Thứ 7, 20/04/2024 07:18:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:01, 10/04/2018 GMT+7

Điểm tựa của người khuyết tật Lộc Ninh

Thứ 3, 10/04/2018 | 14:01:00 120 lượt xem
BP - Chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật (NKT) là đạo lý, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhằm mang lại cho họ cuộc sống tốt đẹp hơn. Thời gian qua, Hội trợ giúp NKT Việt Nam (VNAH) tại Bình Phước phối hợp ngành y tế tỉnh triển khai nhiều hoạt động thiết thực, qua đó đã tạo điều kiện cho những mảnh đời kém may mắn có cơ hội rèn luyện sức khỏe, phục hồi chức năng, từng bước vươn lên hòa nhập cộng đồng, điển hình là tại huyện Lộc Ninh.

Khao khát phục hồi chức năng

Có mặt tại Khoa Y học cổ truyền và phục hồi chức năng, thuộc Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh vào những ngày mới khai trương, chúng tôi nhận thấy nhu cầu luyện tập phục hồi chức năng của NKT tại đây rất lớn. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng ở họ có điểm chung là sự quyết tâm, khao khát phục hồi sức khỏe, chiến thắng bệnh tật.

Bà Ngô Thị Huệ đang được thạc sĩ Nguyễn Ánh Chí, Phó giám đốc Dự án DIRECT tại Bình Phước hướng dẫn luyện tập tại phòng tập phục hồi chức năng

Chờ đến lượt vào tái khám, kiểm tra mức độ phục hồi chức năng vận động, bà Ngô Thị Huệ (1963), ngụ xã Lộc Thiện chia sẻ: Cuộc đời bà trải quá nhiều cực khổ, vất vả vì chồng, con và hiện bản thân bị tật nguyền. Vợ chồng bà có 2 con (1 trai, 1 gái), điều kiện kinh tế khó khăn bởi chồng không có công việc ổn định, thu nhập bấp bênh. Năm 2002, sóng gió ập đến khi con trai lên 10 tuổi bị bệnh tim phải phẫu thuật. Thời điểm đó, chi phí ca mổ 30 triệu đồng khá lớn so với thu nhập từ lương giáo viên mầm non của bà. Bà đã phải vay ngân hàng, mượn nhiều người, cuộc sống lâm vào túng thiếu. Thay vì đồng cam cộng khổ, chia sẻ khó khăn với vợ thì chồng bà lại bỏ nhà đi để mặc bà xoay xở. Sau phẫu thuật, con trai đã khỏe mạnh. Nhưng năm 2016, trong khi lao động, bà bị tai nạn gãy cột sống, tổn thương tủy, liệt 2 chân. Từ đó, bà không thể làm việc gì được vì trong lưng còn 2 thanh nẹp, 4 ốc vít cố định xương. Cuộc đời tưởng như chấm hết thì may mắn đầu năm 2018, VNAH đã tài trợ cho Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh đầu tư sửa chữa phòng tập phục hồi chức năng với nhiều thiết bị hỗ trợ. Bà đã tới đây và bắt đầu chữa bệnh bằng phương pháp vật lý trị liệu. Con gái bà cũng ở lại vừa giúp mẹ đi lại, sinh hoạt, vừa ôn thi đại học. Niềm vui ánh lên trên gương mặt, khóe mắt khiến ai nấy đều mừng cho bà. “Tôi đã cố gắng thật nhiều. Sau 2 tuần luyện tập, dù còn rất khó khăn nhưng tôi đã tự vịn tay để từ xe lăn chuyển sang ghế tập” - bà Huệ vui mừng chia sẻ.

Trong phòng tập đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ em, thanh niên đến người cao tuổi. Cụ Hà Thị Em, 75 tuổi, bị biến dạng khớp gối chân phải, từ nhỏ chỉ lết đi ăn xin. Cụ được cơ quan chức năng đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội). Cụ đến đây luyện tập mong có đủ sức khỏe để di chuyển bằng xe lăn, xe lắc. Em Nguyễn Thanh Phúc (2000), ngụ khu phố Ninh Phước, thị trấn Lộc Ninh bị teo cơ chân tay không đi lại được, ngồi xe lăn cũng phải nhờ người khác đẩy. Ông Nguyễn Hồng Rạng (cha Phước) cho biết: “Nay Trung tâm Y tế huyện có phòng tập phục hồi chức năng, tôi động viên con trai đăng ký luyện tập. Nó còn trẻ, trí não phát triển bình thường nên hy vọng phục hồi. Chỉ mong con đi lại được là vợ chồng tôi hạnh phúc lắm rồi!”.

Nỗ lực vì người khuyết tật

Bà Mai Thị Kim Hoàng, điều phối viên của Chương trình thực thi chính sách và trị liệu cho NKT tại Bình Phước (Dự án DIRECT) cho biết: Toàn tỉnh có 12.753 NKT đã được lập hồ sơ. Trong đó, 2.207 NKT đặc biệt nặng, 4.961 người khuyết tật nặng. Đến quý 1/2018, đã có 1.491 NKT được khám và hướng dẫn phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; 267 người được tặng 319 dụng cụ trợ giúp như xe lăn, xe lắc, nạng, gậy... Hiện 8/11 huyện, thị xã có khoa y học cổ truyền và phục hồi chức năng, 3 huyện còn lại là Chơn Thành, Phú Riềng và Bù Gia Mập thiếu bác sĩ vật lý trị liệu nên chưa có hoạt động phục hồi chức năng. Kế hoạch trong năm 2018 đến đầu 2019, dự án tiếp tục hỗ trợ đào tạo bác sĩ và các điều kiện khác cho 3 huyện còn lại.

Bác sĩ Huỳnh Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh cho biết: Năm 2014, bệnh viện thành lập Khoa Y học cổ truyền và xây dựng phòng vật lý trị liệu nhưng chỉ rộng khoảng 15m2, với 7 dụng cụ tập đơn giản. Ngày 1-8-2016, bệnh viện sáp nhập vào Trung tâm Y tế thì bố trí được phòng vật lý trị liệu rộng hơn nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Mới đây, trung tâm được VNAH tài trợ sửa chữa, nâng cấp 3 phòng cũ thành 1 phòng vật lý trị liệu rộng 75m2 cùng nhiều thiết bị luyện tập như: dụng cụ tập kéo tay đa năng, thang tường hỗ trợ tập các bệnh lý liên quan khớp vai, cột sống, khung tập đi... đồng thời đào tạo chuyên môn phục hồi chức năng cho 22 cán bộ. Trong đó có 1 bác sĩ vật lý trị liệu, 5 kỹ thuật viên của trung tâm và 16 cán bộ tại 16 xã, thị trấn trong huyện. “Mỗi ngày hiện có khoảng 20 bệnh nhân đến đây luyện tập thường xuyên. Mỗi bệnh nhân đều có hồ sơ bệnh án để theo dõi và hướng dẫn luyện tập. Tất cả chi phí đều được bảo hiểm chi trả 95%, bệnh nhân chỉ phải trả 5%. Hy vọng với sự đầu tư hỗ trợ của VNAH, sự nỗ lực của Trung tâm Y tế, đặc biệt là ý chí cố gắng vươn lên, NKT tại huyện Lộc Ninh sẽ phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe, từng bước xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn” - bác sĩ Vân nói.

Quang Minh

  • Từ khóa
60443

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu