Thứ 6, 29/03/2024 19:33:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 16:48, 02/08/2017 GMT+7

Điểm chuẩn cao kỷ lục, “mưa" tiêu chí phụ vẫn khó phân loại thí sinh

Nguồn TTXVN
Thứ 4, 02/08/2017 | 16:48:00 215 lượt xem
BPO - Mùa tuyển sinh đại học năm 2017 đã đi qua giai đoạn cao trào nhất - xét tuyển đợt một. Điểm chuẩn cũng đã được các trường ấn định ở mức ngất ngưởng, cao kỷ lục trong suốt 16 mùa xét tuyển thi đại học theo hình thức ba chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả thi).

Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, điểm chuẩn cao không hẳn là niềm vui với các trường đại học, khi họ phải cân não tìm tiêu chí phụ để loại bớt thí sinh bằng điểm nhau, để không bị Bộ Giáo dục và Đào tạo “tuýt còi” vì vượt chỉ tiêu.

Và quan trọng hơn, là điểm chuẩn cao nhưng chưa chắc đã chọn được thí sinh giỏi.

Điểm chuẩn cao “vượt trần”

Điểm chuẩn vào ngành Y đa khoa của Đại học Y Hà Nội năm nay là 29,25 điểm, cao nhất trong 15 năm qua. Không chỉ ngành Y đa khoa mà điểm các ngành khác của trường này đều tăng và đa số ở ngưỡng trên 26 điểm. Theo Phó giáo sư Nguyễn Hữu Tú, đây là mức điểm chuẩn kỷ lục của trường.

Điểm chuẩn vào ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện An ninh nhân dân dành cho nữ, khối D1, thậm chí vượt “trần”, lên tới 30,5 điểm. Tương tự, điểm chuẩn khối A, thí sinh nữ, phía Bắc, của Đại học Phòng cháy chữa cháy ở ngưỡng 30,25 điểm. Điều này đồng nghĩa với việc nếu thí sinh chỉ dựa vào điểm thi trung học phổ thông quốc gia mà không có điểm cộng thì dù đạt điểm tuyệt đối cả ba môn thi vẫn trượt đại học.

Đại học Kinh tế quốc dân cũng có điểm chuẩn tăng ở tất cả các ngành và là mức cao nhất trong những năm qua. Điểm chuẩn ngành Kinh tế quốc tế và Kế toán là 27 điểm, mức điểm chuẩn mà trước đây thường chỉ thấy ở ngành y đa khoa của khối trường y. Ngành có điểm tăng nhiều nhất so với năm 2016 là Ngôn ngữ Anh (tiếng Anh hệ số 2), tăng 5,57 điểm, từ 28,76 lên 34,33 điểm.

Không chỉ các trường nhóm trên, những trường nhóm dưới cũng tăng từ 0,5 đến 3 điểm, tùy theo từng ngành, như Đại học Công nghiệp Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông…

Theo Phó giáo sư Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, điểm chuẩn cao là hệ quả trực tiếp từ điểm thi trung học phổ thông năm nay cao hơn. 

“Kỳ thi không chỉ để xét tuyển đại học mà còn nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia. Vì thế, đề thi dễ hơn, điểm thi cao hơn cũng là điều tất yếu,” ông Xê nói.
 

Thí sinh làm thủ tục xét tuyển đại học. (Ảnh: TTXVN)

“Mưa" tiêu chí phụ

Điểm thi cao đã buộc các trường phải dùng đến tiêu chí phụ để “gạt” thí sinh bằng điểm trong quá trình chốt điểm chuẩn để không bị vượt quá chỉ tiêu.

Tại Học viện An ninh nhân dân, ngành Nghiệp vụ An ninh, nam, điểm chuẩn là 25,5 điểm. Tuy nhiên, có 29 thí sinh cùng mức 25,5 trong khi trường chỉ lấy 4 thí sinh ở mức điểm này là đủ chỉ tiêu. Vì thế, trường buộc phải đặt tiêu chí phụ để lọc lấy 4 thí sinh, gồm ba thí sinh có tổng điểm 3 môn chưa làm tròn là 25,05 điểm và một thí sinh có tổng điểm 3 môn chưa làm tròn 24, 95 và môn Văn đạt 8,25 điểm.

Tương tự, tại Đại học Y Hà Nội, ngoài việc phải đạt điểm thi cao chót vót, thí sinh còn phải vượt qua 4 vòng tiêu chí phụ gồm điểm xét tuyển chưa làm tròn, điểm toán, điểm sinh, thứ tự nguyện vọng. 

Theo đó, để đỗ vào ngành Y đa khoa, thí sinh không chỉ phải đạt mức điểm thấp nhất là 29,25 điểm mà còn phải đáp ứng đồng thời bốn tiêu chí khác, gồm tổng điểm ba môn đạt từ 29,2 điểm trở lên; có điểm môn Toán đạt từ 9,2 điểm trở lên; điểm môn Sinh học đạt từ 9,25 điểm trở lên; nguyện vọng đăng ký là nguyện vọng một.

Không chỉ riêng ngành Y đa khoa mà tất cả các ngành khác của trường đều phải quy định hệ thống bốn tiêu chí phụ. Đây cũng là năm đầu tiên Đại học Y Hà Nội phải kèm theo rất nhiều tiêu chí phụ như trên.

Hàng loạt trường đại học khác như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Học viện Bưu chính viễn thông, Đại học Phòng cháy chữa cháy… cũng phải kèm theo ba tiêu chí phụ bên cạnh điểm chuẩn. 

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi buộc phải áp dụng tiêu chí phụ,” ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ.

Khó phân loại thí sinh?

Chia sẻ về việc dùng tiêu chí phụ, ông Kiều Xuân Thực cho rằng, điều này không hẳn là công bằng với các thí sinh khác vì tiêu chí phụ không cho thấy rõ được sự khác biệt về năng lực của thí sinh.

“Ví dụ thí sinh cùng số điểm nhưng khác về số thứ tự nguyện vọng thì rõ ràng đây không phải là cạnh tranh về năng lực,” ông Thực phân tích.

Đây cũng là chia sẻ của Phó giáo sư Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông.

“Do điểm thi năm nay quá cao, quá nhiều thí sinh sàn sàn một mức điểm nên rất khó cho các trường trong xác định điểm chuẩn sao cho vừa đủ chỉ tiêu và chúng tôi buộc phải dùng tiêu chí phụ. Chưa năm nào điểm của thí sinh lại ngang nhau nhiều như năm nay và điều đó cho thấy sự phân hóa thí sinh của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia chưa tốt để xét tuyển đại học,” ông Lập chia sẻ.

Cũng phủ nhận vai trò của tiêu chí phụ, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ cho rằng những tiêu chí này không thể là căn cứ để phân loại thí sinh. “Vì thế, Đại học Cần Thơ không áp dụng tiêu chí phụ dù có vượt chỉ tiêu,” ông Xê nói.

  • Từ khóa
87049

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu