Thứ 4, 17/04/2024 02:48:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 10:12, 22/07/2014 GMT+7

Điểm mới nổi bật của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi

Thứ 3, 22/07/2014 | 10:12:00 2,298 lượt xem
BPO - Ngày 13-6-2014, tại kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã thông qua toàn văn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. Dưới đây, xin giới thiệu cùng bạn đọc về những điểm mới nổi bật trong Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi so với Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, như sau:

* Mở rộng đối tượng tham gia:

So với luật hiện hành, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi đã mở rộng đối tượng tham gia, nhằm thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân và tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Cụ thể, luật mới đã bổ sung đối tượng được đóng BHYT bằng ngân sách Nhà nước, gồm: Người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo. Đồng thời. luật mới cũng đã bổ sung đối tượng được Bảo hiểm xã hội (BHXH) đóng BHYT, gồm: Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

Thành viên trong hộ gia đình (trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo hợp đồng lao động, theo chế độ với người có công, bảo trợ xã hội, học sinh, sinh viên…) cũng sẽ phải tham gia BHYT, với mức đóng cụ thể như sau: Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở; Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

* BHYT cho người đang nghỉ thai sản và cho trẻ dưới 6 tuổi:

Theo quy định tại Luật BHYT sửa đổi, trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng.

Về việc cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi đã được Luật BHYT sửa đổi quy định cụ thể như sau: Hồ sơ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi không cần bản sao giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh, ngoài tờ khai tham gia bảo hiểm y tế chỉ cần bổ sung danh sách tham gia bảo hiểm y tế do UBND xã lập.

* Thay đổi về mức hỗ trợ:

Luật BHYT sửa đổi cũng mở rộng đối tượng được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh, gồm: Binh sĩ quân đội đang tại ngũ; học viên công an nhân dân; cựu chiến binh; người được hưởng BHXH hàng tháng; người thuộc hộ gia đình nghèo; cha đẻ mẹ đẻ, vợ/chồng, con của liệt sĩ… Đặc biệt, luật mới còn quy định rõ là đối tượng đóng BHYT liên tục trên 5 năm, đã thanh toán tiền khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở cũng được hưởng 100% (trừ trường hợp trái tuyến).

Bên cạnh đó, luật mới cũng tăng mức hưởng BHYT của thân nhân người có công với cách mạng và người thuộc hộ gia đình cận nghèo từ 80% như hiện nay lên 95%. Đồng thời, mức hỗ trợ cho trường hợp khám, chữa bệnh trái tuyến được quy định như sau: tuyến huyện được hỗ trợ 70%, tuyến tỉnh được hỗ trợ 60%, tuyến trung ương được hỗ trợ 40%.

* Tăng mức phạt DN trốn đóng BHYT:

Nhằm hạn chế trường hợp trốn đóng BHYT cho người lao động, luật mới đã quy định rõ: Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ thì không những phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng (tăng gấp đôi so với trước đây).

Ngoài ra người sử dụng lao động còn phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế.

Luật gia: KC

  • Từ khóa
25103

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu