Thứ 6, 19/04/2024 08:39:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 11:25, 25/01/2020 GMT+7

Điện về “thắp sáng” tương lai

Minh Luận
Thứ 7, 25/01/2020 | 11:25:00 299 lượt xem
BPO - “Sinh ra và lớn lên ở đây, chứng kiến bao đổi thay, nhưng đến nay tôi mới được tận hưởng cuộc sống khi có lưới điện quốc gia, được dùng điện để nấu cơm, có quạt điện làm mát những buổi trưa nóng bức. Điện về có nước tưới cây trồng; tụi nhỏ không còn phải học bài dưới ngọn đèn dầu leo lét; thanh niên, người già có phương tiện nghe nhìn, thỏa niềm đam mê ca hát...” - ông Điểu Dứ, Trưởng ấp 4, xã An Khương (Hớn Quản) chia sẻ khi được sử dụng lưới điện quốc gia.

Không chỉ thắp sáng từng căn nhà, mỗi tuyến đường quê, điện về còn góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

THỎA NIỀM ƯỚC MƠ

Những ngày cuối năm, chúng tôi đến một số thôn, ấp vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh vừa được đầu tư lưới điện quốc gia. Thời gian được đầu tư lưới điện chưa nhiều, nhưng hầu hết các thôn, ấp này đều có sự thay đổi rõ rệt về cơ sở hạ tầng, chất lượng cuộc sống, trình độ hiểu biết và khả năng ứng dụng khoa học, kỹ thuật, máy móc vào sản xuất.

Giám đốc Điện lực Đồng Phú Nguyễn Trần Trí Linh trực tiếp chỉ đạo tại công trình đưa điện lưới về ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng (Đồng Phú)

Ấp Đồng Tân, xã Tân Hòa (Đồng Phú) cách trung tâm xã gần 7km, hàng chục năm qua, người dân ở đây vẫn “làm bạn” với ngọn đèn dầu leo lét. Vài hộ có điều kiện thì dùng bình ắc-quy, điện năng lượng mặt trời để thắp sáng. Ông Đỗ Khắc Trượng, Trưởng ấp Đồng Tân, cho biết: Ấp có 150 hộ dân, đa số là đồng bào dân tộc Tày, Nùng từ phía Bắc vào lập nghiệp. Địa bàn ấp cách trung tâm xã không xa, nhưng đi lại khó khăn, dân cư sinh sống rải rác theo vườn rẫy nên việc xây dựng lưới điện gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2016 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn, chương trình, dự án khác nhau, Đồng Tân đã được đầu tư lưới điện quốc gia phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân trong vùng. Điển hình là công trình vừa xây dựng trong tháng 5-2019 với chiều dài 1.132m đường dây trung thế, 1.667m hạ thế trị giá hơn 900 triệu đồng, đã góp phần nâng tổng hộ dân trong ấp được sử dụng điện lên 110 hộ. Ông Trượng nhớ lại, khi chưa có điện, không lắp được hệ thống loa truyền thanh. Mọi hoạt động thông tin liên lạc, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tới người dân rất khó khăn. Cán bộ ấp phải đi từng nhà để truyền đạt thông tin. Khổ nhất là những đứa trẻ vừa học bài vừa lo đèn cạn dầu, hết pin...

Năm 2019, Công ty Điện lực Bình Phước triển khai thi công 37 công trình gồm 50,8km đường dây trung thế, 79,09km hạ thế đưa điện về các thôn, ấp vùng sâu, xa trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư 71 tỷ đồng. Đồng thời sửa chữa lớn 31 công trình với tổng vốn đầu tư 43,2 tỷ đồng. Đến nay, 111 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có lưới điện quốc gia; 256.919/260.079 hộ được sử dụng điện, đạt 98,78%, trong đó, số hộ dân nông thôn có điện sử dụng đạt 98,45%.

Ấp 4, xã An Khương có 90% số dân là đồng bào dân tộc S’tiêng. Từ ấp 4 ra trung tâm xã chỉ hơn 3km nhưng hàng chục năm qua, người dân nơi đây vẫn phải dùng đèn dầu thắp sáng, không phương tiện nghe nhìn... Ông Điểu Dứ, Trưởng ấp 4 cho biết: “Trước đây, khi chưa có điện, cuộc sống người dân rất buồn tẻ. Những chiếc đài sử dụng pin là phương tiện thông tin chủ yếu kết nối người dân trong ấp với bên ngoài. Việc học hành của tụi trẻ đôi khi cũng bị bỏ quên vì thiếu ánh sáng...”.

Tháng 12-2018, ấp 4, xã An Khương được đầu tư 594m đường dây trung thế, 887m hạ thế. Chị Thị Dớt, người dân trong ấp nói: “Ngày thi công đường điện, ai cũng vui mừng phấn khởi. Có điện, đêm đến nhà nào cũng rực rỡ ánh đèn. Nhà nhà mua tivi, tủ lạnh, quạt máy, khoan giếng... Có điện, cuộc sống người dân thực sự bước sang trang mới, no ấm và tốt đẹp hơn”.

ĐIỆN VỀ “THẮP SÁNG” TƯƠNG LAI

Những ngày này về ấp 4, xã An Khương sẽ thấy được sự thay da đổi thịt của vùng đất và con người nơi đây. Cái khó, cái nghèo đang dần được đẩy lùi nhờ những chính sách hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn, nhất là chương trình đầu tư lưới điện nông thôn. Có lưới điện quốc gia, đường vào ấp đã được thảm nhựa. Hai bên đường, nhiều ngôi nhà xây kiên cố đang mọc lên. Trong ấp bắt đầu có một số xưởng chế biến gỗ, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ hoạt động, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhờ có điện, khu định canh, định cư ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng (Đồng Phú) được tặng công trình thanh niên “Thắp sáng đường quê”

Trưởng ấp 4 Điểu Dứ cho biết thêm, năm 2004, một số hộ dân trong ấp tự kéo điện từ ấp 6 qua nhưng điện yếu chỉ dùng để thắp sáng. Đường điện không an toàn, thường xuyên bị chập, đứt dây vào những ngày mưa gió. Mọi việc từ chà lúa, tưới nước cho cây tiêu, người dân đều phải dùng máy nổ nên rất tốn kém, khổ nhất là thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Khắc phục tình trạng này, từ khi có điện, trong ấp đã có hơn chục hộ dân khoan giếng. Nhờ vậy, người dân không phải lo đi xin hay mua từng can nước về dùng mà chi phí lại ít tốn kém hơn.

Tháng 9-2016, công trình đưa lưới điện quốc gia về ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng (Đồng Phú) được khởi công xây dựng. Sau hơn 1 tháng, công trình có chiều dài 6.878m trung thế và 6.021m hạ thế đã hoàn thành, cấp điện cho 116 hộ dân trong ấp. “Có điện, cuộc sống người dân thay đổi hẳn. Việc học hành của mấy đứa trẻ cũng bớt phần khó khăn, các cháu không còn phải học trong điều kiện thiếu ánh sáng. Nhờ có điện, tháng 5-2019, Chi đoàn Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết và dịch vụ tổng hợp Bình Phước phối hợp Chi đoàn Điện lực Đồng Phú đã xây lắp, tặng nhân dân khu định canh, định cư ấp Pa Pếch công trình đèn đường dài 500m với 15 bóng đèn, góp phần tạo thuận lợi cho việc lưu thông vào ban đêm của người dân” - ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng ấp Pa Pếch chia sẻ.

“Trước đây, dùng bình ắc-quy hoặc kéo điện nhờ từ ấp khác sang để thắp sáng, gia đình tôi phải chi từ 300-400 ngàn đồng/tháng, nay dùng điện lưới quốc gia, mỗi tháng chỉ tốn từ 130-150 ngàn đồng. Điều quan trọng là từ khi có điện, có phương tiện nghe nhìn, người dân được tiếp cận thông tin, khoa học, kỹ thuật, có cơ hội được học hỏi, áp dụng những cách làm hay, qua đó thay đổi cuộc sống của gia đình”.

 Ông Điểu DỨ,
Trưởng ấp 4, xã An Khương (Hớn Quản)

Điện, đường, trường, trạm là 4 yếu tố được tập trung đầu tư để phát triển hạ tầng nông thôn. Trong đó, điện được xem là yếu tố quan trọng nhất, bởi có điện mới có thể tiếp nhận được nhiều thông tin, mở rộng kiến thức, giải trí... Vì vậy, ngay sau khi có điện lưới, ông Đỗ Khắc Trượng, Trưởng ấp Đồng Tân cũng như ông Điểu Dứ đã trang bị cho gia đình một chiếc tivi màn hình phẳng. Hằng ngày, các ông đều dành thời gian xem chương trình thời sự, cập nhật, nắm bắt tin tức, kiến thức mới để tuyên truyền cho người dân. Có điện, có internet, các ông cũng không phải đi từng nhà để thông báo mỗi khi ban ấp có công việc cần phổ biến...

Ông Vũ Văn Thành, Phó giám đốc Điện lực Hớn Quản, cho biết: Trong 2 năm (2018-2019), Điện lực Hớn Quản đã đầu tư gần 12 tỷ đồng đưa lưới điện quốc gia về các thôn, ấp vùng sâu, xa của huyện với tổng chiều dài gần 40km đường dây trung, hạ áp và 28 trạm biến áp. Đến nay, 98,68% hộ dân trên địa bàn huyện đã được sử dụng lưới điện quốc gia. Dự kiến năm 2020, Điện lực Hớn Quản sẽ tiếp tục đầu tư 29,83km điện trung thế, 19,2km hạ thế, 30 trạm biến áp cho các vùng nông thôn của huyện với tổng kinh phí khoảng 6,2 tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Điện về đã làm bừng sáng những ngôi nhà, những vùng quê hẻo lánh và từng bước nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, giúp người dân mở mang kiến thức. Theo dòng điện, mỗi mùa xuân đến, người dân vùng khó lại thêm phần “ấm áp hơn” cả về vật chất lẫn tinh thần.

  • Từ khóa
45358

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu