Thứ 7, 20/04/2024 22:29:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 07:28, 13/04/2016 GMT+7

Điện ảnh đưa mọi người đến gần hơn với biển, đảo

Thứ 4, 13/04/2016 | 07:28:00 189 lượt xem
BP - Trong những năm qua, công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo tiếp tục được đặc biệt chú trọng. Không chỉ ở lĩnh vực báo chí, văn, thơ, họa, nhạc… mà lĩnh vực điện ảnh cũng đã và đang có sự phát triển mạnh mẽ. Nhiều bộ phim trước đây cũng như mới ra đời đã đáp ứng nhu cầu của khán giả, đồng thời khơi dậy tinh thần trách nhiệm, lòng tự hào và đưa biển, đảo đến gần mọi người hơn. Mỗi bộ phim là một câu chuyện với nhiều cách thể hiện, những luận cứ, luận chứng, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phim về biển, đảo mà đặc biệt là phim tài liệu những năm trước khá phong phú, là các bộ phim quý giá về biển đảo Việt Nam. Những bộ phim đó đến nay khi được chiếu lại trên sóng truyền hình vẫn còn mang những giá trị và tính thời sự. Điển hình là bộ phim “Đầu sóng ngọn gió” của cố đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Ngọc Quỳnh. Phim nói về cuộc sống, chiến đấu, nghề chài lưới của người dân trên một hòn đảo. Họ là những con người gan góc, dạn dày, không lùi bước trước mọi khó khăn. “Đảo Lý Sơn” (đạo diễn Công Thành Đức) là bộ phim về những người dân chất phác, bám biển xây dựng quê hương. Bên cạnh đó, phim cũng nêu những mất mát trong quá trình mưu sinh, giữ biển của ngư dân. Bộ phim “André Menras - một người Việt” là câu chuyện về ông André Menras, người Pháp mang quốc tịch Việt Nam với cái tên Hồ Cương Quyết. Ông rất gắn bó với Việt Nam, nhất là vùng biển miền Trung và những người dân ở đảo Lý Sơn. Phim “Biển của người Việt” (đạo diễn Đào Thanh Tùng) là những bằng chứng, căn cứ lịch sử, người thật, việc thật để chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đặc biệt, những thước phim “Trường Sa tháng 4-1988” của cố nghệ sĩ nhân dân Lê Mạnh Thích để lại ấn tượng mạnh với người xem. Ngay sau khi Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma, 64 chiến sĩ anh dũng hy sinh trên biển Đông, đạo diễn Lê Mạnh Thích cùng đoàn phóng viên từ đất liền ra đảo. Ông đã ghi lại cuộc sống những người lính chiến đấu trên con tàu HQ505 lịch sử và những chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn ngày đêm đối mặt sóng gió, cướp biển để giữ gìn biển, đảo. 

Năm 2015, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh trình chiếu bộ phim tài liệu “Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời” (5 tập). Bộ phim thể hiện quá trình thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, đảo trên biển Đông, (trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa) từ các triều đại phong kiến thông qua những chứng cứ lịch sử trong nước cũng như nguồn tư liệu tại nhiều nước trên thế giới. Bộ phim khẳng định, dân tộc Việt Nam thực sự làm chủ Hoàng Sa và Trường Sa đầu tiên, từ quá trình chiếm hữu và là người chủ biển đảo hợp pháp qua các vương triều phong kiến; cho đến việc thực thi và bảo vệ chủ quyền của các nhà nước kế tục ở Việt Nam trong thời hiện đại. Mới đây nhất, phim tài liệu “Bọt biển và sóng ngầm” của tác giả kịch bản và đạo diễn Nông Thanh Vân (4 tập) đã được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng trên kênh VTV1. Ý nghĩa xuyên suốt của phim “Bọt biển và sóng ngầm” mang tính bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam, khắc họa những yếu tố cốt lõi tạo nên lãnh thổ, vùng biển, vùng trời và chủ quyền của dân tộc từ thuở bình minh của lịch sử. Được biết, “Bọt biển và sóng ngầm” phần 2 đang trong giai đoạn hoàn tất và sẽ trình chiếu phục vụ khán giả thời gian tới.(*)

Phim về chủ đề biển đảo của Tổ quốc vẫn đang không ngừng phát triển. Tất cả bộ phim ấy đều rất ấn tượng, với những câu chuyện, hình ảnh, chủ đề, tư tưởng... tập trung nêu cao trách nhiệm, khơi dậy lòng tự hào của nhân dân ta về biển, đảo yêu thương. Những thước phim về biển đảo Việt Nam còn mang giá trị tinh thần, ý chí của người lính canh giữ biển, đảo. Các bộ phim đó đã đưa đến công chúng những kiến thức về biển, để mọi người hiểu, trân trọng các giá trị, nguồn lợi mà biển đem lại; đồng thời chia sẻ những khó khăn, mất mát, đau thương trong quá trình bảo vệ chủ quyền đất nước. Từ đó, điện ảnh đã xây dựng được ý thức trong mỗi người dân Việt Nam về bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Năm 2014, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố 10 kỷ lục về biển đảo Việt Nam. Trong đó, kỷ lục thứ 7 công nhận đạo diễn thực hiện nhiều phim tư liệu và phim truyện có nội dung về biển, đảo Việt Nam, nhất là Nguyễn Văn Lượng (sinh năm 1957). Ông đã thực hiện 221 bộ phim về đề tài đất nước, con người miền biển, đảo Việt Nam; trong đó có các thể loại phim truyện, phim tài liệu, phim phóng sự... 

 Đức Hồng
 (*) Bài viết có tham khảo tài liệu Cục Điện ảnh Việt Nam (cucdienanh.vn)

  • Từ khóa
111243

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu