Thứ 7, 20/04/2024 01:18:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:13, 17/12/2018 GMT+7

Dịch vụ công là gì?

Thứ 2, 17/12/2018 | 09:13:00 38,864 lượt xem
BP - Gắn chặt với xây dựng chính quyền điện tử là việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Bên cạnh dịch vụ công trực tuyến, hiện nay nhà nước cũng triển khai nhiều dịch vụ công khác nhưng không phải trực tuyến, như công chứng, thừa phát lại... Vậy dịch vụ công là gì và có những đặc trưng nào? Nhà nước thực hiện xã hội hóa các dịch vụ công ra sao?

Dịch vụ công là những hoạt động phục vụ các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người dân vì lợi ích chung của xã hội, do nhà nước chịu trách nhiệm trước xã hội (trực tiếp đảm nhận hay ủy quyền và tạo điều kiện cho khu vực tư thực hiện) nhằm bảo đảm ổn định và công bằng xã hội.

Dịch vụ công có các đặc trưng: Thứ nhất, đó là các hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho lợi ích chung, thiết yếu, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của các tổ chức và công dân. Thứ hai, do nhà nước chịu trách nhiệm trước xã hội (trực tiếp cung cấp hoặc ủy nhiệm việc cung cấp). Ngay cả khi nhà nước chuyển giao dịch vụ này cho tư nhân cung cấp thì nhà nước vẫn có vai trò điều tiết đặc biệt nhằm bảo đảm sự công bằng trong phân phối các dịch vụ này và khắc phục các khiếm khuyết của thị trường. Thứ ba, là các hoạt động có tính chất phục vụ trực tiếp, đáp ứng các nhu cầu, quyền lợi hay nghĩa vụ cụ thể và trực tiếp của các tổ chức và công dân. Thứ tư, bảo đảm tính công bằng và tính hiệu quả trong cung cấp dịch vụ.

Nhà nước thực hiện xã hội hóa dịch vụ công: Một là, chuyển giao việc cung cấp dịch vụ công cho khu vực tư. Đối với các dịch vụ công mà nhà nước không cần can thiệp hoặc can thiệp không có hiệu quả thì nhà nước có thể chuyển giao nhiệm vụ này cho khu vực tư, tức là cho phép các tổ chức trong khu vực tư tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ công này. Hai là, huy động sự đóng góp của các tổ chức và công dân. Việc huy động sự đóng góp của các tổ chức và công dân được thực hiện với hai phương thức cơ bản, gồm huy động kinh phí đóng góp của dân vào việc cung cấp dịch vụ công của các tổ chức nhà nước; động viên, tổ chức sự tham gia rộng rãi, chủ động và tích cực của các tổ chức và công dân vào quá trình cung cấp dịch vụ công, đa dạng hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ công trên cơ sở phát huy công sức và trí tuệ của nhân dân như huy động chất xám, năng lực quản lý, công sức của người dân vào các hoạt động cung cấp dịch vụ công. 

H.N

  • Từ khóa
25110

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu