến việc bồi đắp tâm hồn để sống vui, sống khỏe. Trải qua những năm dài tháng rộng, có người còn ở lại sống với niềm đam mê nhưng cũng có người không thể tiếp tục gắn bó. Tuy vậy, đến thời điểm này, hội chèo ở Minh Lập được đánh giá là giữ được hồn cốt của chèo gốc vì có một dàn nhạc công biết sử dụng tương đối đầy đủ các loại nhạc cụ như trống cây, trống con, sáo, hồ, nhị, liếu, mõ, đàn ghi ta. Và điều đặc biệt là một người biết chơi nhiều loại nhạc cụ. Cụ Đặng Quốc Văn, thành viên câu lạc bộ, biết chơi đàn cò từ năm lên 7 tuổi. Đến nay, cụ chơi thông thạo các nhạc cụ cho một bài chèo.

Những đôi vợ chồng hát chèo

Ngoài khiếu hát, để thể hiện được một bài chèo cần tập luyện dài ngày. Và để hát được chèo phải có quá trình thẩm thấu các làn điệu. Vợ chồng cụ Phạm Văn Hoan - Phạm Thị Mai (câu lạc bộ xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài) từ khi nghỉ hưu là đến với chèo. Lúc đầu để thuộc lời một bài mất cả tuần, sau đó xem băng đĩa nghệ sĩ biểu diễn để biết làn điệu. Khi làn điệu hòa với lời hát thì thời gian đong đếm đã tròn tháng. Song với những người đã đến tuổi hưởng phúc cùng con cháu điều đó không quan trọng, chỉ cốt tìm thấy niềm vui trong tâm hồn. Hai cụ cứ như thế luyện tập với nhau đến nay cũng đã hơn 3 năm. Thường trong các lần giao lưu hai cụ hát cùng nhau nhưng cũng có khi cụ Hoan bắt cặp với người khác hát. Đa số những bài chèo các cụ thể hiện là bài ca lẻ vì đơn giản, không cần dàn dựng.

Những bài ca lẻ trong chèo vươn tới mọi ngóc ngách của đời sống. Trong đó, ca ngợi quê hương đất nước như bài Đất nước anh hùng - điệu đào liễu; ca ngợi Đảng, Bác Hồ như bài Thăm vườn xưa nhớ Bác - điệu tò vò; ca ngợi các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước như bài Hát về Tổ quốc hôm nay... Bên cạnh những chủ đề mang tính chính trị, bài ca lẻ trong chèo còn diễn tả rất thành công tình cảm của người hậu phương với tiền tuyến, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, công cha nghĩa mẹ như bài Mẹ ngồi khâu áo đêm nay - điệu vỉa, tình thầy trò, bè bạn...

Như những thành viên khác ở Câu lạc bộ chèo Minh Lập, cụ Phạm Thị Thu Hiền cũng gặp khó khăn khi tự học hát qua băng đĩa. Cụ Hiền cho biết, điệu tò vò khó hát nhất bởi khó vào hơi. Ở độ tuổi lục, thất thập, lấy và giữ hơi khi hát không còn dễ. Cũng may bạn diễn của cụ Hiền là người ăn chung mâm, ở chung nhà nên phần nào khó có cụ ông đỡ. Vợ chồng cụ là “cây hát” chủ đạo trong câu lạc bộ.

Chồng đàn, vợ hát là cặp đôi cụ Phạm Văn Sửu - Phạm Thị Tâm. Từ khi vào sinh hoạt trong Câu lạc bộ chèo Minh Lập, cụ Tâm như trẻ hơn. “Vui lắm nên mỗi tuần chỉ chờ đến chiều thứ sáu và thứ bảy để được hát. Chúng tôi hát để thấy mình vẫn còn trẻ, diễn để thấy mình vẫn còn khỏe. Hát chèo như một bài tập dưỡng sinh. Con cháu thấy mình sống vui, sống khỏe thì ủng hộ. Số trái cây này là con tôi mua đem đến đây mời các cụ ăn lúc giải lao” - cụ Tâm chia sẻ.

Cống hiến cho nghệ thuật

Có người nhiều tuổi, người ít tuổi hơn nhưng khi hướng dẫn, cụ Muộn cứ “mắng” nếu ai đó múa sai nhịp. Nhìn các cụ luyện tập không thể nghĩ là người cao tuổi vì uyển chuyển, mềm mại và... chịu khó học hỏi. Để hoàn thành một bài múa cho 8 người, cụ Muộn dùng giấy bút vạch từng vị trí, cách di chuyển, động tác đều được đánh dấu trên giấy. Ngoài bỏ công, cụ còn bỏ của làm một chái nhà rộng chỉ dành phục vụ sinh hoạt câu lạc bộ. Mê chèo nên cụ Hoan đã làm sân khấu trong khuôn viên nhà mình. Một không gian rộng được đầu tư hơn 300 triệu đồng, có đủ bàn ghế phục vụ buổi giao lưu của trên 10 câu lạc bộ chèo. Và mỗi năm tại nhà cụ ít nhất diễn ra hai đợt như thế.

Cơ duyên của tôi là được gặp anh Nguyễn Văn Mởn, một nghệ nhân hát chèo người Thái Bình. Chỉ mới đến đất Bình Phước hơn 5 tháng nay, vậy mà anh đã có “sô” đi biên đạo cho Câu lạc bộ chèo Đồng Phú một trích đoạn Lưu Bình - Dương Lễ của tác giả Hàn Thế Du. Với trích đoạn chèo cổ này, anh “thủ” một vai trong số 5 nhân vật. Điều đáng nói, anh đang làm việc cho một công ty tư nhân tại xã Tân Thành, anh nói:“nhận lời mời biên đạo chỉ vì đam mê chèo quá”.

Như gặp được người tri âm nên những am hiểu về loại hình nghệ thuật này cứ thế anh “tuôn ra”. Song trong nhiều điều anh nói, tôi dừng lại suy nghĩ về một vấn đề là hát chèo chỉ có ở hội người cao tuổi. Trong số người tôi biết, trẻ nhất cũng ngoài 40 và lớn nhất là cụ Bùi Thị Nhớn (75 tuổi) ở xã Tân Thành. Vậy là chỉ có những người cao tuổi đang giữ gìn nét văn hóa phi vật thể này. Dần dà các cụ về với tổ tiên thì tiếng chèo trên đất Bình Phước cũng như nước trôi qua cầu. Nhưng mong sao những suy nghĩ đó không là hiện thực trong tương lai để tiếng chèo thôn Đông, thôn Đoài còn mãi với thời gian.  

 Hồng Cúc

  • Từ khóa
91791

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu