Thứ 3, 23/04/2024 16:57:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:18, 22/11/2017 GMT+7

Diện mạo mới ở Trường THCS Nguyễn Trãi

Thứ 4, 22/11/2017 | 06:18:00 1,187 lượt xem
BP - Nhằm giảm tỷ lệ bỏ học và nâng cao chất lượng đại trà để duy trì bền vững tỷ lệ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn, những năm qua, Trường THCS Nguyễn Trãi (xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập) đã có nhiều nỗ lực trong triển khai, ứng dụng hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, góp phần hoàn thành tiêu chí nông thôn mới ở xã nghèo.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên tận tâm với nghề

Đức Hạnh không có điều kiện thuận lợi để đầu tư nhiều cho giáo dục. Vì thế, Ban giám hiệu trường luôn động viên các thầy, cô giáo sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học để học sinh yêu thích, các giờ học đạt hiệu quả cao. Năm học 2016-2017, toàn trường có 974 tiết học sử dụng đồ dùng học tập, vận dụng công nghệ thông tin giúp tăng hiệu quả tiếp thu kiến thức và thực hành của học sinh.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi trong giờ kiểm tra

Thầy Trần Quang Tường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết: Trường chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có tư tưởng chính trị vững vàng, trình độ lý luận tốt, phẩm chất đạo đức trong sáng, chuẩn mực sư phạm, có lòng vị tha, nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ, tương trợ, hợp tác. Bên cạnh đó, không ngừng học tập để nâng cao trình độ, tự học, sáng tạo, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Nhiều năm trở lại đây, Ban giám hiệu trường hỗ trợ, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ với nhiều hình thức. Sự nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu, đổi mới phương pháp đã tác động trực tiếp đến công tác dạy học tại trường. Hàng chục sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên có tính ứng dụng cao vào thực tiễn đã tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động dạy và học. Trường tổ chức các hội thi nghiệp vụ, hội giảng, tham gia dự giờ, tổ chức viết sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học, phong trào thi đua dạy tốt triển khai sâu rộng đến các tổ bộ môn để tạo không khí thi đua, không ngừng sáng tạo trong giáo viên. Thông qua đó, đội ngũ giáo viên nhà trường có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm, tự trau dồi và nâng cao kỹ năng, phương pháp giảng dạy. Các buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ, nhóm được triển khai thường xuyên nhằm cập nhật nội dung, phương pháp mới, thảo luận và xây dựng những chuyên đề phục vụ giảng dạy có hiệu quả. Việc xây dựng đội ngũ có sự hài hòa giữa giáo viên lâu năm nhiều kinh nghiệm và lực lượng giáo viên trẻ giàu sức sáng tạo.

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất

Trường THCS Nguyễn Trãi luôn triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên... nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhà trường còn xây dựng các phòng bộ môn như thể chất, vi tính với 17 máy, thí nghiệm, thư viện... được đầu tư trang thiết bị hiện đại, cơ bản đáp ứng nhu cầu của giáo viên, học sinh.

Năm 2017, được hưởng lợi từ chương trình xây dựng nông thôn mới, Trường THCS Nguyễn Trãi được xây 4 phòng chức năng với kinh phí đầu tư 1 tỷ đồng. Hiện đã làm xong phần thô, đang hoàn thiện công trình, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11. Trường còn được sửa chữa hệ thống thoát nước và làm sân bê tông với kinh phí 350 triệu đồng, hiện đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Khuôn viên trường được đầu tư sân bê tông và trồng cây xanh góp phần tạo không gian thoáng mát cho giáo viên, học sinh thư giãn sau những giờ lên lớp.

Gắn kết giữa nhà trường - gia đình và xã hội

Mỗi dịp chuẩn bị cho năm học mới, lãnh đạo xã Đức Hạnh và thầy, cô giáo phải phối hợp với hội, đoàn thể, già làng “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để vận động học sinh đến lớp; vận động nhà hảo tâm tặng sách vở, quần áo, học bổng tạo điều kiện cho các em được đến trường. Dù vậy, tỷ lệ học sinh bỏ học của Trường THCS Nguyễn Trãi vẫn cao, từ 4-6%. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, trường đã tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh, nhằm giảm tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số bỏ học. Những học sinh có nguy cơ bỏ học cao, giáo viên phải đến tận nhà vận động. Sau 3 lần vận động không được thì giáo viên có biên bản để nhà trường báo cáo UBND xã. Những gia đình có con nghỉ học sẽ không được công nhận gia đình văn hóa. Năm học 2016-2017, trường giảm còn 2% học sinh bỏ học. Tỷ lệ học sinh lên lớp năm học 2016-2017 của trường đạt 95%; vươn lên top 10 trường THCS có học sinh thi đậu vào Trường THPT chuyên Quang Trung. Đây cũng là năm học Đức Hạnh đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS (trên địa bàn xã có duy nhất 1 trường THCS).

Ở vùng nông thôn, từ độ tuổi học THCS các em trở thành lao động tạo thu nhập cho gia đình, nhất là vào mùa vụ. Hơn nữa, nhiều em lớn tuổi hơn so với bạn cùng lớp, khả năng tiếp nhận kiến thức chậm hơn nên dễ sinh tự ti. Điều đó khiến việc vận động các em bám lớp càng khó khăn hơn gấp nhiều lần. Từ thực tế đó, vào cuối mỗi năm học, trường thường phối hợp với giáo viên chuyên trách chống mù chữ, phổ cập giáo dục nắm danh sách, phân loại học sinh để tổ chức ôn tập hệ thống lại kiến thức. Từ đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT, bổ túc, học nghề đạt 99%, góp phần đạt tiêu chí giáo dục trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Đức Hạnh.

Mai Ly

  • Từ khóa
87313

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu