Thứ 6, 29/03/2024 01:22:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:01, 28/02/2015 GMT+7

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Di chúc chung của vợ chồng

Thứ 7, 28/02/2015 | 10:01:00 2,091 lượt xem
BP - Về di chúc chung của vợ chồng, tại Điều 664 trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi có quy định như sau: Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung. Ở nội dung này, trước hết tôi góp ý về kỹ thuật là cần bỏ dấu phẩy (,) ở giữa hai từ “vợ, chồng” khi quy định về di chúc chung của vợ chồng cho phù hợp. Vì việc sử dụng dấu phẩy ở giữa hai từ “vợ, chồng” là không đúng ngữ nghĩa mà phải là “di chúc chung của vợ chồng”.

Hơn nữa, trong thực tế cho thấy, di chúc chung của vợ chồng là một trường hợp đặc biệt của thừa kế theo di chúc. Với tính chất đặc thù của di chúc chung này thì hình thức di chúc chung của vợ chồng cũng cần phải quy định cụ thể để bảo đảm tính khả thi trong thực tế, tránh tình trạng di chúc vô hiệu do vi phạm về hình thức. Đồng thời, qua tìm hiểu các quy định của pháp luật hiện hành về di chúc chung của vợ chồng cũng như những bất cập, hạn chế của nó, theo ý kiến của cá nhân tôi thì chỉ nên lập di chúc bằng hình thức văn bản có người làm chứng hoặc di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực. Bởi lẽ, thông qua cách thức lập di chúc trong trường hợp này mới đảm bảo được việc thể hiện ý chí chung thống nhất như đặc thù của di chúc chung của vợ chồng.

Về điều kiện của người làm chứng cho việc lập di chúc chung của vợ chồng, tại Điều 655 trong dự thảo có quy định như sau: Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: 1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; 2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; 3. Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa đầy đủ. Vì đối với hình thức di chúc bằng văn bản có người làm chứng (đối với di chúc nói chung và di chúc chung của vợ chồng nói riêng) thì ngoài các quy định trên về những trường hợp không được làm chứng cần phải quy định bổ sung thêm hai khoản nữa. Cụ thể là Khoản 4 và Khoản 5 quy định về trường hợp người bị mất năng lực hành vi dân sự (Khoản 4) và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (Khoản 5) thuộc trường hợp những người không được làm chứng. Lý do tôi để nghị bổ sung nội dung này chắc ai cũng rõ.

Đối với điều kiện về người viết hộ di chúc chung của vợ chồng, trong nội dung của Bộ luật Dân sự năm 2005 không có quy định về người viết hộ cho việc lập di chúc. Tuy nhiên, người viết hộ di chúc cũng có một vai trò hết sức quan trọng không kém gì vai trò của người làm chứng cho việc lập di chúc. Bởi vậy, pháp luật cần quy định điều kiện cụ thể của người viết hộ di chúc. Đồng thời, người viết hộ di chúc cũng cần phải tuân thủ các điều kiện như đối với người làm chứng đã được quy định tại Điều 655 của dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi. Từ quan điểm trên, tôi đề xuất ý kiến là nội dung của Điều 655 trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi cần được bổ sung như sau:

Điều 655: Người viết hộ di chúc và người làm chứng cho việc lập di chúc. Mọi người đều có thể viết hộ di chúc và có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: 1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; 2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; 3. Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự; 4. Người bị mất năng lực hành vi dân sự; 5. Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Như Hải

  • Từ khóa
12629

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu