Thứ 4, 24/04/2024 09:19:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:07, 20/08/2019 GMT+7

Điểm tựa của những mảnh đời bất hạnh

Thứ 3, 20/08/2019 | 07:07:00 297 lượt xem
BP - Không lấy chồng nhưng bà Trịnh Thị Kim Loan (52 tuổi) ở khu phố 3, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài lại có tới 3 người con cả trai lẫn gái. Bà nhận nuôi các con từ khi mới lọt lòng, người lớn nhất vừa lập gia đình, nhỏ nhất mới 8 tháng tuổi. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng có điểm chung là đều bị cha mẹ bỏ rơi, được bà đón nhận bằng tất cả tình yêu thương và tấm lòng nhân hậu của mình.

Chúng tôi gặp bà Loan tại bếp cơm tình thương Bệnh viện đa khoa tỉnh - nơi bà đã gắn bó 19 năm để làm thiện nguyện, nấu cơm phát cho bệnh nhân nghèo. Cũng tại nơi này, bà đã nhận nuôi 3 đứa trẻ, đứa thì mẹ bị bệnh tâm thần bỏ con bơ vơ sau khi chết; đứa bị bỏ rơi trong vườn cao su khi vừa lọt lòng mẹ, chưa kịp cắt dây rốn...

 Ươm mầm sự sống

Cha mẹ mất sớm, bà Loan ở với anh chị em ruột tại tỉnh Bình Dương. Sau biến cố anh trai mất năm 1995, bà thường xuyên lên chùa tụng kinh, một lòng hướng thiện. Khi Bệnh viện đa khoa tỉnh xây xong được 1 tháng cũng là thời điểm bếp cơm tình thương bắt đầu hoạt động, bà quyết định chọn nơi đây để gắn bó phần đời còn lại với công việc thiện nguyện.

Cả 3 đứa trẻ bà Loan nhận nuôi, mỗi đứa một hoàn cảnh và đến với bà như một cái duyên. Bà kể: “Làm việc tại bếp cơm tình thương được 1 tháng, tôi gặp người mẹ bị bệnh tâm thần lại mắc nhiều bệnh rất nặng điều trị tại bệnh viện thời gian dài nhưng không có tiền, không người thân. Chị có đứa con gái chừng 3 tuổi không người chăm sóc. Thấy hoàn cảnh chị đáng thương nên tôi quyết định đưa đứa trẻ về bếp cơm tình thương nuôi, đợi khi mẹ bé khỏe sẽ giao lại. Bé ở với tôi được 1 năm thì mẹ bé mất, tôi làm thủ tục nhận bé làm con nuôi và đặt tên là Trịnh Kim Ngọc. Khi nhận nuôi bé Ngọc, tôi mới 20 tuổi và cũng chẳng nghĩ nhiều vì bé đến với mình là cái duyên nên dang tay đón nhận. Bé Ngọc lớn lên cùng tôi tại bếp cơm tình thương với tình yêu thương và vòng tay nhân ái của các nhà hảo tâm”.

Cả 3 đứa trẻ do bà Trịnh Thị Kim Loan nhận nuôi, mỗi đứa một hoàn cảnh và đến với bà như một cái duyênCả 3 đứa trẻ do bà Trịnh Thị Kim Loan nhận nuôi, mỗi đứa một hoàn cảnh và đến với bà như một cái duyên

Bà Loan kể tiếp: 10 năm sau, vào buổi sáng đầu năm 2009, có một cặp vợ chồng trẻ dân tộc S’tiêng bế em bé vừa sinh tìm tôi và nói: “Tôi muốn cho em bé”. Tôi chưa kịp định thần thì cô vợ đã thả vào tay tôi bé gái còn đỏ hỏn, chưa cắt dây rốn, quấn trong chiếc khăn của người đồng bào. Không kịp hỏi địa chỉ, tên tuổi thì vợ chồng trẻ đã bỏ đi. Tôi hỏi các điều dưỡng mới biết cô này vừa sinh bé lúc 4 giờ sáng, chỉ vài giờ sau thì mang đứa bé đi cho. Tôi đưa bé về nuôi và đặt tên là Trịnh Thiện Tâm. Khi bé Tâm được 5 tuổi thì bà ngoại và mẹ cháu tìm đến và mong được đón cháu về nhưng bé Tâm cứ níu tay tôi, nhất định không chịu theo mẹ đẻ. Từ đó đến nay, gia đình cháu cũng không quay lại tìm con.

Thiện Tâm đang học lớp 5, Trường tiểu học Tiến Thành, phường Tiến Thành. Bé ít nói nhưng hay cười, đôi mắt đen lánh, hoạt bát. Sau mỗi buổi đi học ở trường, bà Loan dạy con phụ việc tại bếp cơm tình thương để con biết chia sẻ công việc với mẹ.

Đứa con thứ ba bà Loan nhận nuôi là một câu chuyện ly kỳ như trong truyện cổ tích. “Hôm đó, vừa đi phát cơm về, cô hộ lý gọi tôi nói, có muốn nhận nuôi đứa trẻ mới bị bỏ rơi không? Tôi tức tốc chạy đến Khoa Cấp cứu thì chứng kiến 1 bé trai kháu khỉnh nặng 3kg bọc trong tờ giấy báo, bên ngoài quấn thêm chiếc khăn vải bị bỏ rơi trong lô cao su được người đi đường phát hiện mang đi cấp cứu. Bé phải nằm lồng kính nhiều ngày vì bị nhiễm trùng sơ sinh. Tôi làm thủ tục nhận nuôi và đặt tên con là Trịnh Minh Tâm. Bé Minh Tâm nay tròn 8 tháng tuổi, nhanh nhẹn, bụ bẫm, ít quấy mẹ và ai bế cũng theo” - bà Loan kể.

Thật không dễ để tận tâm chăm sóc 3 đứa trẻ như chính con ruột của mình. Chỉ có tình yêu thương mới đủ giúp bà Loan vượt qua muôn vàn khó khăn suốt 19 năm qua. “Cứ nhìn những đứa trẻ khác ra đời được người thân, gia đình yêu thương, chào đón, nâng niu, trong khi 3 đứa con mình đều rất thiệt thòi nên bằng mọi cách tôi cố gắng bù đắp cho các cháu. Cuộc đời không lấy đi tất cả của ai bao giờ, trang đời này thiệt thòi, bất hạnh, nhưng biết đâu lật trang kia sẽ ngập tràn niềm vui, hạnh phúc! Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...”. Chúng ta khi sinh ra không được lựa chọn hoàn cảnh, điều kiện sống. Chỉ có sự cảm thông, đùm bọc, cưu mang lẫn nhau giữa con người mới giúp cuộc sống tốt đẹp hơn” - bà Loan tâm niệm.

Nhân lên tình yêu thương

Bếp cơm tình thương Bệnh viện đa khoa tỉnh được thành lập với mong muốn giúp bệnh nhân nghèo giảm phần nào chi phí khi đến bệnh viện điều trị. Từ vài chục suất cơm những ngày đầu thành lập, đến nay bếp đã cung cấp hàng triệu bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo, giúp họ bớt đi phần nào khó khăn để yên tâm chữa bệnh. Kết quả đó có sự đóng góp thầm lặng của bà Loan - một trong 4 người đầu tiên phụ trách bếp cơm. Đến nay, việc vận động xã hội hóa đã trở thành nếp, chẳng ai bảo ai, cứ đến tháng được phân công là đơn vị nào cũng hoàn thành nhiệm vụ. Làm việc tại bếp không có lương, nhưng mỗi tháng bà Loan được trợ cấp từ 1,5-2 triệu đồng, số tiền đó bà dành dụm đóng học phí cho các con và xoay xở những lúc ốm đau.

Niềm mong mỏi có căn nhà che mưa, che nắng để 4 mẹ con yên tâm sinh sống của bà Loan đã thành hiện thực. Cách đây 4 năm, từ số tiền dành dụm và anh em, người thân hỗ trợ bà mua được căn nhà nhỏ để mẹ con có nơi sinh hoạt. Niềm vui nhân đôi khi con gái đầu vừa lập gia đình. “Tôi vui vì con đã trưởng thành, tìm được bến đỗ hạnh phúc của đời mình. Giờ tôi chỉ lo cho 2 đứa nhỏ học hành tới nơi tới chốn. Dẫu biết đó là hành trình dài, còn gian nan phía trước nhưng dù khó khăn tới đâu tôi cũng không buông xuôi, chỉ mong các cháu trưởng thành, có công việc ổn định và xây dựng tổ ấm hạnh phúc là mãn nguyện rồi” - bà Loan chia sẻ.

Nhanh nhẹn chuyển những phần cơm nóng hổi, dẻo thơm và đầy tình thương đến tay bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, bà Loan nở nụ cười hiền và luôn động viên từng bệnh nhân an tâm chữa trị để sớm khỏi bệnh. “Làm từ thiện phải xuất phát từ tâm của mỗi người. Tôi làm công việc này đơn giản vì nghĩ đó là cách để sống có ích hơn cho xã hội, nhân lên tình yêu thương. Bản thân không được học hành nhiều nhưng qua những mẩu chuyện về Bác, tôi nghĩ, học Người không nhất thiết phải làm cái gì đó lớn lao, đơn giản chỉ là mang đến bữa cơm no cho bệnh nhân nghèo” - bà Loan bộc bạch.

Ngân Hà

  • Từ khóa
62697

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu