Thứ 7, 20/04/2024 07:45:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:44, 25/02/2013 GMT+7

Đi gặp người “cõi âm”

Thứ 2, 25/02/2013 | 15:44:00 1,201 lượt xem

>> Chữa “bách bệnh” bằng... niềm tin
>> Thầy Năm “bá đạo”
>> Tôi đi gặp “lang băm”

Nghe nhiều người đi coi và giới thiệu lại, chúng tôi quyết định đến nhà bà Uẩn ở ấp Ruộng 3, xã Quang Minh (Chơn Thành) để chứng kiến việc “gọi hồn người chết”. Khác hẳn với sự suy nghĩ của chúng tôi rằng nơi mình cần đến thường là những ngôi nhà nhỏ, lụp xụp với các màu sắc huyền bí thì đập ngay trước mắt là ngôi nhà khang trang, rộng lớn nằm bên quốc lộ. Trước sân rất nhiều ôtô, xe máy từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai... cũng về đây để nhờ bà Uẩn gọi hồn giùm.

GIÚP NGƯỜI CHẾT QUAY VỀ VỚI HIỆN TẠI

Ngay từ ngoài sân, chúng tôi đã nghe tiếng gọi hồn về. Bên trong ngôi nhà cảnh người đứng, người ngồi, kẻ đi tới, người đi lui thắp nhang khấn vái làm cho không khí thêm u ám nghẹt thở và gai lạnh. Một phụ nữ trạc 50 tuổi, thân hình đẫy đà đang ngồi trên ghế, xung quanh có hơn 20 người vây quanh chờ đến lượt hồn người thân nhập về. Một phụ nữ ngồi bên cạnh nói với chúng tôi: “Bà về rồi đó, đang nói chuyện với người nhà đấy, các cô có muốn gọi hồn ai thì đến bàn thờ tổ khấn vái tên tuổi và xin về”. Chúng tôi lật đật quay lại bàn thờ, khẽ khấn vái như người phụ nữ kia dặn.

Các bệnh nhân đang chờ để bà Uẩn chữa bệnh

Lúc này, hồn vừa được gọi về nhập vào bà Uẩn, còn lại những người thân ngồi dưới liên tục khấn vái, đại loại như: “Cô ơi cho cháu gặp người nhà cháu họ L, tên X; cô ơi, bố cháu là T. H. C có ở đây không”. Một cảnh tượng lao nhao, nhếch nhác khi ai cũng chen lấn mong được bà Uẩn mời lên.   

Khi được hồn nhập vào, bà Uẩn không thay đổi nhiều so với lúc bình thường. Trong suốt buổi quan sát chúng tôi thấy bà ngồi trên ghế, đồng thời chỉ có 2 khuôn mặt và hai giọng nói để thay đổi khi các hồn về, bất kể đó là hồn nam hay nữ, già hay trẻ. Nếu là con nít hoặc người trẻ thì giọng nói cao vút, nũng nịu, khuôn mặt ngây thơ, các động tác múa tay, múa chân như một đứa trẻ thật sự. Còn nếu hồn về là người lớn hoặc già thì khuôn mặt rưng rưng nước mắt, tay chân bủn rủn, giọng nói thều thào và thở từng hơi rất gấp gáp. Một hành động chung khi các hồn nhập về đó là “Âm - dương tay nắm chặt tay”, bịn rịn như người đi đâu xa mới về.

Đối với người nhà, khi hồn về sẽ đến và nói chuyện như lúc người thân họ còn sống. Đa phần đều hỏi cuộc sống ở thế giới bên kia thế nào, có đầy đủ không, có cần gì không? Các hồn về chỉ trả lời chung chung như tốt hoặc là chưa tốt và tùy theo mức độ chưa tốt và “thiếu thốn” như thế nào để mua giấy tiền cúng cụ thể. Ngược lại, hồn cũng như những nhà “tiên tri” mách cho gia đình biết sẽ có những chuyện gì và làm gì trong thời gian tới rồi hướng dẫn cách giải quyết cụ thể cho gia đình.

Đặc biệt là không biết hồn đang ở đâu, liệu có phải đứng bên cạnh như bà Uẩn nói không, nhưng hễ cứ hồn này xong chỉ cần dùng tay vuốt mặt một lần là hồn khác nhập vào ngay. Hành động diễn ra không quá 2 giây. Cứ như vậy bà Uẩn liên tục để hồn người này, hồn người khác nhập vào, một buổi như vậy có thể mời hơn 20 hồn về nói chuyện.

Một phụ nữ khoảng 30 tuổi, trợ lý của bà Uẩn cứ đẩy chúng tôi xích ra và nói: “Không được chạm vào người cô, đụng vào là cô về ngay không cho gặp đâu”. Có thêm trợ lý, bà Uẩn càng dễ dàng hơn trong việc nói chuyện với người nhà, khi hồn đang về. Hễ người nhà không hiểu thì trợ lý sẽ giảng cho người nhà hiểu, tránh làm mất thời gian của bà Uẩn và nhu cầu của người khác.

CHÍNH QUYỀN VÀO CUỘC NHƯNG ĐÂU LẠI VÀO ĐẤY

Từ xưa tới nay, việc hướng về ông bà, tổ tiên (thờ cúng) vào dịp cuối năm là nét đẹp trong hoạt động tâm linh của người Việt Nam. Đó là cách để người còn sống tri ân, cảm tạ đối với người đã khuất. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động cúng bái đã trở nên thái quá, không còn mang nét đẹp tâm linh vốn có. Nhiều việc cúng kiếng không còn mang vẻ thuần khiết là tạ ơn mà mang nặng ý nghĩa thực dụng. Cuối năm, nhiều người lại đổ xô đi tìm “thầy” để gọi hồn người thân. Người làm ăn phát đạt thì gọi hồn để cảm tạ người chết đã phù hộ. Người gặp nhiều xui xẻo thì gọi hồn để hỏi lý do và xin hướng khắc phục. Và đây chính là mảnh đất màu mỡ để những đồng cô bóng cậu gieo rắc mê tín dị đoan, làm ảnh hưởng đến niềm tin và an ninh trật tự.

Trao đổi với chúng tôi về việc bà Uẩn tổ chức gọi hồn làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Anh Quân, Phó trưởng Công an xã Quang Minh cho biết: Gia đình bà Uẩn quê ở Thái Bình, vào cư trú ở xã Quang Minh từ năm 1978, chồng tên Nguyễn Văn Uẩn, bà là Nguyễn Thị Ngào, người ta gọi bà Uẩn vì lấy theo tên chồng. Khi được hỏi về việc bà Uẩn hành nghề gọi hồn, anh Quân cho biết: Qua công tác điều tra và nắm tình hình có nghe thông tin bà Uẩn tổ chức gọi hồn đã 3, 4 năm nay. Nghe đâu sau khi bà Uẩn bị sét đánh thì có khả năng trên. Công an xã đã kiểm tra tình hình nhưng khi đó bà Uẩn chỉ ngồi uống nước nên không có chứng cứ, chỉ có thể bắt làm cam kết sẽ không tái phạm chứ chưa xử lý hành chính được. Theo anh Quân, do gia đình bà Uẩn đã biết mặt lực lượng công an xã nên có nhiều cách để trốn khi có “động”. Để có thể giải quyết triệt để, công an xã đã chuyển cho ban văn hóa cũng như công an huyện giải quyết, nhưng hằng ngày vẫn có hàng chục khách tìm đến. Vì vậy công tác giải quyết gặp nhiều khó khăn.

Càng ngày cuộc sống càng hiện đại, nhưng một bộ phận người dân lại trở thành những tín đồ của những “thầy pháp” này. Họ luôn tin và làm theo những điều thầy phán một cách mù quáng. Hy vọng chính quyền sẽ có biện pháp mạnh tay với các “thầy” này để chấn chỉnh lại tình hình an ninh trật tự.        

Thanh Nga

  • Từ khóa
92181

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu