Thứ 6, 19/04/2024 19:28:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:18, 12/02/2016 GMT+7

Đi tìm sự “bí ẩn” điệu múa lâm thôn

Thứ 6, 12/02/2016 | 08:18:00 3,008 lượt xem
BP - Thời còn đi học, tôi từng tham gia các hoạt động tập thể và không ít lần tập múa điệu lâm thôn. Không hiểu sao điệu múa ấy lại cuốn hút tôi đến thế. Và sự đam mê ngày một lớn hơn khi tôi hòa mình vào những đêm giao lưu mà chỉ với một đống lửa có thể khiến các chiến sĩ biên phòng, sinh viên tình nguyện, từ người già chân đi không vững đến đứa trẻ chưa biết chữ... cùng quyện theo tiếng nhạc thâu đêm. Vì sao họ có thể múa suốt đêm chỉ với một điệu nhạc và cũng chỉ với vài động tác được lặp đi lặp lại?

Không chỉ trong dịp lễ, hội mà trong đời sống thường ngày của người Khơme, điệu múa lâm thôn cũng đều góp mặt
Không chỉ trong dịp lễ, hội mà trong đời sống thường ngày của người Khơme, điệu múa lâm thôn cũng đều góp mặt 

Một thầy giáo người Khơme dạy trường dân tộc nội trú. Một già làng ở nơi còn giữ gìn truyền thống đậm đà nhất của đồng bào Khơme Bình Phước. Một phó chủ tịch UBND xã bao năm gắn bó với đồng bào Khơme. Một đội trưởng đội múa lâm thôn tiêu biểu... Tôi tìm đến họ để giải đáp về sự cuốn hút suốt nhiều năm qua và tìm câu trả lời điều gì đã khiến điệu múa ấy trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của đồng bào Khơme?

Điệu múa... gây nghiện

“Đã là người Khơme thì ai cũng biết múa lâm thôn. Chỉ nghe tiếng nhạc, dù ở bất kỳ nơi nào, chúng tôi cũng có thể múa được, thậm chí múa qua đêm, càng múa càng say. Tôi không biết lý giải như thế nào nhưng giống như bị nghiện vậy”.

 Anh Lâm Thành Tích, 22 tuổi, ấp Pa Ven

Tôi về huyện Lộc Ninh khi vụ thu hoạch lúa của đồng bào Khơme vừa kết thúc. Dọc đường về xã Lộc Khánh, mùi thơm của lúa mới và mùi bùn quyện vào nhau. Dưới cánh đồng, vài người dân đang hối hả tay cuốc, tay cào làm đất chuẩn bị cho mùa vụ mới. Qua cầu “Cánh đồng chùa” (tên một cây cầu người dân đặt vì gần chùa Sóc Lớn), đến nhà già làng Lâm Tết ở ấp Pa Ven, chúng tôi đã nghe được những bài hát truyền thống của đồng bào Khơme nơi đây. “Con trâu ăn lúa. Anh không dám đuổi. Khi trâu đi rồi. Anh đuổi cho xem” - là những lời hát già làng Lâm Tết tạm dịch sang tiếng Việt cho chúng tôi nghe.

Già Tết năm nay đã 80 tuổi, không còn đủ dẻo dai để nhịp nhàng từng bước chân theo tiếng nhạc của điệu múa lâm thôn. Nhưng với ông, sự say mê, nhiệt huyết vẫn nguyên vẹn như ngày còn trai trẻ. Điều đó thể hiện qua giọng điệu, lời nói, ánh mắt sáng rỡ khi nói đến điệu múa truyền thống lâm thôn. Già Tết cũng như tất cả người dân Khơme, không ai biết rõ điệu múa lâm thôn có tự bao giờ. Họ chỉ biết từ khi sinh ra đã được ông bà, cha mẹ dạy cho động tác múa và cứ thế truyền từ đời này qua đời khác. Nó đã thành nét đặc trưng không thể thiếu của đồng bào Khơme.

“Người Khơme trước đây có tập quán sống du canh, du cư. Đồng bào chủ yếu làm nông nghiệp, thường sống ở ven sông, suối - nơi có nguồn nước thuận lợi. Sau một ngày làm việc vất vả, người dân tìm cho mình cách giải trí. Để giảm sự mệt nhọc, đồng thời tạo thêm động lực lao động nên điệu múa lâm thôn ra đời, trở thành nét đẹp truyền thống rất riêng của người Khơme” - già làng Lâm Tết nói.

Đồng bào Khơme có rất nhiều điệu múa như răm vông, lăm leo, saravan... nhưng phổ biến nhất vẫn là múa lâm thôn. Bởi điệu múa này khá gần gũi và thân thiện. Khi tiếng nhạc vang lên, mọi người cùng uyển chuyển bước chân theo nhịp điệu, di chuyển thành vòng tròn. Nữ thì lượn 2 tay lên trước ngực thể hiện sự e lệ, nam thì dang rộng 2 tay về phía bên hông thể hiện sự mạnh mẽ, chở che cho bạn múa cùng.

Anh Sa Nóc là người hướng dẫn các em trong đội múa tập luyện
Anh Sa Nóc là người hướng dẫn các em trong đội múa tập luyện

Cùng đi với già làng Lâm Tết, chúng tôi đến nhà văn hóa cộng đồng ấp Pa Ven. 5 đôi thanh niên nam, nữ đang nhịp nhàng theo tiếng nhạc. Những lúc nông nhàn, họ cùng nhau tập luyện để giao lưu trong dịp lễ, tết truyền thống. Đợt này, các đội tập múa chuẩn bị cho tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Đôi tay thô cùng với bàn chân trần nhưng lại vô cùng nhẹ nhàng, tinh tế, hòa quyện nhịp điệu. Ánh nhìn tình tứ, khuôn mặt rạng ngời và sự e ấp của những cô thôn nữ được thể hiện qua điệu múa lâm thôn.

Múa lâm thôn không thể thiếu đối với đồng bào Khơme. Không chỉ dịp lễ, tết mà trong cuộc sống thường nhật cũng múa. Bởi trong đó là dáng dấp, hơi thở, tính cách, tình cảm của người Khơme. Qua điệu múa, có thể biết được những nét đặc trưng từ con người đến phong tục, tập quán. Cũng từ điệu múa mà các chàng trai, cô gái có thể tìm thấy nhau. Điệu múa còn là nơi gửi gắm ước mong hòa thuận, an lành.

Không riêng người Khơme đắm say điệu múa lâm thôn mà những ai đã từng múa một lần và được tập cũng mê mẩn. Nó như dẫn người ta đến một nơi tuyệt đẹp, nơi chỉ có sự yên bình, yêu thương chân thành và quý trọng lẫn nhau. Phó chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Vũ Văn Lực (43 tuổi) cho biết: “Tôi bị cuốn hút bởi điệu múa từ khi tham gia hoạt động đoàn. Cho đến bây giờ, chỉ cần tiếng nhạc dạo lên, tôi lại thấy rạo rực như được sống lại thời mười tám đôi mươi. Tôi múa với một niềm thích thú, say mê và không thể lý giải vì sao lại bị cuốn hút đến vậy”.

Cũng như anh Lực, thầy giáo trẻ Quách Sô Phânh (30 tuổi) dạy tiếng Khơme cho Trường phổ thông Dân tộc nội trú - THCS Lộc Ninh, cũng không biết vì sao điệu múa lâm thôn lại khiến mình say đắm. Thầy chỉ biết khi nhạc cất lên cũng là lúc tâm hồn tan chảy theo những động tác quen thuộc: “Có một vài người cũng hỏi tôi, vì sao điệu múa của người Khơme lại hấp dẫn đến thế. Cho đến bây giờ tôi chưa thể tìm được câu trả lời phù hợp. Và câu hỏi ấy sẽ mãi mãi không có lời giải” - thầy Phânh chia sẻ.

Tiếng vọng tâm hồn

Cách đây 2 tháng, ấp Sóc Lớn làm đường nông thôn mới ở tổ 4. Vì muốn nhanh chóng hoàn thành trước Đại hội Đảng bộ xã, chúng tôi phải vận động đoàn viên thanh niên làm cả ban đêm. Hôm đó, khoảng 9 giờ đêm mọi người đã về hết. Tôi nghĩ ngay ra “sáng kiến”, liền mở điệu nhạc quen thuộc, phóng trên loa cầm tay. Thật lạ! Chỉ 5 phút sau, cả trai lẫn gái cùng có mặt. Họ quay lại làm tiếp, rồi cùng nhau múa điệu lâm thôn cho đến tận khuya. Con đường nông thôn mới tất nhiên hoàn thành đúng thời hạn.

Anh Sa Nóc, Đội trưởng Đội múa ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh

Những động tác thoải mái, lạc quan, yêu đời pha chút hóm hỉnh mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khơme, không chỉ giúp mọi người quên đi những vất vả trong cuộc sống mà còn thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Buổi trưa, hết giờ làm việc ở Hội Nông dân xã Lộc Khánh (Lộc Ninh), anh Sa Nóc (41 tuổi) ở ấp Sóc Lớn lại tập hợp các em tuổi từ 11-15 để tập múa. Đội múa của anh Sa Nóc có 20 em cả nam và nữ, đã thành lập được 4 năm và thường tham gia các cuộc thi do tỉnh, huyện tổ chức. Bên cạnh đó, đội còn đi giao lưu văn hóa ở các tỉnh khác. Có mặt tại nhà anh Sa Nóc, ngay cổng chùa Sóc Lớn, các em chuẩn bị dụng cụ để bắt đầu buổi tập luyện. Không khí nhộn nhịp lan tỏa khắp căn phòng.

Lâm Thị Mỹ năm nay 14 tuổi nhưng đã tham gia đội múa được 3 năm. Sau giờ học ở trường em lại tranh thủ tập luyện. Chiếc điện thoại cũ lưu các bản nhạc quen thuộc được anh Nóc bỏ vào cái ly để âm thanh rõ hơn. Nhanh nhẹn và uyển chuyển, các em chuyển từ điệu múa này qua điệu múa khác.

Anh Nóc nói: “Ngày còn nhỏ, chúng tôi chưa có nhạc để tập. Mọi người múa theo tiếng vỗ nhịp tay, sau đó là trống, bây giờ mới có nhạc nền. Nhưng lạ lắm, nó có sức cuốn hút rất lớn. Trong lúc lao động, vừa đói vừa mệt nhưng chỉ cần nghe tiếng nhạc quen thuộc thì dù ở đâu điệu múa cũng được diễn ra và cơn đói dường như tan biến. Tiếng nhạc giống như tiếng vọng tâm hồn của người Khơme”.

Trong những cuộc gặp gỡ với các nhân vật để tìm câu trả lời nhưng không một ai giải đáp được cho tôi về sự cuốn hút của điệu múa lâm thôn. “Tuyệt vọng”, tôi tìm đến ông Lâm Bách (75 tuổi) Chủ tịch Hội đồng già làng xã Lộc Khánh như một “giải pháp” mong manh cuối cùng. Và câu trả lời của ông tưởng như đã giải đáp được thắc mắc cho tôi nhưng rồi nó lại làm cho điệu múa lâm thôn trở nên bí ẩn hơn. Già làng Lâm Bách nói: “Từ nhỏ tôi đã biết múa, những động tác bình dị, gần gũi đối với đồng bào Khơme. Và cứ thế, điệu múa đi theo năm tháng và chưa một ai có thể giải thích được vì sao nó lại khiến họ “say” đến thế”.  

 Hải Yến

  • Từ khóa
91771

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu