Thứ 5, 28/03/2024 21:31:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:20, 25/12/2019 GMT+7

Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới: Phên dậu vững chắc bảo vệ chủ quyền

Thùy Hương
Thứ 4, 25/12/2019 | 06:20:00 1,065 lượt xem
BP - Nhằm ổn định dân cư tuyến biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng biên, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, ngày 1-4-2019, Bộ tư lệnh Quân khu 7 ban hành Quyết định số 811/QĐ-BTLQK7 về Đề án xây dựng “Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn quân khu giai đoạn 2019-2025” (gọi tắt là Đề án 811). Sau 10 tháng triển khai, đến nay toàn tuyến biên giới khu vực Quân khu 7 quản lý đã xây dựng được 10 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới. Riêng Bình Phước xây dựng được 4 điểm dân cư liền kề, hỗ trợ chỗ ở cho 20 hộ dân là dân quân thường trực, dân quân dự bị, bộ đội biên phòng... đã lập gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chưa có nhà ở, tình nguyện lên sinh sống trên điểm dân cư biên giới.

Phát triển dân cư đều khắp tuyến biên giới

Theo Đề án 811 của Bộ tư lệnh Quân khu 7, việc xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới là việc làm rất có ý nghĩa nhằm tạo thế liên hoàn, tăng cường lực lượng, nâng cao sức mạnh bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; góp phần đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo khu vực vùng biên; thu hút dân cư lên sinh sống và từng bước hình thành các khu dân cư trên tuyến biên giới; phát huy vai trò mỗi người dân là cột mốc sống giữ biên cương.

Cũng theo đề án, tại các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, người dân đến sinh sống sẽ được sử dụng điện từ điện lưới quốc gia; sử dụng nước hợp vệ sinh; có sóng phát thanh, truyền hình, sóng thông tin di động; người dân trong điểm dân cư được sử dụng các công trình phúc lợi xã hội... của khu dân cư hiện hữu, liền kề gần nhất. Đối tượng thụ hưởng ưu tiên cán bộ, chiến sĩ dân quân thường trực, bộ đội biên phòng, quân nhân dự bị đã lập gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chưa có nhà ở, tình nguyện đến sinh sống trên điểm dân cư biên giới.

Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh (ảnh lớn). Gia đình anh Vũ Trường Giang trồng mít, chôm chôm trên diện tích được cấp theo Đề án 811 tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Lộc Hòa

Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: Bình Phước có 260,433km đường biên qua 15 xã thuộc 3 huyện (Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập), tiếp giáp 3 tỉnh Kratie, Tbong Khmum và Mundulkiri thuộc Vương quốc Campuchia. Đời sống người dân khu vực biên giới còn nhiều khó khăn, kinh tế kém phát triển, trình độ dân trí thấp, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Vì vậy, xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang đóng vai trò quan trọng, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng biên. Bên cạnh đó, việc hình thành các khu dân cư trên tuyến biên giới sẽ trở thành chỗ dựa vững chắc cho bộ đội biên phòng, dân quân thường trực và các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới.

Để thực hiện thành công Đề án 811, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025”. Sau khi có kế hoạch, Bộ CHQS tỉnh phối hợp 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập thành lập đoàn khảo sát 5 vị trí xây dựng điểm dân cư biên giới tại 5 xã: Lộc Hòa, Lộc An, Lộc Thiện của huyện Lộc Ninh; Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập và Thanh Hòa, huyện Bù Đốp. Căn cứ tình hình thực tế của đơn vị, Bộ CHQS tỉnh đã triển khai lực lượng xây dựng theo hình thức cuốn chiếu cho đến hết 5 điểm với dự kiến thời gian thực hiện từ ngày 30-5-2019 đến tháng 2-2020. Để công trình thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, tại mỗi điểm xây dựng, Bộ CHQS tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giám sát, tổ bảo vệ vật tư, tổ thi công và phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên. Sau 7 tháng thực hiện, đến nay trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành 4 điểm dân cư (5 căn nhà/điểm) và bàn giao cho 20 hộ dân đến sinh sống, phát triển kinh tế vùng biên. Những hộ dân đến sinh sống trên vùng đất mới đã trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, từng bước phủ xanh đất trống. Hiện nay, Bộ CHQS tỉnh đang xây dựng điểm dân cư thứ 5 tại xã Lộc Thiện (Lộc Ninh). Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trước tết Nguyên đán.

Từng bước an cư lập nghiệp

Công trình xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Lộc Hòa (Lộc Ninh) là điểm dân cư biên giới đầu tiên của đề án do Bộ CHQS tỉnh làm chủ đầu tư và thi công, gồm 5 căn nhà cấp 4 liền kề với diện tích 72m2/căn. Kinh phí xây dựng mỗi căn 120 triệu đồng, trong đó Quân khu 7 hỗ trợ 90 triệu đồng, phần còn lại do UBND tỉnh hỗ trợ. Tùy vị trí, mỗi hộ dân đến sinh sống còn được hỗ trợ từ 500-5.000m2 đất ở gắn với đất sản xuất và được hưởng hệ thống điện thắp sáng, nước sinh hoạt do Quân khu 7, UBND tỉnh đầu tư bằng nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp.

Ngoài ra, để giúp các hộ dân từng bước ổn định cuộc sống trên vùng đất mới, Bộ CHQS tỉnh còn vận động tổ chức, cá nhân hỗ trợ các hộ vật dụng cần thiết trong nhà như như: tivi, quạt, nồi cơm điện, tủ... Đặc biệt, vận động UBMTTQVN tỉnh hỗ trợ mỗi gia đình 1 cặp dê giống trị giá 6 triệu đồng, góp phần giúp các hộ dân vươn lên phát triển kinh tế.

Anh Điểu Phúc quyết tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Lộc Hòa (Lộc Ninh)

Anh Vũ Trường Giang là một trong 5 gia đình được nhận nhà theo đề án tại ấp Suối Thôn, xã Lộc Hòa. Gia đình anh Giang thuộc diện khó khăn, chưa có điều kiện mua đất xây nhà riêng nên sống cùng với cha mẹ tại ấp 8A, xã Lộc Hòa. Hằng ngày, ngoài thời gian làm việc tại xã (anh Giang là Xã đội phó xã Lộc Hòa), vợ chồng anh đi làm thuê để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Anh Giang cho biết: Với tiền lương ít ỏi, vợ chồng tôi không biết đến khi nào mới mua được đất và xây nhà. Nhờ sự quan tâm của các cấp, tháng 6 vừa qua gia đình tôi được xét hỗ trợ xây nhà theo Đề án 811. Ngoài căn nhà, 1 cặp dê giống và các vật dụng như tivi, tủ, quạt, nồi cơm điện..., gia đình tôi còn được cấp 0,5 ha đất sản xuất. Trên diện tích này, tôi đã mua phân bón và cây giống (mít, chôm chôm) về trồng. Hiện nay, vườn cây đang phát triển tốt. Tuy nhiên, do thời gian đầu chưa có thu nên tôi phải gửi 2 con ở nhà nội, ngoại để tiện đi học, vợ tôi vẫn làm công nhân ở thành phố Đồng Xoài. Sau này, vườn trái cây có thu, tôi sẽ đón vợ con về ở và ổn định cuộc sống trên vùng đất mới.

Cùng gia đình anh Giang, anh Điểu Phúc (30 tuổi) cũng vui mừng khi được nhận căn nhà khang trang với đầy đủ công trình phụ, lại thêm các điều kiện đảm bảo cuộc sống, công việc làm ăn của cả gia đình. Anh Phúc cho biết: “Gia đình khó khăn lại đông anh em nên cưới xong tôi về nhà vợ ở. Công việc của tôi là Ấp đội trưởng ấp 8A, xã Lộc Hòa với số tiền trợ cấp hằng tháng chưa đầy 1 triệu đồng nên không đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình. Trong khi vợ tôi không có việc làm ổn định, con còn quá nhỏ. Vì vậy, khi biết tôi được cấp nhà tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Lộc Hòa theo Đề án 811, cha mẹ 2 bên rất vui. Bởi, đây là tài sản quá lớn so với khả năng của vợ chồng tôi, mà nếu chỉ làm thuê thì khó mà có được. Để từng bước ổn định cuộc sống trên vùng đất mới, vợ chồng tôi đầu tư 20 triệu đồng mua phân bón và trồng điều trên diện tích 0,5 ha. Vợ chồng tôi sẽ chịu khó lao động để phát triển kinh tế, đồng thời góp phần cùng lực lượng vũ trang tỉnh tham gia bảo vệ biên giới, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và trở thành cột mốc sống bảo vệ biên cương”.

  • Từ khóa
8133

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu